Bài học không ngừng theo đuổi ước mơ của phi hành gia Mỹ

16/10/2017 14:36

Từ lúc nhìn thấy con tàu Apollo hạ cánh xuống mặt trăng, Leroy Chiao ước mơ bay vào không gian và chưa bao giờ ngừng phấn đấu.

bai-hoc-ve-uoc-mo-cua-phi-hanh-7343-1500-150803527
Leroy Chiao ước mơ được bay vào không gian từ năm 9 tuổi.

Giống như nhiều người trong chúng ta, Leroy Chiao (57 tuổi), nhìn lên các vì sao khi còn bé và mơ ước được bay vào không gian bao la vào một ngày nào đó. Nhưng không giống hầu hết mọi người, ông tìm cách biến ước mơ thành hiện thực, và còn hơn thế nữa. 

Theo Next Shark ngày 11/10, Chiao sinh ngày 28/8/1960 ở Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ. Ông phát hiện ước mơ của mình khi nhìn thấy tàu Apollo hạ cánh cùng con người đầu tiên đáp xuống mặt trăng, năm ông 9 tuổi. Trẻ em thời đó được truyền cảm hứng và muốn trở thành phi hành gia, nhưng riêng hoài bão của Chiao chưa bao giờ tắt.

Chiao trở thành sinh viên Đại học California tại Berkeley và lấy bằng cử nhân Kỹ thuật hóa học năm 1983. Ông tiếp tục nghiên cứu xa hơn về lĩnh vực này, tốt nghiệp thạc sĩ năm 1985 và trở thành tiến sĩ năm 1987 tại Đại học California ở Santa Barbara.

Với nền tảng kiến thức vững chắc, Chiao bắt đầu các bài học bay và lấy được giấy phép. Ông từng làm việc cho Hexcel, công ty về hàng không vũ trụ và Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, có nhiệm vụ giám sát ngăn chặn hiểm họa hạt nhân ở Mỹ.

Năm 1989, Chiao nộp đơn ứng tuyển vào Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Ông chia sẻ trên South China Morning Post: "Bảy tháng sau, tôi nhận được cú điện thoại mời đến Houston tham dự phỏng vấn. Điều đó có nghĩa tôi nằm trong số 100 trên 2.500 đơn ứng tuyển được lựa chọn. Họ muốn tôi ở đó trong một tuần, dù cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài một giờ. Phần còn lại là một bài kiểm tra sức khỏe lớn. Trung bình, một nửa số người tham gia trượt vòng này. Cuối tuần đó, tôi được thông báo đã vượt qua bài kiểm tra".

Bốn tháng sau, vào tháng 1/1990, Chiao nhận được cuộc điện thoại tiếp theo từ NASA, khiến cuộc sống của ông hoàn toàn thay đổi. Ông đã có khoảng 5 đến 6 tháng thu xếp công việc và mua một căn nhà ở Houston, chuyển đến đó để tiếp tục theo đổi ước mơ.

Chiao chính thức thỏa nguyện khi trở thành phi hành gia vào tháng 7/1991.

Ở NASA, ông tiếp tục nghiên cứu học thuật, có cơ hội điều khiển máy bay phản lực và dành hàng giờ làm việc với mô hình.

Cuối cùng, cậu bé Chiao với ước mơ "viển vông" ngày nào đã đi vào không gian, trên con tàu vũ trụ Columbia với sáu thành viên phi hành đoàn khác. "Lần đầu tiên tràn đầy cảm xúc. Tôi không sợ hãi mà vô cùng háo hức", phi hành gia gốc Trung Quốc nhớ lại.

"Bạn thực sự được bắn ra khỏi bệ phóng. Bạn nghe một tiếng nổ lớn và như thể có người đá từ sau ghế. Bạn có thể cảm nhận được sự rung động và nghe thấy sự thay đổi âm thanh của gió khi tăng tốc. Bầu trời chuyển tối khá nhanh. Trong chưa đầy một phút, bạn cao hơn bất kỳ máy bay nào và đi vào quỹ đạo chỉ trong vòng chín phút", ông kể.

bai-hoc-ve-uoc-mo-cua-phi-hanh-6644-3440-150803527
Ước mơ chạm tới các vì sao không hề viển vông nếu bạn quyết tâm theo đuổi.

Nhiệm vụ đó giúp ông trở thành phi hành gia thứ 196 của NASA và con người thứ 311 bay vào không gian. 15 năm ở cơ quan hàng không nổi tiếng, ông thực hiện nhiều chuyến phiêu lưu hơn trong sự nghiệp khi nhận nhiều vị trí, đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau.

Rời cơ quan vào tháng 12/2005, ông vẫn giữ trong mình tình yêu với không gian. Năm 2015, ông trở thành người đồng sáng lập OneOrbit, công ty cung cấp các chương trình học tập bởi phi hành gia và các giáo viên nhằm thúc đẩy những đứa trẻ theo đuổi ước mơ.  

Chiao cho rằng trẻ em châu Á và trẻ em Mỹ gốc châu Á - đặc biệt là nữ giới - thường dè dặt hơn. Ông hiểu rõ tầm quan trọng của việc lên kế hoạch cho bản thân từ sớm, nhận thức được khả năng bên trong mình.

Đối với những đứa trẻ mong muốn chạm tới những vì sao, ông dành lời khuyên: "Thông điệp lớn của chúng tôi là trẻ em hãy bồi dưỡng đạo đức, và hãy nhớ rằng không ai quyết định được các em là ai. Bản thân mỗi người phải làm việc chăm chỉ và đối xử với người khác bằng thái độ tôn trọng. Chúng tôi khuyến khích trẻ kiên trì với ước mơ của mình. Nếu không thành công, ít nhất các em đã cố gắng". 

Ý kiến của bạn

Bình luận