Toàn cảnh Hội thảo “Nâng cao hiệu quả truyền thông KH&CN” |
Tham dự hội thảo có ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN); bà Võ Thị Kim Phượng, Đại diện Đài Phát thanh và truyền hình Đà Nẵng; ông Trương Điện Thắng – Phó Giám đốc Cổng thông tin điện tử Thành phố; bà Nguyễn Thị Kim Phượng- Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng.
Về phía Sở KH&CN Đà Nẵng có bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng; ông Trần Đình Tuấn – Giám đốc Trung tâm thông tin KH&CN và hơn 30 đại biểu đến từ các quận, huyện, các Sở, ban ngành, báo đài, trường đại học,…
“Cầu nối” đưa khoa học đến gần người dân
Truyền thông KH&CN có vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Sứ mệnh của truyền thông KH&CN là làm sao truyền bá được văn hóa yêu khoa học đến với công chúng, xây dựng xã hội trọng khoa học, và phát triển đất nước dựa vào KH&CN. Đặc biệt, truyền thông cần hướng đến mở rộng văn hóa khoa học đó là cung cấp các kiến thức và cơ hội trải nghiệm khoa học, kĩ thuật tiên tiến cho thế hệ trẻ; truyền lửa, chắp cánh, kết nối tình yêu khoa học giữa các nhà nghiên cứu với thế hệ trẻ.
Nhiều nước trên thế giới đã chú trọng làm truyền thông KH&CN từ rất lâu, bài bản. Họ coi truyền thông KH&CN là một trong những động lực, điều kiện quyết định thành công của hoạt động KH&CN, cũng như đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, hướng đi của các nước này đã khẳng định sự đúng đắn khi hàng loạt các kết quả nghiên cứu được toàn xã hội biết đến và khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao.
Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN cho biết: để trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới chỉ với khoảng 25 triệu dân, Chính phủ Australia luôn đặt KH&CN là nền tảng, trong đó truyền thông KH&CN là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN. Từ Thủ tướng Chính phủ đến người đứng đầu các cơ quan quản lý, tổ chức KH&CN, cơ quan truyền thông đại chúng, doanh nghiệp... đều ủng hộ công tác truyền thông KH&CN.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu của công chúng về truyền thông KH&CN ngày càng tăng xuất phát từ chính nhu cầu của cộng đồng khoa học và xã hội. Theo Burns - nhà nghiên cứu về truyền thông của Australia, truyền thông KH&CN có một phần quan trọng trong xã hội hiện đại. Hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học nói nhiều hơn về công việc của họ hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, mà nó còn mang đến sự ủng hộ của công chúng cho hoạt động KH&CN.
Ở một khía cạnh khác, Bultitude - một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng của Pháp lưu ý rằng, nhiều nhà khoa học tham gia hoạt động truyền thông KH&CN là do yêu cầu xã hội, chứ không phải do thể chế, và lý do phổ biến nhất khi thông tin KH&CN được cung cấp bởi chính các nhà khoa học là đảm bảo rằng công chúng có được thông tin tốt hơn về KH&CN. Còn Dickson - chuyên gia về truyền thông KH&CN của UNESCO lại khẳng định, truyền thông KH&CN là một thành phần thiết yếu trong chiến lược phát triển và tất cả các bên liên quan phải có quyền biết thông tin KH&CN. Mark Wolpork - Cố vấn khoa học của chính phủ vương quốc Anh (2013- 2017) cho rằng Khoa học không thể thành công trừ khi nó được truyền thông.
Ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN báo cáo tham luận tại Hội thảo |
Chuyên gia truyền thông KH&CN của Thụy Điển – Riise chỉ ra rằng, các tổ chức tài trợ nghiên cứu đều yêu cầu bên nhận tài trợ đề ra kế hoạch truyền thông kết quả đạt được, đây là một phần bắt buộc của các đề xuất nghiên cứu. Các trường đại học cũng nhận thức được việc truyền thông các kết quả nghiên cứu mới đã giúp họ tăng tính cạnh tranh, thu hút sinh viên và tạo dựng uy tín trong xã hội.
Tại nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Đức…, ngoài việc thành lập các trung tâm truyền thông KH&CN, họ còn thiết lập các hiệp hội - bao gồm cả nhà báo và nhà khoa học - cùng làm việc, gặp gỡ để hiểu biết về nhau hơn. Đặc biệt, các quốc gia này đã chú trọng tới việc đào tạo các nhà khoa học tương lai như học sinh, sinh viên những kỹ năng truyền thông.
Ông Trần Đình Tuấn – Giám đốc Trung tâm thông tin KH&CN báo cáo tham luận tại Hội thảo |
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển KH&CN, đưa KH&CN trở thành động lực then chốt để phát triển đất nước bền vững. Trong đó, công tác truyền thông KH&CN có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội,…
Hoạt động này đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật KH&CN năm 2013 sửa đổi (Điều 48 của Luật đã quy định về hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN).
Tại Lễ trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN năm 2017, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: "Sát cánh cùng ngành KH&CN, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo khắp cả nước đã tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN. Năm 2017, đã có hàng ngàn tin, bài, phóng sự, tọa đàm,... liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của KH&CN đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng trung ương và địa phương.
Báo chí, truyền thông có sức mạnh đặc biệt trong tất cả các lĩnh vực trong đó có KH&CN. Không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát hiện những nhân tố điển hình mới mà còn có vai trò định hướng dư luận và là kênh tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân,… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Đây cũng là công cụ hữu hiệu, là cầu nối kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân".
Không thể phủ nhận vai trò của báo chí là cánh tay nối dài đưa khoa KH&CN đến với công chúng. Thế nhưng, con đường đưa báo chí trở thành cầu nối truyền thông không hề dễ dàng khi tiếp cận lĩnh vực này, đòi hỏi các nhà báo cần có hiểu biết chuyên sâu về KH&CN để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở thành vấn đề dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả. Đây là một trong những thách thức của truyền thông KH&CN trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình vì vậy cần được đẩy mạnh và đổi mới hơn nữa trong thời gian tới.
Giải pháp vượt qua thách thức
Tại hội thảo, bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng khẳng định: Truyền thông có vai trò hết sức quan trọng nhằm khẳng định KH&CN là động lực quan trọng nhất để phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến KH&CN là một trong 6 giải pháp chủ yếu để phát triển KH&CN Việt Nam: “Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là trong các doanh nghiệp về chủ trương, chính sách, pháp luật về KH&CN, về vai trò động lực then chốt của KH&CN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động KH&CN,...”.
Do đó, nhiệm vụ đổi mới, thúc đẩy truyền thông KH&CN được đặt ra rất bức thiết, làm sao để cả xã hội biết đến, ủng hộ, công nhận và phát triển là nhiệm vụ khó khăn của công tác truyền thông KH&CN. Vì vậy cần phải nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông KH&CN hơn nữa để thông qua công tác này làm tốt vai trò là “cầu nối” đưa KH&CN thấm vào xã hội một cách tự nhiên, bà Vũ Thị Bích Hậu nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Trần Đình Tuấn – Giám đốc Trung tâm thông tin KH&CN cho biết: trong thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đã đồng hành cùng với Trung tâm Thông tin KH&CN, đã tích cực và tăng cường tuyên truyền hoạt động KH&CN của thành phố, các cơ chế chính sách về KH&CN của Trung ương và địa phương về KH&CN, các thành tựu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN góp phần đưa KH&CN vào cuộc sống, đến gần với người dân, doanh nghiệp, giúp cho hoạt động KH&CN ngày càng có tác động cụ thể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đồng quan điểm này, ông Trần Quang Tuấn cũng khẳng định: hoạt động truyền thông KH&CN tại các địa phương là một