Bài học “cát tặc” ở An Giang và câu chuyện khan hiếm cát cho dự án giao thông ở ĐBSCL

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Xã hội 26/08/2023 16:53

Việc Phó Chủ tịch tỉnh An Giang cùng hàng chục cán bộ cấp dưới và những người có liên quan bị bắt vì liên quan đến đường dây khai thác cát trái phép là hồi chuông cảnh tỉnh cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là vấn đề cấp phép, khai thác và giám sát mỏ vật liệu phục vụ dự án giao thông.

Dẹp vấn nạn "cát tặc"

Xử lý “cát tặc” ở An Giang và bài học cho các địa phương khác  - Ảnh 1.

Công trường thi công phải "đắp chiếu" vì không có cát để gia tải

Khi hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được triển khai tại khu vực ĐBSCL, là lúc bài toán nan giải về cát được Chính phủ, các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Hàng chục cuộc họp với từng địa phương, các phương án nâng công suất, gia hạn mỏ, cấp mỏ mới đều được đưa ra. Trong đó, phương án được tính đến đầu tiên là nâng công suất khai thác của các mỏ hiện hữu lên 50% và ưu tiên trữ lượng này cho dự án cao tốc đang triển khai. 

Thế nhưng, nguồn cát từ các địa phương cung cấp về các dự án vẫn nhỏ giọt, nhà thầu phải chạy khắp nơi để kiếm cát nhưng không đủ. 

Trên thực tế, tại công trường, để phục vụ các hạng mục quan trọng, nhà thầu phải mua cát từ bên ngoài với giá đắt đỏ. Việc “cát tặc” lộng hành bao năm qua ngoài việc là nguyên nhân của sạt lở còn là nguyên nhân tăng giá vật liệu, khan hiếm nguồn cát, tăng tổng mức đầu tư các dự án khác. Trong khi đó, hàng triệu m3 cát vẫn được ngày đêm khai thác và “tuồn” ra bên ngoài.

Tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo tỉnh An Giang và các Sở ngành cho rằng, để tăng công suất và cấp cát cho dự án phải chờ đợi các thủ tục xin ý kiến Ban cán sự Đảng UBND và Thường vụ Tỉnh ủy nên mất nhiều thời gian. 

Đồng thời địa phương này đã chỉ đạo Sở TN&MT và các ngành liên quan rà soát để tham mưu cho tỉnh đối với khối lượng 2,2 triệu m3 cát còn lại và An Giang sẽ sớm cung cấp đủ 3,3 triệu m3 trong năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Để tháo gỡ nguồn cát và tìm nguyên nhân, Bộ GTVT cũng đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu. Trong đó có Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng… tham gia để cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. 

Việc Bộ Công an điều tra vụ án và khởi tố một số bị can trong đường dây khai thác cát lậu quy mô lớn tại An Giang mới đây đã phần nào làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao nguồn cát chính thống này luôn thiếu. Ít nhất cho đến nay đã có 18 người bị khởi tố, bắt tạm giam, trong đó có "ông trùm cát" Lê Quang Bình, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu - Tổng 68. 

Xử lý “cát tặc” ở An Giang và bài học cho các địa phương khác  - Ảnh 2.

Khu vực khai thác cát của Công ty Trung Hậu - Tổng 68

Đáng chú ý, trong vụ án này còn có cả Phó chủ tịch tỉnh Trần Anh Thư cùng Giám đốc Sở TN&MT An Giang Nguyễn Việt Trí và 7 cán bộ của sở này bị bắt về tội "nhận hối lộ" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo Bộ Công an, Công ty Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 ở một mỏ cát tại xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Khối lượng cát này để cung cấp cho bốn dự án giao thông đang triển khai ở ĐBSCL trong đó có cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Công ty Trung Hậu - Tổng 68 tổ chức khai thác gần 4,8 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3. Trong khi đó khối lượng cát nhận được tại dự án chỉ chiếm một phần nhỏ.

