Cầu Bãi Cháy - công trình do Ban QLDA 2trực tiếp quản lý |
Vào những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, cơ sở hạ tầng GTVT vốn đã yếu kém, lạc hậu, lại bị thiếu và xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Bởi vậy, khi bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển hệ thống GTVT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ GTVT đã thành lập một số Ban QLDA để giúp Bộ quản lý các dự án nhằm khôi phục và nâng cấp các tuyến quốc lộ quan trọng, thực hiện bằng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngày 23/8/1993, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ra Quyết định số 1675 QĐ/TCCB-LĐ về việc thành lập Ban Quản lý các dự án 18 và Ban chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1994.Thời gian đầu mới thành lập, do chỉ được giao nhiệm vụ QLDA cải tạo, nâng cấp QL18 (đoạn Chí Linh - Bãi cháy dài 82km) nên Ban có tên là “Ban QLDA QL18”. Sau đó, Ban được Bộ GTVT giao cho quản lý Dự án nâng cấp QL183 và dự án khôi phục các cầu trên QL1A (giai đoạn 1). Do đó, từ ngày 25/3/1994, Ban được mang tên chính thức là “Ban Quản lý các dự án 18 (PMU18)”.
Nhân sự của Ban lúc đầu chưa đến 20 người, bao gồm một số cán bộ kỹ thuật nòng cốt, được điều động từ các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT và một số cán bộ trẻ mới ra trường, được biên chế thành 4 phòng: Kế hoạch, Kỹ thuật, Tài chính và Văn phòng, cùng tham gia công tác điều hành, quản lý dự án. Thời kỳ đó, trụ sở Ban phải đi thuê. Qua quá trình vừa làm, vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm từ các chuyên gia và đơn vị bạn, đặc biệt là tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, dám chịu trách nhiệm nên trình độ chuyên môn của CB, CNV ngày một trưởng thành, tổ chức Ban ngày một lớn mạnh và được Bộ GTVT và các nhà tài trợ tín nhiệm, tiếp tục giao cho quản lý nhiều dự án quan trọng khác như: Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu trên QL1 giai đoạn 2, 3; Dự án cải tạo, nâng cấp QL10, QL18 bằng vốn vay ODA của Nhật Bản; Dự án Giao thông nông thôn WB1, WB2; Dự án xây dựng các cầu giao thông nông thôn khu vực miền núi phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung - Tây Nguyên bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản; Dự án cải tạo mạng lưới đường bộ bằng nguồn vốn vay WB... 12 năm đầu (1994 - 2006) là thời kỳ phát triển mạnh mẽ và rực rỡ của Ban. Từ thành công của Dự án cải tạo và nâng cấp QL183 (được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận “Công trình chất lượng Vàng năm 1998”), CB, CNV Ban luôn quán triệt ứng dụng khoa học công nghệ là khâu then chốt, tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng công trình, làm nên thương hiệu PMU18 “Tư vấn nội, chất lượng ngoại”. Được sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT cùng các đơn vị tư vấn quốc tế, đặc biệt là sự làm việc tích cực, có hiệu quả của các nhà thầu trong nước và nước ngoài, nhiều công trình đã được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý, góp phần cải thiện cơ bản hệ thống GTVT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới như: Cầu Hoàng Long (Thanh Hóa) là cầu khung bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng, có khẩu độ 130m (là khẩu độ lớn nhất tại thời điểm thiết kế và xây dựng); cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) là cầu dây văng 1 mặt phẳng dây (có khẩu độ lớn nhất thế giới 435m), công trình được Bộ Xây dựng tặng thưởng danh hiệu “Công trình chất lượng vàng” thời kỳ 2000 - 2010; cầu Kiền (Hải Phòng) là cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, thi công bằng công nghệ cắt khúc, lắp hẫng khối lớn nặng 120 tấn, công trình được Hiệp hội Bê tông dự ứng lực Nhật Bản tặng giải thưởng Tanaca.
Giai đoạn từ năm 2006 - 2008, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tập thể CBVC của Ban đã đoàn kết, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể, đứng vững và vượt qua nhiều thử thách. Tháng 8/2008, Ban Quản lý các dự án 18 được Bộ GTVT điều chuyển về Cục ĐBVN (nay là Tổng cục ĐBVN). Sau đó, Ban Quản lý Đường bộ II được sáp nhập vào Ban và đổi tên là Ban QLDA 2.
Chuyển sang giai đoạn mới, Ban QLDA 2 tiếp tục kiện toàn bộ máy lãnh đạo, các phòng, ban được củng cố, sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai dự án. Đồng thời, Ban đã chủ động phối hợp với các địa phương, nhà tài trợ tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn... Từ đó, nhiều công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả, tiêu biểu như: Dự án tuyến tránh Thái Nguyên, dài 23km; 4 cầu trên QL2 dài 155m; 16 cầu trên QL1 (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) có tổng chiều dài 2.528m và 11,1km đường dẫn vào cầu; cầu Phùng trên QL32 dài 1.007m được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; đặc biệt là Dự án WB4 với hợp phần cải tạo nâng cấp 12 tuyến quốc lộ như: QL37 (Bắc Giang - Thái Nguyên), QL38B (Hưng Yên - Hải Dương), QL39-2 (Thái Bình), QL47 (Thanh Hóa), QL21 (Nam Định), QL18 (đoạn Cửa Ông - Mông Dương) với tổng chiều dài 252km và Hợp phần bảo trì các QL1A, 5, 10,18... với tổng chiều dài 842km. Trong giai đoạn từ tháng 8/2013 đến tháng 6/2017, Ban tiếp tục triển khai 8 dự án, trong đó có 02 dự án ODA là Dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, Dự án QL3 Hà Nội - Thái Nguyên và 6 dự án BOT. Trong đó, Ban đã hoàn thành dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, vượt tiến độ trước 6 tháng, được đánh giá là công trình đạt chất lượng cao. Các dự án hoàn thành gồm QL38, QL3 Thái Nguyên - Chợ Mới; QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Ngoài ra, công tác giải ngân hàng năm đạt từ 2.000 đến 3.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao.
Tháng 7/2017, thực hiện quyết định của Bộ GTVT về việc sắp xếp lại các ban QLDA, Ban QLDA 2 và Ban QLDA An toàn giao thông đã được hợp nhất. Như vậy, một lần nữa Ban QLDA 2 lại có sự thay đổi lớn về tổ chức. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số CBVC của Ban là 189 người có nhiệm vụ thực hiện các dự án như: Đường nối Lai Châu, Lào Cai với cao tốc Nội Bài - Lào Cai bằng vốn vay ADB; dự án xây dựng cầu yếu trên các tuyến quốc lộ sử dụng vốn EDCF (Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc); dự án mở rộng QL19 bằng nguồn vốn WB; dự án xây dựng cao tốc TP. Hồ Chí Minh đi Mộc Bài (Tây Ninh)... cùng nhiều dự án khác. Hiện nay, Ban QLDA 2 đang kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại tổ chức theo quy định của Bộ GTVT.
Phát huy truyền thống, vượt lên khó khăn thử thách, Ban QLDA 2 tiếp tục xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, phấn đấu xây dựng Ban trưởng thành và vững mạnh về mọi mặt
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.