Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008 - Bài 2: Những bất cập phát sinh

Tác giả: KL

saosaosaosaosao
Vận tải 10/11/2023 06:00

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 đã xuất hiện một số vấn đề phát sinh mang tính thời đại cần phải được xem xét, sửa đổi phù hợp với tiến trình phát triển GTVT cũng như KT - XH của đất nước.

Bài 2: Luật Giao thông đường bộ 2008 và những bất cập phát sinh - Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông luôn là vấn đề nóng tại các đô thị lớn

3 vấn đề bất cập phát sinh

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Ngô Văn Bình, Phó chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho biết, Luật GTĐB 2008 đã đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của GTĐB trên 03 lĩnh vực chính là: Kết cấu hạ tầng giao thông; Vận tải đường bộ và Trật tự, an toàn giao thông. Luật GTĐB được thực hiện thuận lợi, minh bạch phục vụ tốt cho dân sinh, phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Việc thực hiện Luật GTĐB 2008 cũng góp phần kéo giảm TNGT đường bộ cả 03 tiêu chí trong bối cảnh số phương tiện tham gia giao thông gia tăng rất cao. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 cũng đã phát sinh tồn tại, hạn chế không hoàn toàn phù hợp, ảnh hưởng phát triển GTVT hiện tại và tương lai.

Cụ thể: Về định hướng đầu tư phát triển, tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực trong khi theo yêu cầu là từ 16% - 26%). Giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó do một phần hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế; đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa hoàn thành việc cứng hóa kết cấu mặt đường.

Bài 2: Luật GTĐB 2008 và những bất cập phát sinh - Ảnh 2.

Giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT trên QL2 đoạn qua huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Nhiều vị trí hành lang an toàn đường bộ chưa được đền bù; nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp hàng năm để thực hiện đền bù, thu hồi đất trong hành lang còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Tình trạng người dân sử dụng trái phép hành lang mở lều quán kinh doanh thường xảy ra cần có sự vào cuộc để kiểm tra, xử lý, cưỡng chế của các lực lượng chức năng.

Nguồn vốn cho đầu tư từ ngân sách đối với hạ tầng GTĐB còn chiếm tỷ trọng thấp nên việc huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế còn hạn chế do vướng mắc về cơ chế chính sách chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, ổn định. Việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ còn chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự kết nối với các phương thức vận tải khác do hạn chế về mặt nguồn lực đầu tư và cơ chế huy động vốn; tỷ lệ các công trình hiện đại (như hệ thống đường cao tốc) còn thấp so với các nước trong khu vực. Việc đầu tư vào đường cao tốc rất khó để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài do hành lang pháp lý còn thiếu tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nguồn vốn dành cho quản lý bảo trì thấp là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác bảo trì đường bộ. Hiện nay, nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì chưa đủ so với nhu cầu (đối với hệ thống quốc lộ đáp ứng được khoảng 45% yêu cầu). Nguồn kinh phí bảo trì đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường nông thôn gặp nhiều khó khăn.

Bài 2: Luật GTĐB 2008 và những bất cập phát sinh - Ảnh 3.

Vận tải đường bộ vẫn phải "gánh vác" trọng trách chính

Về vận tải đường bộ: Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít. Việc phân loại loại hình kinh doanh vận tải chưa phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ, gây ra khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau; quy định hiện nay chưa đề cập đầy đủ trách nhiệm của chủ phương tiện; khung pháp lý trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, theo chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, đối với ngành GTVT có hai nội dung chính là áp dụng giao thông thông minh và Logistic trong vận tải. Để triển khai thực hiện định hướng đó, luật cần chế định những nội dung cụ thể, phân công chức năng chủ trì, phối hợp giữa các ngành, lộ trình thực hiện... Đây là những vấn đề lớn, có tính liên ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ, cần những nguồn lực nhất định mới có thể triển khai được. Ví dụ như hiện nay, theo chức năng phân công của nhà nước, quản lý vận tải do ngành GTVT đảm trách, quản lý về Logistic do ngành Công thương đảm trách.

