Bạn nghĩ gì rồi một ngày Uber, Grab “một mình một chợ”?

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Bạn đọc 31/08/2017 06:08

Thời gian vừa qua, đa phần dư luận ủng hộ taxi theo phương thức mới Uber, Grab mà thường được gọi nôm na là taxi công nghệ.

1699393
 

Xin không so sánh cụ thể hơn về dịch vụ giữa hai bên nữa vì thời gian qua đã được đề cập rất nhiều. Hơn nữa, hiện hành lang pháp lí để tạo thuận lợi cho taxi công nghệ nói chung và Uber, Grab nói riêng đang dần được xây dựng. Tuy nhiên, cuộc đấu giữa taxi công nghệ Uber, Grab với taxi truyền thống thì vẫn đang giằng co với ưu thế nghiêng rõ dần về taxi công nghệ.

Đánh bại" taxi truyền thống thì sao…

Như đã nói, thế cuộc đang nghiêng về taxi công nghệ, tuy nhiên không vì thế mà dư luận nói chung cứ khư khư bênh vực taxi truyền thống. Người tiêu dùng, tất nhiên là chẳng ai lại đi bênh các thương hiệu taxi bắt họ phải trả cước giá đắt hơn. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, khái niệm "đánh bại" ở đây cũng chỉ ở mức tương đối chứ khó có thể tuyệt đối 100%. Mức chiếm thị phần như hiện nay của Uber và Grab đã khiến các hãng taxi truyền thống thấy nguy rồi chứ nói gì đến việc chiếm lĩnh 80% hay 90%. Song dù gì, taxi truyền thống vẫn có những phân khúc thị trường, những thị trường ngách để tồn tại, nhưng ở một vị thế khác mà thôi.

CEO của một hãng taxi công nghệ từng trao đổi với tôi: Chỉ cần 3-5 năm nữa thôi…", ý là taxi truyền thống sẽ bị "đánh bại". Từ khi vị này nói đến nay chưa đầy một năm, thế nhưng đã bao lần Hiệp hội Taxi lên tiếng, kiến nghị.v.v… nhằm kêu gọi cơ quan quản lí bảo vệ mình, đã bao lần hết hãng này tới hãng kia kêu than rằng sụt giảm doanh thu, tài xế bỏ lái.v.v… Kinh tế thị trường và xu thế của những phương thức cung cấp dịch vụ mới, chúng ta không thể cưỡng lại mà tốt nhất nên chấp nhận ở mức hợp lí nhất để phát triển, đồng thời tạo hành lang pháp lí và môi trường cho các dịch vụ này phát triển bền vững, đúng pháp luật và cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Hàng chục năm qua, chúng ta sống với dịch vụ taxi truyền thống có thương hiệu, chỉ có các đối thủ "cò con" là taxi "dù" từng "lóe" lên rồi cũng tắt ngấm vì cũng bị mất niềm tin nơi người tiêu dùng. Khi taxi truyền thống "một mình một chợ" thì hàng chục năm qua chúng ta đã quá rõ những hệ lụy và hậu quả gì xảy ra rồi. Chỉ đơn cử tình huống đến hẹn lại lên trước đây là: Mỗi khi xăng dầu tăng giá, cước taxi truyền thống tăng mạnh; nhưng khi xăng dầu giảm giá, thì cước taxi giảm ì ạch và nhỏ giọt.

Có Grab rồi tiếp đến Uber, khái niệm taxi như bao năm qua bị phá vỡ. Và không chỉ thế, như lời vị CEO tôi được nghe trực tiếp, thì đó chính là một thông điệp cạnh tranh trực tiếp, cuộc đấu trực diện và trên thực tế trong 5 năm trở lại đây (tính từ khi Grab đưa dịch vụ GrabTaxi vào Việt Nam) thị phần taxi truyền thống giảm dần và đặc biệt giảm mạnh khi Grab đưa ra dịch vụ GrabCar hay UberX của Uber.

Cái câu slogan đối với các hãng taxi truyền thống lúc này có lẽ là "đổi mới hay là chết". Mà phải là đổi mới thực sự chứ không phải nửa vời bằng cách cũng "đẻ" ra một ứng dụng đặt xe để cho có, còn tài xế thì chẳng dùng, chẳng thấy quảng bá.v.v… Thế thì chính là tự sát. Cứ đà này, nếu cho cung cấp dịch vụ taxi công nghệ ở càng nhiều địa phương, thì taxi truyền thống càng nhanh thất thủ.

Nếu một ngày Uber, Grab gần như "một mình một chợ"…

Rất rõ ràng là "sứ mệnh" của Uber, Grab là "đánh bại" taxi truyền thống. Lúc này, giữa hai thương hiệu có cạnh tranh với nhau, nhưng chưa tới mức sống mái vì còn sống khỏe được với thị phần lấy từ taxi truyền thống còn khá lớn.

Nhưng giả thiết có thể đặt ra ngay trong lúc này là: Trong vòng 3-5 năm tới như vị CEO kia dự đoán, khi Uber, Grab thống lĩnh thị trường ở mức gần như "một mình một chợ" của taxi truyền thống trước đây, họ hoàn toàn có thể dẫn dắt cuộc chơi điều chỉnh thị trường, bất cứ một điều chỉnh hay thay đổi về chính sách đặt biệt là về cước đều gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng thì sao?

Tất nhiên để đạt được điều đó họ sẽ còn phải bỏ ra rất nhiều tiền của, công sức, chất xám nữa để chiếm lĩnh thị phần. Nhưng cũng cần khẳng định rằng, để đạt được điều đó không chỉ nhờ vào sự ưu việt của dịch vụ, mà từ dịch vụ đó thu hút người dùng và cần có sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Tương lai khó có thể nói trước. Nhưng nếu một tương lai mà Uber và Grab mạnh gần như "một mình một chợ" giống vị thế của taxi truyềng thống 5 năm trở về trước, thì bạn nghĩ thị trường taxi sẽ tốt lên theo hướng giá cước taxi công nghệ Uber, Grab sẽ vẫn giữ như hiện nay với cùng các yếu tố chi phí đầu vào như hiện nay không?

Chưa cần đến lúc thống lĩnh thị trường nhưng gần đây Grab đã tăng phí sử dụng dịch vụ của tài xế GrabBike khu vực Hà Nội từ 15% lên 20% áp dụng từ ngày 5/9 tới. Còn về cước, dạo tháng 3/2017 Grab cũng đã điều chỉnh đối với GrabCar 4 chỗ (được sử dụng nhiều nhất) ở khu vực TPHCM và Hà Nội, với mức cước tối thiểu 20.000 đồng/2km và cước quãng đường lần lượt là 9.000 đồng/km và 8.500 đồng/km. Còn Uber, sau khi tăng cước lần thứ nhất vào tháng 11/2016 với cước quãng đường từ 5.000 đồng/km lên 7.500 đồng/km, thì từ ngày 24/8 vừa qua tiếp tục tăng cước quãng đường khu vực TPHCM từ 7.000 đồng/km lên 8.500 đồng/km. Với động thái tăng này, hiện cước taxi Uber và Grab ở khu vực Hà Nội xấp xỉ với một số hãng khác, còn nếu đi vào giờ cao điểm hành khách bị tính tỉ lệ phụ trội nhân với 1.1 trở lên thì cước chắc chắn đắt hơn.

Có ai dám chắc rằng Uber, Grab sẽ không tiếp tục tăng cước, phí trong tương lai?

Có ai dám bảo đảm rằng, khi Uber, Grab thống lĩnh thị trường sẽ không tận dụng lợi thế "một mình một chợ" để thu hồi những gì đã bỏ ra và thu lợi nhiều hơn?

Đa dạng hóa dịch vụ và phương thức cung cấp dịch vụ - đặc biệt là những phương thức mới như taxi công nghệ – là cần thiết vì nó mang đến những lợi ích và tiện ích cho người dùng. Nhưng nếu để xảy ra thị phần gần như "một mình một chợ" với  Uber, Grab, thì có khi chính người tiêu dùng hôm nay phải hứng chịu những hệ lụy, hậu quả của tình trạng taxi truyền thống "một mình một chợ" trước đây.

Ý kiến của bạn

Bình luận