Australia nâng chuẩn đầu vào với người thi quốc tịch

29/04/2017 08:55

Australia đang có kế hoạch nâng cao tiêu chuẩn đầu vào đối với những người muốn nhập tịch với việc kéo dài thời gian chờ đợi, bổ sung khâu kiểm tra về “các giá trị Australia” và nâng tiêu chuẩn tiếng Anh nhằm cải tổ chương trình nhập cư của nước này.


1-0732

Theo Reuters, trung tuần tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã thông báo hủy bỏ Chương trình thị thực 457 làm việc tạm thời cho người nước ngoài có tay nghề cao ở nước này và thay thế bằng một chương trình với các quy định nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo đặt “Nước Australia lên trên hết”.

Chỉ 1 ngày sau tuyên bố này, ông Turnbull tiếp tục công bố thêm một số chi tiết liên quan đến kế hoạch nâng cao tiêu chuẩn đầu vào đối với những người muốn nhập tịch Australia.

Trong đó, ông nói rằng, theo các quy định thi mới, những người có trình độ tiếng Anh cơ bản sẽ không còn đáp ứng tiêu chuẩn để trở thành công dân Australia. Thay vào đó, họ cần phải có bằng cấp tương đương 6.0 IELTS.

Vẫn theo các điều khoản quy định mới, một cá nhân sẽ chỉ có thể nhập tịch Australia sau 4 năm là thường trú nhân, tăng so với quy định 1 năm hiện nay.

“Những việc mà chúng tôi đang làm là để củng cố xã hội đa văn hóa của chúng tôi, tăng cường những giá trị của chúng tôi. Công dân Australia phải được tôn trọng, yêu mến. Đó là một đặc ân”, ông Turnbull nói.

Theo Thủ tướng Turnbull, quá trình xem xét việc cho các công dân các nước khác nhập cư vào nước này hiện chủ yếu mang tính chất hành chính và kỳ thi nhập tịch gần như là một bài kiểm tra công dân. Ông cho rằng những bài thi về kiến thức luật pháp, về biểu tượng quốc gia, về cờ của Australia như hiện nay không phù hợp để đánh giá liệu một người có chấp nhận “những giá trị Australia” hay không.

Do vậy, bài thi quốc tịch mới sẽ bao gồm những câu hỏi như người nộp đơn có cho con đi học hay không, họ có đi làm hay không nếu đang ở tuổi lao động… “Chúng tôi sẽ bảo vệ những giá trị Australia và Quốc hội cũng nên làm vậy”, ông Turnbull nhấn mạnh.

Các thay đổi chính sách của Australia diễn ra trong lúc ở nước này đang chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc, chính sách chống nhập cư. Các đảng có xu hướng cực hữu như Một quốc gia đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

Các yêu cầu mới đối với người thi quốc tịch Australia dự kiến sẽ được Quốc hội nước này thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của các nghị sỹ cánh hữu. 

Tuy nhiên, theo tờ The Guardian của Anh, những thay đổi trong Chương trình thị thực 457 cho lao động có tay nghề cao của Australia có thể đưa đến hàng loạt những hậu quả không mong muốn như làm giảm khả năng cạnh tranh của Australia trong việc thu hút sinh viên quốc tế và các nhà nghiên cứu tài năng, đồng thời đẩy lùi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại vốn đang bị trì hoãn với Ấn Độ. 

Nhóm 8 – nhóm bao gồm các trường đại học chuyên về nghiên cứu hàng đầu của Australia – nói rằng họ sẽ khó có thể thu hút được các nhà nghiên cứu giỏi nhất trên toàn cầu về trường do những hạn chế về những ngành nghề mở cho lao động có tay nghề cao cũng như việc con đường để trở thành thường trú nhân và công dân của những người thuộc diện này sẽ hẹp lại khi các quy định mới được áp dụng.

“Những quy định mới đối với các chương trình thị thực cho lao động có tay nghề cao và thị thực cho những lao động được hưởng quy chế thường trú nhân sẽ khiến việc duy trì lợi thế quốc tế của Australia trở nên khó khăn hơn.

Nhìn xa hơn, các đề xuất của chính phủ có thể cản trở khả năng thu hút học sinh, sinh viên tiềm năng tới Australia. Đây là điều đặc biệt đáng quan ngại ở thời điểm các cơ hội học tập ở các nước như Anh và Mỹ đang khá mở”, Giáo sư Peter Hoi, Chủ tịch nhóm 8 trường đại học hàng đầu của Australia nhận định.

Theo các quy định dự kiến sẽ được áp dụng ở Australia, các sinh viên khi tới nước này học tập và nghiên cứu sẽ không thể chuyển từ thị thực sinh viên thành thị thực cho người nhập cư có tay nghề cao và con đường trở thành thường trú nhân và công dân Australia cũng khó khăn vì yêu cầu phải có 2 năm kinh nghiệm làm việc.

Từ tháng 3/2018, gần như các sinh viên tốt nghiệp sẽ không được các công ty bảo trợ tạm thời và vĩnh viễn vì họ cần đáp ứng điều kiện đầu tiên là phải có kinh nghiệm làm việc toàn thời gian ít nhất 2 năm. 

Ngành giáo dục quốc tế của Australia ước tính có giá trị lên đến 21 tỉ USD và tạo 130.000 việc làm. Ông Henry Sherrell - một nhà nghiên cứu về chính sách công tại Trường Crawford – cũng cho rằng việc không có cơ hội trở thành thường trú nhân có thể khiến Australia mất đi lợi thế trong việc thu hút các lao động có tay nghề cao.

“Việc lấy đi khả năng trở thành thường trú nhân của nhiều người nhập cư sau khi họ đã trải qua một thời gian ở Australia sẽ khiến các nhà tuyển dụng và những tổ chức khác như các trường đại học khó thu hút được tài năng”, ông nói.

Hiệp hội Sinh viên y khoa Australia tuyên bố ủng hộ kế hoạch về chương trình thị thực mới của chính phủ nhưng quan ngại về việc 2.500 sinh viên y khoa quốc tế của nước này có thể sẽ phải đánh cược nghề nghiệp của họ khi phải chạy đua để được gia hạn thị thực bằng cách tham gia các khóa đào tạo đặc biệt để có thể ở lại Australia.

Ngoài ra, việc hạn chế Chương trình thị thực 457 của Australia cũng được cho là có thể gây tổn hại tới quan hệ giữa nước này với Ấn Độ - nước có nhiều người nhập cư ở Australia theo chương trình 457 nhất.

Trong năm 2016, hơn 10.000 thị thực thuộc Chương trình 457 đã được cấp cho người Ấn Độ. Ấn Độ cũng là nước đứng thứ 2 về lượng sinh viên đang theo học tại Australia, với hơn 50.000 người đang theo học các cơ sở giáo dục của Australia. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng Chính phủ nước này đang tham vấn các bên liên quan về những hậu quả của chính sách mới của Australia. Song, ông này cũng cảnh báo rằng động thái của Australia có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại vốn bị trì hoãn lâu nay giữa 2 nước. 

Ý kiến của bạn

Bình luận