Ban hành quy chuẩn mới về thiết bị nâng trên giàn khoan biển, kho chứa nổi

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Ứng dụng 19/02/2025 09:56

Bộ GTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về thiết bị nâng trên các công trình biển, trong đó có giàn khoan biển, tàu khoan, kho chứa nổi…, áp dụng từ 20/8/2025.

Ban hành quy chuẩn mới về thiết bị nâng trên giàn khoan biển, tàu khoan - Ảnh 1.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị nâng trên các công trình biển (mã số QCVN 97 : 2025/BGTVT) có hiệu lực thi hành từ 20/8/2025 - Ảnh internet minh họa

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 10/2025/TT – BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị nâng trên các công trình biển (mã số QCVN 97:2025/BGTVT), có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2025; đồng thời bãi bỏ QCVN 97 : 2016/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2017/TT - BGTVT.

Quy chuẩn mới gồm 5 chương: Quy định chung, Quy định kỹ thuật, Quy định quản lý; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; Tổ chức thực hiện. Nội dung chính của quy chuẩn này đưa ra các yêu cầu an toàn kỹ thuật, an toàn lao động về thiết kế, chế tạo, hoán cải, sửa chữa, nhập khẩu, khai thác, các yêu cầu về quản lý, kiểm tra, kiểm định, chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với thiết bị nâng (cần trục, thang máy) trên các công trình biển (công trình sản xuất hoặc phục vụ) ở ngoài biển như: Giàn khoan biển cố định và di động, tàu khoan, kho chứa nổi). Đối tượng áp dụng là tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến thiết bị nâng thuộc phạm vi trên.

So với quy chuẩn trước (chỉ ghi là thiết bị nâng), quy chuẩn mới phân định 2 loại thiết bị nâng trên công trình biển: Cần trục, Thang máy; với các quy định chi tiết, yêu cầu cụ thể đối với từng thiết bị. Tuy nhiên, quy chuẩn không áp dụng đối với thiết bị nâng hạ xuồng cứu sinh, cấp cứu, thiết bị thoát sự cố, thiết bị lặn và hệ thống kéo không đổi trên công trình biển.

Theo quy chuẩn, chủ thiết bị nâng trên công trình biển có trách nhiệm: Thực hiện đầy đủ các quy định về đăng kiểm thiết bị nâng nêu trong quy chuẩn này khi thiết bị nâng được chế tạo mới, hoán cải, sửa chữa, nhập khẩu và khai thác để đảm bảo và duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật, an toàn lao động và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; Vận hành và bảo dưỡng thiết bị nâng trên các công trình biển tuân theo các quy định có liên quan của Operation and Maintenance of Offshore Crane - API Recommended Practice 2D: 2014 và các quy định pháp luật về an toàn lao động.

Cơ sở thiết kế thiết bị nâng (bao gồm thiết kế chế tạo mới, hoán cải và sửa chữa thiết bị nâng) có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của các thông số tính toán thiết kế, xuất trình đầy đủ khối lượng hồ sơ thiết kế cho đăng kiểm thẩm định. Còn cơ sở đóng mới, hoán cải và sửa chữa thiết bị nâng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về đăng kiểm thiết bị nâng nêu trong quy chuẩn.

Cơ quan Đăng kiểm VN có trách nhiệm: Thẩm định thiết kế đóng mới, hoán cải và sửa chữa thiết bị nâng; Kiểm tra, kiểm định, giám sát kỹ thuật đối với thiết bị nâng trong chế tạo mới, hoán cải, sửa chữa và khai thác theo các quy định của quy chuẩn này và các quy định có liên quan khác của pháp luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận