Số lượng lối đi tự mở qua tuyến đường sắt Bắc-Nam còn nhiều
Từ ngày 18-26/10, Đoàn kiểm tra của Cục đường sắt Việt Nam có chương trình làm việc với các tỉnh miền Trung và miền Nam về công tác đảm bảo TTATGT trên đường sắt.
Thời gian qua, dù đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhưng đến nay tình hình vi phạm ATGT, lấn chiếm hành lang đường sắt ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn đang tồn tại. Nhiều trường hợp người dân tự ý mở lối đi, xây dựng các công trình trong phạm vi của đường sắt nhưng vẫn chưa giải quyết được vì vướng các thủ tục.
Theo Ban ATGT tỉnh Quảng Ngãi, tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài 99,95km (từ Km898+050 - Km998+00). Hiện trên tuyến có 42 đường ngang hợp pháp (gồm: 17 đường ngang phòng vệ có người gác, 24 đường ngang phòng vệ tín hiệu cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 1 đường ngang phòng vệ biển báo tại Km992+220 đường ngang chuyên dùng) và có 88 lối đi tự mở.
Ban ATGT tỉnh Quảng Nam cho hay, tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua Quảng Nam khoảng 91,5km (từ Km806+500 đến Km898+00). Trên tuyến có tổng cộng 58 đường ngang, trong đó có 23 đường ngang có gác, 34 đường ngang cảnh báo bằng cần chắn tự động, còn 1 đường ngang cảnh báo bằng biển báo (Km864+330, thành phố Tam Kỳ).
Hiện nay, trên tuyến đường sắt qua Quảng Nam còn tồn tại 62 lối đi tự mở. Về tình trạng mặt đường, có 41 lối đi tự mở đã được bố trí tấm lát bê tông xi măng qua đường sắt; còn 21 lối đi tự mở chưa được lát đan bê tông, có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.
Về cảnh giới, đến nay có 08 lối đi tự mở có bố trí chốt gác (kinh phí do tỉnh Quảng Nam cấp); 57/62 lối đi tự mở đã gắn biển "Chú ý tàu hỏa"; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại 15 lối đi tự mở.
Đến nay, do chưa có giải pháp đảm bảo ATGT, nên buộc phải thu hẹp để không cho ô tô qua lại. Mặc dù mục tiêu là để đảm bảo ATGT, nhưng đã làm hạn chế việc vận chuyển hàng hóa và ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương. Hiện tại có 19/61 lối đi tự mở đã được rào thu hẹp bề rộng mặt đường. Còn 22 lối đi tự mở có ô tô lưu thông cần tiếp tục thu hẹp theo quy định.
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt đang rất phức tạp, đặc biệt ở huyện Núi Thành có rất nhiều hộ dân xây nhà, công trình trong phạm vi đường sắt. Cùng với đó, một số vị trí đường ngang, lối tự mở vẫn đang tiếp diễn tình trạng mất ATGT. Việc xây dựng đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt chưa triển khai được vì không đủ kinh phí.
"Phần đất trong phạm vi đường sắt mà người dân xây dựng các công trình đều có quyền sử dụng đất nên việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí bố trí quá nhỏ, khiến việc xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đến năm 2025 của Chính phủ đến nay vẫn chưa thực hiện tốt. Bên cạnh đó việc cắm móc tranh giới chưa đồng bộ khiến việc quản lý còn thiếu sót", ông Tuấn nói.
Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho hay, hiện nay việc chấp hành pháp luật về TTATGT đường sắt của một bộ phận người dân chưa cao, chưa chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật, mặc dù các địa phương đã tuyên truyền, vận động rất nhiều lần. Công tác phối hợp đảm bảo TTATGT đường sắt của một số địa phương chưa được chú trọng, nên để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt.
"Việc thực hiện xóa bỏ dần các lối đi tự mở vẫn còn một số vướng mắc, chưa xác định mốc giới đất dành cho đường sắt tại thực địa để bàn giao cho địa phương nên dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều lúng túng. Đặc biệt tại các địa phương có công văn đề nghị xác định mốc giới để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giao đất cho các tổ chức, cá nhân triển khai dự án thì vẫn chưa xác định được. Hệ thống đường gom kết nối đến các đường ngang có gác chắn đang được đầu tư một phần rất nhỏ, khối lượng GPMB lớn, khó khả thi vì hầu hết các đường gom đi qua nhiều khu vực đông dân cư đã tồn tại từ lâu", Sở GTVT Quảng Ngãi thông tin.
Nỗ lực xóa lối đi tự mở
Trước những khó khăn, vướng mắc, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi mong muốn Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo lực lượng Thanh tra ngành tăng cường phối hợp, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đối với các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, kiên quyết buộc tháo dỡ xây dựng công trình trái phép và các kiến nghị liên quan.
Đồng thời sớm sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường bộ trong phạm vi đường ngang tại một vị trí hư hỏng. Triển khai lập kế hoạch, cắm mốc giới, làm cơ sở tiến hành rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm hành lang, gây mất ATGT đường sắt để có cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, xử lý vi phạm.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT sớm bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các dự án nhằm đảm bảo ATGT đường sắt, thống nhất điều chỉnh giao cùng mức để phù hợp với địa hình và địa phương sẽ cùng đầu tư.
Ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam nhìn nhận, hiện trên tuyến đường sắt qua nhiều địa phương đang tồn tại hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, nhất là vi phạm lấn chiếm HLATGTĐS, tự ý tháo dỡ các lối đi tự mở đã được đóng trước đó, tình trạng mất ATGT trên các tuyến đường ngang giao với quốc lộ, đường sắt… Việc triển khai xử lý dứt điểm các lối đi tự mở hiện vẫn chưa đạt kết quả tốt, còn rất nhiều lối đi tự phát tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Giải đáp những kiến nghị của địa phương về kinh phí, nâng cấp lối mở thành đường ngang, xây hầm chui, xóa lối mở, ông Khôi đề nghị các địa phương cần phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thiết kế hố sơ cụ thể gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT để xem xét trình Trung ương hỗ trợ kinh phí, thống nhất việc thực hiện.
"Chúng ta chỉ còn hơn 2 năm để hoàn thiện việc xóa bỏ lối đi tự mở theo kế hoạch, vì thế, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu các địa phương tập trung, gấp rút xây dựng kế hoạch, hồ sơ, nhằm sớm thực hiện kế hoạch đóng các lối mở", ông Khôi nói.
Về tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt liên quan đến các thủ tục về đất đai, ông Khôi lưu ý các chính quyền địa phương rà soát xem giấy chứng nhận QSDĐ của người dân được cấp trước hay sau quy định của luật đường sắt có hiệu lực để giải quyết tình trạng lấn chiếm. Không để người dân dựa vào quy định của luật đất đai để xây dựng nhà cửa, các công trình trên đất thuộc đường sắt.
"Cục Đường sắt Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ các địa phương sớm hoàn thành kế hoạch theo Quyết số 358 về việc xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Cục Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu UBND các tỉnh xem xét trách nhiệm người đứng đầu các địa phương để người dân tự ý thóa dỡ lối mở đã đóng. Đề nghị Sở GTVT, Ban ATGT các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đường sắt thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, kiểm soát, xử lý dứt điểm tình trạng mất TTATGT đường sắt trên địa bàn", ông Khôi nhấn mạnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.