Bà Rịa - Vũng Tàu: Thống nhất phương án xây dựng đường Vành đai 4

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 07/09/2023 15:02

UBND tỉnh đã thống nhất chọn phương án có mặt cắt ngang 27m với tổng kinh phí hơn 8.100 tỷ đồng. Việc đầu tư tuyến Vành đai 4 sẽ giúp phát triển liên vùng, kết nối với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng hàng không Quốc tế Long Thành.


Ngày 7/9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã thống nhất phương án đầu tư tuyến đường Vành đai 4 đi qua địa bàn để đề xuất Bộ GTVT xem xét.

Theo ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 18,17km. Điểm đầu dự án tại ngã tư Tóc Tiên – Châu Pha, điểm cuối trên địa bàn huyện Châu Đức thuộc khu vực hồ Bàu Cạn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thống nhất phương án xây dựng đường Vành đai 4 - Ảnh 1.

Tuyến Vành đai 4 sẽ đi qua năm tỉnh Đông Nam Bộ

Tỉnh đề xuất 2 phương án đầu tư dự án giai đoạn 1. Thứ nhất là phương án có mặt cắt ngang 27m với 4 làn cao tốc, có tốc độ lưu thông tối đa 100km/h, cùng 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 8.100 tỷ đồng.

Phương án hai có mặt cắt ngang 22m với 4 làn cao tốc có tốc độ lưu thông tối đa 80km/h, cùng 2 làn dừng khẩn cấp, dải phân cách giữa rộng 0,5m, dải an toàn mỗi bên rộng 0,75m. Tổng mức đầu tư của phương án này khoảng 7.840 tỷ đồng. 

Theo đó, UBND tỉnh đã thống nhất chọn phương án có mặt cắt ngang 27m với tổng kinh phí hơn 8.100 tỷ đồng. Đơn vị giao Sở GTVT tỉnh thống nhất với Sở GTVT TP.HCM để tổng hợp và gửi ý kiến đến Bộ GTVT để sớm nhận được các hướng dẫn về thủ tục và đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết thêm, trong tương lai, giao thông trong khu vực sẽ phát triển mạnh khi kết nối với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Do vậy, địa phương chọn phương án mặt cắt 27m cùng với tốc độ tối đa 100km/h để tăng tính khả thi, phù hợp với sự phát triển đồng bộ với các tuyến cao tốc như Bến Lức - Long Thành, Biên Hoà - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú… 

Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, ngành có liên quan cần nghiên cứu thêm về nút giao của tuyến với các tuyến đường hiện hữu để thuận tiện kết nối, phát huy tiềm năng lợi thế về lâu dài. Đồng thời có sự thống nhất để triển khai đồng bộ, tránh phát sinh thêm trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GTVT, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, chuẩn bị đầu tư vào năm 2024.

Dự án đường Vành đai 4 với tổng chiều dài 197,6 km đi qua 5 tỉnh, thành là Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An là dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò quan trọng đột phá hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 


Ý kiến của bạn

Bình luận