Hành khách mua vé tàu Tết tại ga Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) |
Mục tiêu chính của dự án là di dời ga đường sắt ra khu vực phía Tây thành phố nhằm triệt tiêu các xung đột giữa đường sắt và giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm, giảm ô nhiễm môi trường. Quy hoạch và xây dựng nhà ga mới hiện đại, tiếp cận tốt nhiều loại hình giao thông ở mật độ cao và kết nối thuận lợi với khu vực trung tâm thành phố.
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 4/11/2016, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã họp bàn về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị.
Trên cơ sở nội dung thống nhất giữa Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu phân kỳ giai đoạn thực hiện và hoàn chỉnh các phương án đầu tư bảo đảm thuận lợi thực hiện dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án “Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng” sẽ được triển khai từ năm 2017-2023. Dự án bao gồm xây dựng mới 18,21km đường sắt và cải tạo 7 km đường sắt cũ; xây dựng nhà ga khách mới với diện tích 43,1ha; xây dựng ga hàng hóa Kim Liên mới với diện tích 80,1 ha; nâng cấp ga hàng Lệ Trạch với diện tích 9,6 ha; xây dựng một cầu đường sắt vượt sông Cu Đê và 5 cầu đường bộ vượt đường sắt...
Ga mới Đà Nẵng sẽ tách ra làm hai ga hành khách và hàng hóa. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 5.764 tỷ đồng, thời gian di dời ga Đà Nẵng sẽ thực hiện trong 6 năm, từ năm 2017 đến năm 2023.
Theo đơn vị tư vấn, vị trí này phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của thành phố, cho phép trong tương lai có thể kết nối với tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc mà Bộ Giao thông Vận tải đã có chủ trương xây dựng qua địa bàn thành phố cũng như kết nối được với cảng Liên Chiểu đã được thành phố quy hoạch và các khu công nghiệp tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, di dời ga đường sắt đến khu vực Liên Chiểu sẽ tạo tiền đề để phát triển cảng Liên Chiểu, kết nối thuận lợi giữa cảng Liên Chiểu và hệ thống đường sắt quốc gia. Đồng thời, kết hợp với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân tạo động lực để phát triển khu vực phía tây và tây bắc thành phố, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực ga đường sắt cũ.
Trước những thông tin trên, người dân và chính quyền tại những địa phương bị tác động từ dự án băn khoăn vì chưa rõ thực tế cụ thể ra sao bởi từ lâu họ đã nghe đến một dự án tương tự nhưng chưa thấy triển khai, gây khó khăn trong sinh hoạt, ổn định cuộc sống. Do vậy, đa số người dân trong khu vực quy hoạch mong muốn, thành phố nên thông báo cụ thể để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Ngày 29/5 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về việc thống nhất ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thực hiện triển khai di dời ga Đà Nẵng ra khỏi nội thành.
Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề xuất quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm các hạng mục; xây dựng tuyến tránh qua trung tâm thành phố dài 18,26km; cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến cũ dài 7km; xây dựng mới ga hành khách với chức năng đón, trả khách thay cho khu ga Đà Nẵng hiện tại.
Hai bên cũng thống nhất chưa xây dựng ga hàng hóa Kim Liên mới mà cải tạo, nâng cấp ga Lệ Trạch để đảm nhận khối lượng xếp dỡ của ga Đà Nẵng hiện tại đồng thời, xây dựng mới cầu Nam Ô và cầu Quan Nam, 1 cầu đường bộ vượt đường sắt và xây dựng 4 đường ngang tại các điểm giao cắt.
Ngoài ra, thành phố đề xuất xây dựng đồng bộ các hạng mục hệ thống thông tin tín hiệu phục vụ chạy tàu, di dời máy móc thiết bị, bảo đảm chuẩn bị đầy đủ đầu máy toa, xe tại khu ga mới... Dự toán kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 3.451 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất các phương án đầu tư; đầu tư giai đoạn 1 bằng nguồn vốn trong nước, trong đó, phương án 1, đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) kết hợp vốn ngân sách Trung ương (đầu tư theo hình thức BT bằng quỹ đất tương ứng với giá trị thu được từ khu đất nhà ga cũ khoảng 1.192 tỷ đồng. Nhà đầu tư được quyền khai thác quỹ đất tại khu vực nhà ga cũ theo quy hoạch của thành phố.
Phần còn lại 2.259 tỷ đồng sẽ kiến nghị Chính phủ đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương như vốn trái phiếu, vốn dự phòng Trung ương hoặc ODA...).
Phương án 2, đầu tư theo hình thức BT kết hợp với hình thức xây dựng-thuê dịch vụ-chuyển giao (BLT). Đầu tư theo hình thức BT bằng quỹ đất tương ứng với giá trị thu được từ khu đất nhà ga cũ khoảng 1.192 tỷ đồng. Nhà đầu tư được quyền khai thác quỹ đất tại khu vực nhà ga cũ theo quy hoạch của thành phố. Phần còn lại 2.259 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức BLT.
Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý khai thác, sử dụng. Kinh phí chi trả cho nhà đầu tư được trích từ nguồn doanh thu hằng năm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam . Thời gian hoàn vốn của dự án là 16 năm.
Phương án 3, đầu tư theo hình thức BT kết hợp với hình thức BOT xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) (đầu tư theo hình thức BT bằng quỹ đất tương ứng) với giá trị thu được từ khu đất nhà ga cũ khoảng 1.192 tỷ đồng. Nhà đầu tư được quyền khai thác quỹ đất tại khu vực nhà ga cũ theo quy hoạch của thành phố.
Phần còn lại 2.259 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức BOT. Nhà đầu tư được quyền kinh doanh khai thác toàn bộ các hạng mục đã xây dựng để hoàn vốn. Sau khi hoàn đủ vốn, nhà đầu tư chuyển giao toàn bộ cơ sở hạ tầng lại cho cơ quan Nhà nước. Thời gian hoàn vốn của dự án 22 năm, đầu tư hoàn chỉnh bằng nguồn vốn ODA.
Trong khi đó, ông Đặng Đức Cường, chuyên gia cao cấp về đô thị của Ngân hàng Thế giới cho biết lãnh đạo Ngân hàng đồng thuận về nguyên tắc đối với với những đề xuất trong Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị.
Trên cơ sở đó, ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục tài trợ để nhóm công tác cùng phối hợp với thành phố triển khai nghiên cứu khả thi (FS) cho cả 2 hợp phần di dời, xây dựng ga đường sắt mới và tái phát triển đô thị của dự án với nguồn kinh phí được lấy từ dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay dự án di dời ga đường sắt được xác định là một trong những chương trình tái thiết đô thị quan trọng của thành phố./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.