Mục đích của Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ (gọi tắt Nghị quyết số 48), quyết tâm kiềm chế, giảm số thương vong do TNGT tối thiểu 5%/năm, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người chết và bị thương do TNGT đường bộ so với năm 2020.
Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết số 48 phù hợp với điều kiện của địa phương; phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện đối với các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan.
Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến cấp cơ sở, gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.
Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tăng cường, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về TTATGT. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch chung, ngành, lĩnh vực, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả của Ban ATGT các cấp từ tỉnh đến xã đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chú trọng nâng cấp các tuyến đường trọng điểm phục vụ khai phá tiềm năng của tỉnh và kết nối phục vụ phát triển vận tải, công nghiệp, khu dân cư, đô thị, du lịch, tạo đột phá lớn nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư từ bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến quản lý, sử dụng công trình.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn. Bố trí vốn kịp thời và đạt tối thiểu 10% kinh phí trong nguồn sự nghiệp kinh tế của địa phương hằng năm để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu rà soát, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, tránh ùn tắc giao thông, nhất là các tuyến đường kết nối liên vùng, các tuyến đường trong khu vực có khu, cụm công nghiệp; xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến, luồng đường thủy nội địa.
Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trong các đô thị.
Đồng thời, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.
Ngoài ra, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức giao thông và xử lý vi phạm về TTATGT; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT.
Đặc biệt, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.