Theo ông Lâm Văn Hoàng – Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết: Cách đây 55 năm về trước khi cách mạng miền Nam còn đang gặp nhiều khó khăn, ngày 19/5/1959 Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở con đường chiến lược với tên gọi đường Trường Sơn – Đường mòn Hồ Chí Minh để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đó là một quyết định lịch sử thể hiện quyết tâm ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, lòng dũng cảm phi thường, trí thông minh sáng tạo, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến tranh. Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn trở thành tuyến vận tải chiến lược vĩ đại như một huyền thoại, một kỳ tích của Việt Nam trong thế kỷ 20, góp phần làm nên một đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước hoà bình nhưng lại rơi vào trình trạng nghèo nàn, khó khăn chồng chất. Hệ thống Giao thông vận tải lạc hậu, thấp kém không đáp ứng được yêu cầu xã hội. Tuyến Quốc lộ 1A lâu nay vẫn là con đường xuyên Việt trọng yếu. Tuy Nhà nước có nhiều ưu tiên để cải tạo nâng cấp, nhưng do tuyến Quốc lộ này được xây dựng từ lâu, lại chủ yếu bám sát vùng đồng bằng ven biển nên mặc dù đã được tính toán kỹ để nâng cấp, kiên cố hoá, song vẫn không khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông trong những mùa bão lũ, nhất là đối với khu vực miền Trung.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng và Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy hoạch để hình thành trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai (sau Quốc lộ 1A) ở phía Tây Tổ quốc với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc Nam. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư và báo cáo kết luận của Ban chỉ đạo Nhà nước về Công trình Xa lộ Bắc Nam, Thủ tướng Chính Phủ Võ Văn Kiệt đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc Nam đoạn từ Hoà Lạc (Hà Tây cũ) đến Ngã tư Bình Phước (Thành phố Hồ Chí Minh) với tổng chiều dài khoảng 1800 Km. Đến đầu năm 1999, thể theo nguyện vọng của những người tâm huyết tham gia hoạch định và xây dựng đề án, Xa lộ Bắc Nam được Đảng và Chính phủ chính thức đổi tên thành Dự án đường Hồ Chí Minh.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 11/8/1999 Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 1999/1999/QĐ-BGTVT thành lập Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh. Bộ máy tổ chức của Ban được hình thành trên cơ sở chuyển toàn bộ bộ khung của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo nhà nước về công trình xa lộ Bắc Nam. Ban được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ: “ Thay mặt chủ đầu tư quản lý quá trình đầu tư và xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh’’.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH 11 ngày 3/12/2004 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nguồn vốn đầu tư cho Dự án gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH 13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11. Đây là văn bản pháp lý cao nhất để Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư để nối thông đường Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể và Quy hoạch chi tiết dự án. Theo đó, phạm vi quy hoạch Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến 3.183 Km. Điểm đầu của tuyến đường là địa danh Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng (nơi Bác Hồ về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam) và điểm cuối là địa danh Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau (nơi đặt cột mốc chủ quyền cuối cùng của Tổ quốc). Có thể nói chưa có một Dự án đường Giao thông nào có quy mô lớn cả về thời gian và chiều dài, lại đi qua nhiều tỉnh, thành phố, địa danh lịch sử, cách mạng và nhiều vùng miền có địa hình vô cùng phức tạp như Dự án đường Hồ Chí Minh. Thật vinh dự và tự hào đối với tập thể CBVC Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khi được giao nhiệm vụ quản lý và triển khai xây dựng một công trình vừa mang tầm vóc Quốc gia, vừa mang ý nghĩa thời đại như Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Ngày 05/4/2000, tại địa phận Xuân Sơn xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi in đậm dấu tích của một thời đạn bom trên đường Trường Sơn, Lễ khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh đã được nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chính thức phát lệnh. Với khí thế ” xẻ dọc Trường Sơn ” năm xưa, các lực lượng tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh một lần nữa đã đồng loạt ra quân. Sau gần 15 năm xây dựng, Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đọan 1 với việc đưa vào sử dụng, khai thác một tuyến đường dài từ Hoà Lạc – Hà Nội đến Tân Cảnh – Kon Tum và được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá cao về chất lượng công trình. Giai đọan 2 của Dự án đang được Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị tham gia xây dựng triển khai quyết liệt và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng một số đoạn tuyến tại Cao Bằng, Phú Thọ, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Cà Mau… Những kết quả này của giai đoạn 2 cùng với việc hoàn thành giai đoạn 1, đến nay Dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành khoảng 2.000 Km đường và gần 300 cây cầu các loại. Thực tế cho thấy, việc đưa vào sử dụng, khai thác đường Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng; hỗ trợ Quốc lộ 1 khi giao thông bị ách tắc trong mùa bão lũ; đảm bảo an ninh quốc phòng; góp phần thắng lợi vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo và thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nhiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Ban đã đạt được thời gian qua. Năm xưa, đường mòn Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam và ngày nay, đường Hồ Chí Minh là con đường chủ đạo, động lực góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của 28 tỉnh nơi con đường đi qua. Với cách làm sáng tạo, chủ động, huy động tối đa các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa dự án về đích sớm trước 2 năm so kế hoạch mà Quốc hội đề ra.
Sau 15 năm đi vào hoạt động và xây dựng con đường mang tên Bác. Đó là một quá trình lao động, sáng tạo và cống hiến của tập thể cán bộ, viên chức Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nói riêng và của các lực lượng tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh nói chung.
Ghi nhận những thành tựu mà Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đạt được thời gian qua, Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng khác. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Mười lăm năm – Một khoảng thời gian không nhiều, song bằng bản lĩnh và sự nỗ lực phấn đấu của mình, tập thể Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã xây dựng được một địa chỉ tin cậy đối với các đối tác và có vị thế trong ngành Giao thông vận tải. Thời gian tới nhiệm vụ của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tuy rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề và nhiều thách thức: Năm 2014 hoàn tất các thủ tục để khởi công các dự án đã được phê duyệt; kiến nghị điều chuyển một phần vốn dư của các dự án khu vực Tây Nguyên để đầu tư sớm hơn so với dự kiến các dự án phía Bắc đã có trong danh mục nhưng chưa được bố trí vốn; thành lập các tổ chức làm tư vấn quản lý dự án cho các công trình giao thông khác để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập… Năm 2015 cơ bản hoàn thành các dự án thành phần đoạn qua khu vực Tây Nguyên và đoạn Năm Căn – Đất Mũi; kêu gọi nhà đầu tư BT cho dự án Cam Lộ – La Sơn; kiến nghị chuyển đổi và tìm kiếm nhà đầu tư BOT cho các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu nhưng phải dừng tiến độ như: Dự án cầu Ngọc Tháp – Tuyến nối Quốc lộ 2 với Quốc lộ 32 và dự án Chơn Thành – Đức Hòa, nhằm giảm đầu tư từ ngân sách Nhà nước khoảng 28.500 tỷ đồng. Năm 2018, phấn đấu nối thông đường Hồ Chí Minh sớm hơn so với Nghị quyết của Quốc hội.
Hoàng Thạch
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.