Ban Cán sự đảng Bộ GTVT họp bàn Đề án tái cơ cấu ngành

Chính trị 16/05/2014 10:38

Tiến độ, chất lượng các công trình giao thông đã và đang được cải thiện đáng kể


Cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu ngành GTVT là một trong những nội dung quan trọng trong buổi làm việc của Ban cán sự đảng Bộ GTVT diễn ra ngày 15/5 do Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì.
 
Cùng ngày, Ban cán sự cũng chỉ đạo công tác xây dựng văn bản QPPL và các Đề án; Tiến độ triển khai dự án nâng cấp mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên (QL14); góp ý xây dựng Báo cáo 3 năm thực hiện NQ Đại hội XI; Báo cáo thực hiện NQ 13-NQ/TW…
 
Tái cơ cấu mạnh mẽ, toàn diện ngành GTVT
 
Cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Đề án là căn cứ để thực hiện đột phá của Ngành GTVT, mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất, đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
 
 
 
Tiến độ, chất lượng các công trình giao thông đã được cải thiện đáng kể
 “Cơ quan xây dựng Đề án cần phân biệt, đề án tái cơ cấu ngành với chiến lược phát triển kinh tế ngành để xây dựng Đề án đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của ngành GTVT và đất nước, đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” – Bộ trưởng chỉ rõ.
 
Kiểm điểm nội dung đã thực hiện giai đoạn 2011 – 2014, Bộ trưởng cho rằng, Đề án phải nêu rõ được những cải cách về thể chế chính sách, kết quả tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sự thay đổi trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình giao thông. Cùng đó, Đề án cũng cần nêu rõ bài học kinh nghiệm trong việc đảm bảo TTATGT…
 
Bên cạnh đó, Đề án cần nêu được quan điểm phát triển, mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu phải đạt được trong giai đoạn 2014-2020. Nhiệm vụ và giải pháp cũng như phương pháp tổ chức thực hiện…cũng cần được đề cập đầy đủ, rõ ràng, toàn diện.
 
Hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản QPPL 
 
Báo cáo Ban cán sự về công tác xây dựng văn bản QPPL, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ GTVT Hồ Hữu Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch. Đặc biệt, thực hiện chủ đề siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, siết chặt hoạt động các ban QLDA, các đơn vị đã nỗ lực hoàn thiện các văn bản QPPL liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bộ GTVT đã tiến hành rà soát lại 846 văn bản, đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 76 văn bản.
 
Liên quan đến tình hình xây dựng, phê duyệt các đề án chiến lược, quy hoạch, đề án khác, Phó Chánh văn phòng Bộ GTVT Phạm Thị Phượng cho biết trong tháng 5, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ 2 Đề án quan trọng là: Tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT và Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải và công nghệ thông tin ngành hàng hải đến năm 2020, định hướng sau năm 2020.
 
Theo kế hoạch, Bộ GTVT cũng sẽ phê duyệt 3 Đề án: Xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; Đổi mới và nâng cao năng lực công tác phối hợp TKCN hàng hải tại VN và Nâng cao năng lực công tác quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch GTVT.
 
Cũng trong tháng 5, ngoài 2 đề án đã trình là: Đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục Đường sắt VN, Nâng cao chất lượng hoạt động và phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, theo kế hoạch, các cơ quan trực thuộc sẽ phải trình Bộ 3 đề án khác gồm: Đề án tổng thể về đầu tư kết cấu hạ tầng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc mở đường bay hàng không dân sự ra quần đảo Trường Sa; Đề án Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải từ Hải Phòng đến Lào Cai; Đề án Điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Vinh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
 
Biểu dương các đơn vị đã dành sự quan tâm thích đáng cho công tác quan trọng hàng đầu trong QLNN, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý cần tiếp nâng cao chất lượng văn bản, đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo thuận lợi cho người dân.
 
Kiểm soát chặt từng đồng vốn dự án
 
Chỉ đạo công tác triển khai dự án QL1, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách dự án phải trực tiếp làm việc với từng địa phương cả về GPMB và nguồn nguyên liệu, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng.
 
 
 
Cục trưởng Trần Xuân Sanh báo cáo tiến độ dự án QL1, đường HCM qua Tây Nguyên

Cục trưởng Trần Xuân Sanh báo cáo tiến độ dự án QL1, đường HCM qua Tây Nguyên

Đồng ý với đề xuất của Cục QLXD và CLCT giao thông về việc tạm ứng vốn tối đa cho các dự án sử dụng vốn TPCP, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ từng đồng vốn, đảm bảo vốn chắc chắn vào công trình.

 
Kiên quyết xử lý những nhà thầu yếu kém, ban quản lý dự án không hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ trưởng yêu cầu chậm nhất tuần sau phải có quyết định cắt bớt khối lượng, thay thế các nhà thầu. Cùng đó, phải chấn chỉnh ngay hoạt động Ban QLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Không để tiêu cực của ban QLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát ảnh hưởng đến chất lượng của dự án.
 
Được biết, đến thời điểm này, tại các dự án sử dụng vốn TPCP trên QL1 đã triển khai thi công toàn bộ 19/19 dự án. Hiện tại, trên công trường có 397 mũi thi công trên tổng số 448 mũi thi công theo kế hoạch. Tổng giá trị sản lượng đạt hơn 3.600 tỷ (tương đương 18,92%), chậm 4,29% so với kế hoạch.
 
Trên đường Hồ Chí Minh, tiến độ các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu. Giá trị sản lượng đạt hơn 364 tỷ (tương đương 10,98%), chậm 0,16% so với kế hoạch. Một số nhà thầu có giá trị sản lượng cao như: Công ty Hoàng Lộc – Công ty 482 (gói 4), Công ty TNHH MTV 145 và Công ty XDPT Nông thôn (gói 5), Công ty Đại Cường (gói 3) tại dự án đoạn Đắk Lắk; Công ty Băng Dương, Tập đoàn Phúc Lộc, TCT XD Trường Sơn – Công ty 470, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường tại dự án Đắk Nông.
 
Đối với các dự án BOT, đến thời điểm hiện tại, theo ông Sanh, vẫn còn 1 dự án chưa ký hợp đồng chính thức (đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát), 2 dự án chưa ký hợp đồng tín dụng (đoạn Quảng Nam và hầm Phú Gia – Phước Tượng. Riêng đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp mới ký được hợp đồng tín dụng cho phần GPMB.
 
 
 
Ý kiến của bạn

Bình luận