Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng, phương tiện tập trung giải tỏa các vi phạm và chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT), vỉa hè đô thị. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, cản trở trái pháp luật trong quá trình thực hiện giải tỏa lấn chiếm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT.
Theo Kế hoạch giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, đường sắt năm 2023, các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch giải tỏa trên các tuyến gồm: QL.31 đoạn Km2+300-Km58 và đoạn Km69-Km71; QL.17 đoạn Km93- Km94; ĐT.297 đoạn Km3-Km8; ĐT.299B đoạn từ Km4-Km6+700; ĐT.292 đoạn Km18+200-Km19; ĐT.295 đoạn Km10-Km14 và đoạn Km54+00- Km66+100…
Công tác giải tỏa tập trung vào các tuyến đường huyện được nâng cấp mở rộng; các tuyến đường gom cao tốc nằm trên địa bàn; các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh nằm trong khu dân cư, khu công nghiệp có mật độ tham gia giao thông đông đúc. Các tuyến đường đi qua khu vực đồi núi, các điểm cong cua nhân dân trồng cây gây mất tầm nhìn cho các phương tiện tham gia giao thông…
Tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, xác định rõ phạm vi giải tỏa các tuyến đường, phạm vi giải tỏa tối thiểu phải giải tỏa hết phạm vi đất của đường bộ, phạm vi hành lang an toàn đường sắt. Tập trung vào các điểm đen, điểm tiềm ẩn mất ATGT, điểm bất cập về tổ chức giao thông để giải tỏa.
Mặt khác, các địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để hoàn thành công tác cắm mốc lộ giới trên các đoạn tuyến quốc lộ, đường tỉnh đi qua địa bàn thuộc phạm vi đô thị (thành phố, thị trấn), các tuyến đường mở mới theo quy hoạch tỉnh được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư. Huy động các lực lượng, phòng, ban liên quan của cấp huyện, cấp xã, các lực lượng phối hợp và đơn vị quản lý thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT. Đảm bảo an ninh trật tự quá trình giải tỏa vi phạm hành lang ATGT.
Để tổ chức triển khai công tác giải tỏa, các địa phương cần tổ chức quán triệt tuyên truyền về Kế hoạch giải tỏa vi phạm hành lang ATGT. Tuyên truyền, phổ biến đến người dân các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng hành lang ATGT bằng nhiều hình thức.
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt thực hiện rà soát, thống kê, phân loại các vi phạm, các trường hợp đã được bồi thường GPMB trước đây nhưng chưa giải tỏa như: Các công trình, lều quán, vật kiến trúc, biển quảng cáo, kinh doanh rửa xe, hàng rong... vi phạm vỉa hè, vi phạm đất của đường bộ, vi phạm hành lang ATGT. Đồng thời phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt tổ chức vận động các trường hợp vi phạm tự giác tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc, cây cối..; tổ chức ký cam kết không vi phạm với tất cả các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân làm việc, sinh sống và kinh doanh liên quan đến hành lang ATGT.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức 02 đợt cao điểm cưỡng chế giải tỏa vi phạm: Đợt 01 từ ngày 05/5/2023 đến ngày 20/7/2023; đợt 02 từ ngày 05/9/2023 đến ngày 30/10/2023.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.