ảnh minh họa |
Có vẻ như sáng tạo bắt nguồn từ sự thiếu thốn: khi ta muốn làm việc gì đó nhưng trong thực tế, không tồn tại thứ công cụ giúp ta làm nó, ta sẽ tự phát minh ra những cách thức mới của riêng mình để thỏa mãn nhu cầu. Câu chuyện sáng tạo của ai cũng vậy, nhưng cứ tạm lấy chuyện về ông Richard Davis với cái áo giáp chống đạn nhé.
Sử dụng chất liệu Kevlar, Richard Davis đã chế tạo ra một thiết bị thay đổi bộ mặt của lính tráng trên toàn thế giới. Cái áo giáp ông tạo ra đã trở thành hộ vệ đắc lực của lực lượng cảnh sát và bộ đội ở khắp nơi.
Là người lính về hưu, nhưng ông Davis chỉ phát minh ra loại áo giáp mới khi ông đã yên vị với một cửa hàng pizza nhỏ. Chán ngán cảnh bị cướp, bị đe dọa bằng súng và bị bắn, ông nghĩ ra cách tự bảo vệ lấy tính mạng mình.
Lịch sử của áo giáp cũng dài như chính lịch sử chiến tranh vậy. Khi súng đạn lên ngôi, người ta đã không thể trọng dụng những bộ giáp kim loại to và nặng nữa: một khẩu súng hỏa mai cũng có thể xuyên phá được phần lớn kim loại. Thế nhưng vì thiếu thốn một bộ giáp chống được đạn, người ta vẫn phải vượt qua khó khăn để mà bảo toàn mạng sống.
Richard Davis. |
Trong Thế chiến thứ Hai, Đại tá Malcolm C. Grow của Quân đội Anh tạo ra áo giáp bằng nylon và các tấm thép mangan. Nó nặng tới 10 kg, chỉ chỗ nào có tấm kim loại mới chắn được đạn, mặc thì vô cùng khó chịu nhưng ít ra, nó vẫn làm đúng chức năng chắn đạn của mình.
Còn về ông Richard Davis, sau khi phụng sự Đơn vị Lính thủy Đánh bộ Mỹ, ông về mở một cửa hàng pizza gần khu vực 7 Mile của Detroit. Khu Detroit thì vốn nổi tiếng loạn lạc, thế nên việc rắc rối tìm tới ông chỉ là vấn đề thời gian. Một đêm nọ, ông giao bánh tới một hẻm tối và đã bị đối phương đe dọa bằng súng, cướp hết tài sản.
Vài tuần sau, lại xuất hiện một đơn hàng nữa giao tới đúng địa chỉ ông Davis bị cướp lần trước, theo lời ông kể, bọn cướp vẫn đặt món y hệt. Bản thân là người lính đã từng xông pha trận mạc, ông ngại gì vài ba thanh niên cướp đường cướp chợ? Thủ sẵn một khẩu súng lục dưới pizza, ông tới điểm hẹn.
Đấu súng nổ ra, ông Davis nhận một phát đạn vào chân và một viên đạn trượt qua thái dương. Ông bắn ra tổng cộng 4 phát, làm bị thương 2 trong 3 kẻ tấn công mình. Nhưng trong một tuần ông điều trị vết thương, quán pizza bị đốt trụi. Richard Davis chỉ còn vỏn vẹn 70 USD để sống tiếp.
Trong một diễn biến thoạt nhìn là không liên quan khác, Phòng thí nghiệm DuPont vừa có được đột phá trong ngành sản xuất lốp xe. Họ sử dụng vật liệu tổng hợp mới mang tên Kevlar, vừa nhẹ, vừa bền chắc lại còn dễ xử lý. Kevlar chắc chắn hơn thép tới 5 lần.
Khi kiếm về được chút vật liệu kevlar, ông Davis tự chế tạo một chiếc áo giáp mới, đặt tên nó là "Second Chance – Cơ hội sống thứ hai" và dự định tặng cho cảnh sát. Thế nhưng chỉ nói miệng thì không ai tin một ông cựu binh già, bán pizza thất bại lại có thể chế ra thứ đồ cứu được mạng sống người khác, ông Davis dựng lên một màn biểu diễn vô cùng trực quan.
Ông gọi các cơ quan cảnh sát lại để xem mình trình diễn: ông sẽ cầm súng bắn thẳng vào ngực, cho dù trước đây chiếc áo giáp chưa từng được thử nghiệm trên người.
Nơi ông Davis bị đạn bắn.
Hiển nhiên là chiếc áo giáp làm đúng chức năng của nó và ông Davis vẫn sống sót, vì đây là câu chuyện truyền cảm hứng chứ không phải truyện kinh dị. Dù hơi đau chút, nhưng chiếc áo giáp Kevlar của ông Davis đã cứu được tính mạng chủ của mình. Sau màn biểu diễn đó, cảnh sát cả nước đều được trang bị bộ giáp mới. Những phiên bản khác của loại giáp ông Davis chế tạo ra vẫn đang được dùng tới ngày nay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.