Sớm khơi thông nguồn cát và ưu tiên cho dự án giao thông trọng điểm 

Sau sự việc, tỉnh An Giang cũng ra quyết định thu hồi 7 giấy gia hạn khai thác các mỏ cát trên địa bàn tỉnh, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. 

Việc khởi tố, bắt tạm giam nhiều bị can trong đường dây "cát tặc" cũng chính là hồi chuông cảnh báo cho các địa phương khác, bởi tại khu vực ĐBSCL, An Giang là tỉnh đứng đầu về trữ lượng. Do vậy, nguồn cung ứng cát tại khu vực gần như bị đứng lại, ảnh hưởng lớn đến việc thi công các công trình giao thông. Các tỉnh còn lại đều chưa hoàn thành việc cấp phép và nhà thầu chưa thể đưa cát từ mỏ về công trường.

Theo ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, đơn vị đang là chủ đầu tư hai dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Hiện nay công trường thi công phải chững lại để chờ cát, tiến độ của cả hai đoạn cao tốc đều bị chậm. 

Ông Tuân cho biết thêm, tính đến nay, các địa phương đã bố trí cung ứng cát cho dự án là 1,471 triệu m3. Cụ thể, tỉnh An Giang đã bố trí 1,1 triệu m3 từ các mỏ Tân Lê Quang, Vạn Hưng Tùng, Trung Hậu – Tổng 68, Hải Toàn. Tuy nhiên, nhà thầu chỉ ký hợp đồng được 2/4 mỏ và lấy được 110 nghìn m3 cát thì tạm dừng do giấy phép bị thu hồi. 

Đối với tỉnh Đồng Tháp, các nhà thầu đã tiếp nhận xong 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng công suất và tỉnh đã có văn bản giới thiệu 6 mỏ mới. 

Đối với tỉnh Vĩnh Long, địa phương này đã chấp thuận cho một số nhà thầu thăm dò, khảo sát và đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo, lập đánh giá tác động môi trường. 

Như vậy, dù dự án đã khởi công đến nay gần 9 tháng, nhưng Ban QLDA và các nhà thầu vẫn loay hoay đi tìm cát cho dự án. Trong khi đó, tổng khối lượng cát cho hai dự án cao tốc nói trên là rất lớn. 

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã tính toán các phương án hợp lý để bố trí nguồn cát. 

Đối với hai mỏ cát đã giới thiệu tại Công văn số 50/UBND- ĐTXD ngày 17/02/2023, nhà thầu thi công cần lập các hồ sơ có liên quan để đến hết năm 2023 sẽ khai thác khoảng 0,4 triệu m3. Đối với bốn mỏ đã giới thiệu tại Công văn số 251/UBND-ĐTXD ngày 29/6 2023, Ban QLDA Mỹ Thuận đang cùng với nhà thầu thi công khảo sát hiện trạng và lập các hồ sơ có liên quan để đăng ký khu vực, công suất, khối lượng... Dự kiến trữ lượng khai thác tại các mỏ cát này đến hết năm 2023 khoảng 2,0 triệu m3. 

Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ rà soát các mỏ cát, trường hợp đủ điều kiện sẽ tăng 50% công suất khai thác để phục vụ công trình cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Tuy nhiên việc tăng 50% công suất khai thác tại các mỏ cát phải đảm bảo không gây sạt lở bờ sông và không làm ảnh hưởng xấu đến các công trình, vật kiến trúc lân cận. Khối lượng dự kiến tăng công suất khoảng 0,529 triệu m3. Như vậy, tổng khối lượng mà địa phương này cam kết sẽ đáp ứng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 25/8, thông tin từ Bộ Công an cho hay, quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, ngày 24/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về tội "Nhận hối lộ" quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan điều tra xác định, Trần Anh Thư với cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ cho Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác, bỏ qua những sai phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cá nhân Trần Anh Thư được nhận tiền và lợi ích vật chất từ Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 với tổng giá trị bước đầu xác định là 1,2 tỷ đồng.