Bàn giải pháp nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ cho tàu hơn 10.000 tấn ra vào

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Hàng hải 30/09/2022 15:14

Việc nạo vét luồng sông Hậu cần nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng hạn chế được tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, giảm thiểu rủi ro cho người dân


Hôm nay (30/9), Bộ GTVT tổ chức hội nghị về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An  - Cần Thơ tại.TP Cần Thơ.

Theo đại diện Bộ GTVT, luồng Định An - Cần Thơ (qua cửa Định An) có chiều dài hơn 121,km, được chia làm 2 đoạn. Trong đó, đoạn ngoài (từ phao số “0” đến phao “14”) diễn biến hết sức phức tạp thường xuyên thay đổi, hàng năm đều phải nạo vét duy tu và dịch chuyển phao để chạy tàu. Từ năm 1983 đến nay, sau khi nạo vét duy tu độ sâu luồng thì chỉ tồn tại được vài tháng, việc bồi lấp diễn ra rất nhanh. 

Bàn giải pháp nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ
cho tàu hơn 10.000 tấn ra vào - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang tại buổi hội nghị

Trên cơ sở kiến nghị của chính quyền địa phương và Bộ GTVT, mới đây, Quốc hội đã có Nghị quyết 45 thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP.Cần Thơ, trong đó có công tác nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. 

Theo đó, việc nâng cấp luồng sẽ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện, bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên và có cơ chế tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp. 

Bộ GTVT đã giao đơn vị tư vấn lập nghiên cứu, đánh giá bổ sung phương án nạo vét cho tàu có trọng tải 10.000 tấn trên tuyến luồng hàng hải. Với mục tiêu đánh giá lại tổng thể dự án, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang kỳ vọng, qua hội nghị lần này sẽ có được nhiều ý kiến đóng góp, từ đó quyết định phương án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.  

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, hiện nay, luồng sông Hậu có vai trò hết sức quan trọng không chỉ riêng TP.Cần Thơ, mà còn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển KT-XH cả nước

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, luồng sông Hậu có đặc điểm bên trong rất sâu, nhưng ngoài cửa sông lại cạn. Đây là điểm nghẽn cho sự phát triển của luồng cũng như sự phát triển của hệ thống cảng biển. Nhiều năm qua, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, các đơn vị trong ngành phối hợp các địa phương nghiên cứu nạo vét đối với tuyến luồng này, nhưng kết quả đạt được chưa cao. 

Trên cơ sở các nghiên cứu trước đây, Bộ GTVT đã triển khai lập dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn vào các cảng trên sông Hậu qua tuyến kênh Tắc - Quan Chánh Bố - Sông Hậu. Với giai đoạn 1 đưa vào khai thác từ năm 2017, đáp ứng cho tàu 10.000 - 20.000 trọng tải ra vào.  

Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, nếu chỉ nạo vét luồng theo giải pháp thông thường cho tàu 5.000 tấn thì khó có hiệu quả do luồng nhanh bị phù sa bồi trở lại, khối lượng nạo vét ít. Bên cạnh đó, vật liệu nạo vét lớp trên chủ yếu là bùn, sét cần phải có bãi có bãi chứa làm khô đất, cần áp dụng công nghệ tách bùn, cát khi nạo vét, khó thu hút nhà đầu tư.  

Về luồng Định An, Bộ GTVT đã đưa vào trong danh mục các tuyến luồng xã hội hóa nạo vét cho tàu đến 5.000 tấn. Đồng thời, Bộ GTVT  đã giao Cục Hàng hải Việt Nam triển khai, chỉ định tư vấn chuyên ngành để lập dự án nạo vét duy tu. 

Theo đơn vị tư vấn, về phương án nạo vét luồng cho tàu có tải trọng 5.000 tấn đi vào, đơn vị tính toán quy mô nạo vét với bề rộng luồng 200m, độ sâu -4m. Đối với phương án tàu có tải trọng 10.000 tấn lưu thông, việc nạo vét sẽ thực hiện bề rộng 200m, độ sâu -6,5m. 

Tại buổi làm việc, các chuyên gia và các tư vấn chuyên ngành cho rằng, đây là một dự án lớn nên cần được khảo sát, nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng để đạt được hiệu quả toàn diện và dài lâu, nhất là hạn chế được tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sinh thái môi trường.  

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, trước đây đã có những nghiên cứu về các luồng này nhưng chỉ mang tính tham khảo. Tuy nhiên thời gian tới các bên cần ngồi lại nghiên cứu sâu, bài bản, quy mô.... Từ đó đánh giá một cách toàn diện, khoa học về những tác động từ việc chỉnh trị, nạo vét luồng sông ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, kinh tế.  

"Việc đánh giá này không chỉ trong phạm vi khu vực ĐBSCL mà còn cho cả khu vực sông Mê Kông", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói và yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Kết cấu Hạ tầng (Bộ GTVT) nghiên cứu phân chia dự án làm 2 giai đoạn. 

Ở giai đoạn 1, khi có nhà đầu tư quan tâm thì kêu gọi đấu thầu để giải quyết tình trạng trước mắt. Đối với giai đoạn 2, Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Kết cấu Hạ tầng nghiên cứu đề xuất về trình tự, thủ tục kể cả việc điều chỉnh, sửa đổi đối với các quy định hiện nay để phục vụ cho dự án. 

"Việc này phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu cuối cùng là có tuyến luồng phục vụ cho sự phát triển của khu vực", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang  nói.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị UBND TP.Cần thơ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT kêu gọi, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để triển khai thực hiện dự án. Các địa phương Sóc Trăng, Trà Vinh quan tâm, phối hợp với Bộ GTVT, TP.Cần Thơ trong giai đoạn nghiên cứu dự án.

 "Trong tháng 10, Cục Hàng hải Việt Nam cần có dự thảo báo cáo, gửi Sở GTVT các địa phương để đóng góp ý kiến”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo.

Ý kiến của bạn

Bình luận