bộ phận cấu thành hoạt động truyền thông KH&CN của cả nước, trong thời gian qua hoạt động này đã có bước tiến đáng kể trong việc thu thập, lưu giữ và tổ chức khai thác các nguồn thông tin tư liệu KH&CN một cách hiệu quả, đã tuyên truyền, giới thiệu về công tác quản lý, nghiên cứu khoa học; kết quả thực hiện các dự án, đề tài KH&CN đã được nghiệm thu và triển khai thực hiện đạt kết quả ở địa phương; thông tin về công nghệ mới, sở hữu trí tuệ, Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chuyển giao công nghệ; giới thiệu những thành tựu KH&CN mới có khả năng áp dụng vào địa phương, các thông tin phục vụ cho phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn; phản ánh các chủ trương, chính sách phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước đến với người dân, qua đó đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đặc biệt, ông Trần Quang Tuấn đã giới thiệu về “Giải thưởng Báo chí về khoa học và công nghệ” do Bộ KH&CN tổ chức hàng năm, nhằm ghi nhận, tôn vinh những người làm công tác truyền thông KH&CN tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác truyền thông KH&CN của sở nói riêng và các nhà báo của các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương nói chung có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền về KH&CN, ghi nhận, tôn vinh những người làm công tác truyền thông KH&CN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo chuyên đề như: Kết quả và nhu cầu phối hợp truyền thông KH&CN; vai trò của truyền thông trong phát triển KH&CN; nâng cao chất lượng phối hợp tuyên truyền KH&CN trên sóng Đài phát thanh và truyền hình Đà Nẵng; truyền thông KH&CN và một số đề xuất cải thiện chất lượng thông tin hợp tác truyền thông.
Đa số các đại biểu cho rằng: công tác truyền thông KH&CN cần được quan tâm hơn nữa; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động truyền thông KH&CN; Tăng cường liên kết về hoạt động truyền thông KH&CN giữa Trung ương và địa phương; Tăng nguồn kinh phí cho hoạt động này, đồng thời sự quan tâm chỉ đạo của người đứng đầu các đơn vị tham gia vào hoạt động truyền thông KH&CN cũng là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của KH&CN trước hết là nhận thức về vai trò của truyền thông KH&CN cần đi tiên phong. Ngoài ra, cần tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học cũng cần được phát huy để chuyển hóa các thông tin KH&CN vốn đã ít, khó viết, khó hiểu, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng.
Công tác tuyên truyền KH&CN không chỉ là ý thức của mỗi nhà khoa học mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức KH&CN, Trường Đại học và Doanh nghiệp KH&CN mà trong đó, các viện, trường đại học và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức, truyền thông kết quả nghiên cứu và đổi mới công nghệ.
Thông qua Hội thảo này, ông Trần Quang Tuấn khẳng định: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN là cơ quan đầu mối của Bộ KH&CN về công tác truyền thông, luôn sẵn sàng phối hợp và mong muốn phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương, các bộ phận truyền thông Sở KH&CN các tỉnh/thành, để tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ, góp phần đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN. Đồng thời, ông Trần Quang Tuấn cũng bày tỏ tin tưởng, với sự phối hợp chặt chẽ này công tác truyền thông KH&CN sẽ được đẩy mạnh hơn nữa góp phần đưa nhanh kết quả KH&CN vào cuộc sống.
Ông Tuấn nhấn mạnh, hiệu quả của truyền thông được đánh giá trên 2 chỉ số quan trọng: chỉ số định tính (đánh giá sự tác động của truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về KH&CN và tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội) và chỉ số định lượng ( thông qua số lượng các tin, bài, phóng sự, hội thảo chuyên sâu, triển lãm,…) cho thấy công tác truyền thông KH&CN đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo được chỗ đứng xứng đáng trong xã hội giúp nâng tầm, đưa KH&CN càng trở nên có giá trị hơn, góp phần thay đổi nhận thức của toàn xã hội về KH&CN, thấy KH&CN thực sự là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.