Hiện ngành Công thương đã lập quy hoạch xây dựng 19 trung tâm logistic quốc gia nhưng về kết nối đường bộ, đường sắt vào các trung tâm này như thế nào chưa thấy thể hiện rõ trong quy hoạch giao thông vận tải; hay vấn đề thực hiện chủ trương phát huy tiềm năng vận tải đường thủy nội địa và vận tải đường sắt để thay thế một phần cho vận tải đường bộ là đúng nhưng cần phải có kế hoạch cụ thể theo hướng cần đánh giá tiềm năng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa đến đâu? Cần đầu tư tăng cường năng lực như thế nào? nhất là năng lực về kho bãi và bốc xếp ở các bến cảng, nhà ga; loại hàng nào, cự ly vận chuyển nào thì chuyển qua vận tải theo 2,3 phương thức sẽ có hiệu quả hơn vì nếu ở cự ly vận chuyển ngắn, việc vận chuyển qua nhiều phương thức sẽ phát sinh thêm chi phí xếp dỡ, lưu kho và tăng thời gian vận chuyển... Vận tải ô tô là khâu khởi đầu và kết thúc của mọi quá trình vận tải, không thể tách rời với hoạt động logistic, do đó cần xác định vai trò, vị trí và phương thức phối hợp với hoạt động logistic... là những vấn đề cần nghiên cứu thêm để chế định trong luật.

Công tác quản lý nhà nước về GTĐB: việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xử lý vi phạm về GTĐB còn hạn chế, trong khi các hành vi vi phạm hành chính về GTĐB còn diễn ra phổ biến, phức tạp. Hệ thống điều khiển, giám sát giao thông còn thiếu; chưa có hệ thống quản lý giao thông thông minh, chưa có các trung tâm điều khiển xe đi trên các tuyến; thực tiễn đòi hỏi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Bài 2: Luật GTĐB 2008 và những bất cập phát sinh - Ảnh 4.

Hoạt động vận tải đường bộ còn đơn giản, quy mô chưa lớn, chưa có nhiều loại hình, hình thức kinh doanh

Đâu là nguyên nhân?

Theo Báo cáo tổng kết Luật GTĐB 2008 của Bộ GTVT, những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân. Cụ thể:

Một là, Luật GTĐB năm 2008 ra đời trong bối cảnh kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa tạo được sự kết nối liên hoàn; việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường bộ còn dàn trải và chủ yếu được thực hiện từ ngân sách nhà nước; hoạt động vận tải đường bộ còn đơn giản, quy mô chưa lớn, chưa có nhiều loại hình, hình thức kinh doanh; phương tiện giao thông chưa phát triển nhiều, đa dạng và hiện đại như hiện nay. Thực tế sau 15 năm phát triển, lĩnh vực GTĐB đã có nhiều sự thay đổi cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, do đó, các quy định trong Luật GTĐB năm 2008 không còn theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội và thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý GTĐB.

Hai là, các Bộ luật, Luật khác (như: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, …) được ban hành với nhiều quy định tác động đến hệ thống pháp luật về GTĐB.

Ba là, một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai thi hành các quy định của pháp luật về quy hoạch, về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Bốn là, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành còn hạn chế, trong khi sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ và ứng dụng công nghệ trong đời sống xã hội đã có tác động to lớn đến lĩnh vực GTĐB dẫn đến việc thiếu cơ sở pháp lý của Luật để điều chỉnh các loại hình quản lý giao thông vận tải, các phương thức vận tải, các phương tiện tham gia giao thông.

Bài 2: Luật GTĐB 2008 và những bất cập phát sinh - Ảnh 5.

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông còn kém

Năm là, ý thức chấp hành pháp luật về GTĐB của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành Luật.

Sáu là, xu hướng hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế đòi hỏi Luật phải có sự điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa, năng lực cạnh tranh, điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực GTĐB. 

Sau quá trình tổng kết, nghiên cứu cho thấy bên cạnh việc phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật GTĐB năm 2008 cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định có tính chất đặc thù như: đường cao tốc, cầu dài vượt biển...; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế.