Không quản ngại gian khó
Làm việc trên tàu Hải Đăng 05 ngay từ những ngày đầu tàu được đưa vào vận hành đi các đảo, thuyền trưởng Trần Văn Nga kể: “Năm 2005, tàu Hải Đăng 05 được đóng mới thay tàu Hải Đăng 04 hết hạn sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tiếp tế, chuyển người thay ca trực cũng như đi kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình, trang thiết bị ở các ngọn hải đăng trên 4 đảo gồm: Song Tử Tây, Đá Lát, An Bang, Đá Tây với công suất 1.000hp, vận tốc trung bình 9 hải lý/giờ, chịu sóng gió cấp 5, cấp 6.
Tuy nhiên, hiện nay tàu phải phục vụ cho 13 trạm hải đăng gồm 9 đảo và 4 nhà giàn. Số lượng tiếp tế, người thay ca tăng lên nên chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt của anh em thuyền viên tương đối khó khăn, chật chội. Hơn nữa, công việc gắn liền với tàu, với hải đảo xa xôi trong khi hầu hết anh em thuyền viên đều quê ở miền Bắc và miền Trung nên thường xuyên phải sống xa gia đình, bạn bè, người thân và chịu cảnh cô đơn, thiếu thốn tình cảm”.
Thời tiết khí hậu khu vực quần đảo Trường Sa đã và đang ngày càng khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài hơn và mùa gió cũng thay đổi phức tạp, thường xuyên xuất hiện phong ba bão tố. Vì vậy, khi sóng yên biển lặng, một chuyến tiếp tế phải đi khoảng 13 - 14 ngày nhưng vào mùa gió bão, nhiều chuyến kéo dài hơn cả tháng.
“Tôi còn nhớ mãi chuyến đi cuối năm 2012, tàu gặp sóng to, gió lớn, di chuyển hết sức khó khăn. Chúng tôi tới đảo Tiễn Nữ thì gặp 2 cơn áp thấp, sang đến đảo Sơn Ca gặp thêm một cơn bão, gió giật cấp 9, cấp 10, tàu phải thả 2 neo, chạy chống sóng liên tục cho đến khi cơn bão đi qua. Chuyến tiếp tế này kéo dài 38 ngày, anh em thuyền viên không những sống trong cảnh thiếu thốn lương thực, thực phẩm mà còn đối mặt với hiểm nguy, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc”, thuyền trưởng Nga chia sẻ.
Theo thuyền trưởng Trần Văn Nga, hiện nay tàu Hải Đăng 05 có 17 sỹ quan, thuyền viên và nhiệm vụ chính là tiếp tế, thay quân, kiểm tra và phục vụ các đoàn công tác ra thăm hỏi các trạm hải đăng trên quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa và nhà giàn DK1 thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh điều động, mỗi năm 7 chuyến với tổng số quãng đường tàu hoạt động tương đương 9.800 hải lý/năm.
Hết mình vì biển đảo quê hương
Được biết những năm gần đây, tàu Hải Đăng 05 thực thi nhiệm vụ kiểm tra, tiếp tế các trạm hải đăng nơi tuyến đầu Tổ quốc còn phải chịu áp lực từ những tàu nước ngoài khi quần đảo Trường Sa nói riêng và biển Đông nói chung trở thành khu vực tranh chấp của các nước trong khu vực, tình hình nơi đây vô cùng nhạy cảm và phức tạp. Tháng 11/2015, khi tàu di chuyển từ đảo Sơn Ca sang đảo Song Tử Tây thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thì bị hai tàu hải cảnh số hiệu 2305, 35115 và tàu chiến số hiệu 995, mang cờ Trung Quốc vây ép, đe dọa sử dụng vũ lực, tình thế hết sức căng thẳng, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể xảy ra va đụng.
“Nếu không có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững vàng, không có tình yêu sâu nặng với nghề, xem tàu là nhà, biển đảo là quê hương, nhiệm vụ tiếp tế, kiểm tra, bảo đảm an toàn hàng hải, giữ vững chủ quyền biển đảo là sứ mệnh thì thật khó để anh em thuyền viên có thể đối mặt với những khó khăn, thử thách, bình tĩnh xử lý mọi tình huống nguy cấp, bảo đảm cho tàu Hải Đăng 05 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tàu Hải Đăng 05 có thể được xem như ngọn hải đăng thứ 14 di động trên biển, góp phần cùng đội ngũ công nhân hải đăng Trường Sa và các lực lượng trên quần đảo khẳng định và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, thuyền trưởng Nga bày tỏ.
Với vai trò là thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05, thuyền trưởng Trần Văn Nga luôn gương mẫu trong công việc cũng như sinh hoạt. Bản thân anh luôn tìm tòi tài liệu, học tập những người có kinh nghiệm đi trước để vận hành thiết bị, máy móc hàng hải đúng thông số kỹ thuật, điều động tàu đi đến nơi về đến chốn, bảo đảm an toàn cho người, hàng hóa và phương tiện. Bên cạnh đó, thuyền trưởng còn luôn yêu cầu anh em các bộ phận chuẩn bị thật tốt về mọi mặt để mỗi chuyến công tác hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất.
Làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, thuyền trưởng Nga cùng anh em thuyền viên cũng xác định vai trò sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tàu Hải Đăng 05 là một trung đội tự vệ biển. Theo đó, các anh xây dựng kế hoạch phối hợp với hải đội tự vệ Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam, đồng thời trình Phòng Quân sự địa phương, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân hỗ trợ tàu Hải Đăng 05 huấn luyện thực hành bắn đạn thật trên biển bằng súng AK47.
Hàng năm, Ban lãnh đạo Công đoàn Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam nói chung, Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo nói riêng đều phát động các phong trào thi đua thiết thực, cụ thể xuống từng phòng, ban, tổ, đội sản xuất. “Tôi và anh em trên tàu đều nhận thức đúng đắn ý nghĩa đó, hưởng ứng nhiệt tình và tích cực tham gia. Kết quả là 100% anh em sĩ quan thuyền viên đều đạt lao động tiên tiến, tập thể tàu cũng liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được lãnh đạo Tổng công ty và Công đoàn Tổng công ty tặng nhiều phần thưởng”, anh Nga tự hào.
Trong đó, bản thân thuyền trưởng Nga nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua cấp Cơ sở. Tháng 12/2015, anh vinh dự được Bộ trưởng Bộ GTVT tặng thưởng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ, góp phần bảo về chủ quyền biển đảo tại khu vực quần đảo Trường Sa.
“Bên cạnh những phần thưởng cao quý đó, tôi và anh em sĩ quan, thuyền viên tàu Hải Đăng 05 nói chung luôn cảm nhận được phần thưởng khích lệ, động viên lớn nhất chính là sự quan tâm, đồng hành của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo Bộ GTVT, Công đoàn GTVT Việt Nam đã thường xuyên quan tâm, khích lệ anh em chúng tôi bằng những việc làm rất thiết thực, cụ thể như tặng quà hay những lời thăm hỏi, chúc mừng anh em vào dịp sinh nhật, vào các ngày lễ, Tết…, giúp chúng tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm công tác”, thuyền trưởng Nga xúc động.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.