Băng nhóm buôn lậu ở TP HCM có nhiều thủ đoạn mới

Bạn đọc 19/01/2018 14:52

Công an TP HCM phát hiện tình trạng lạm dụng chữ ký số khai hải quan điện tử để nhập hàng cấm, biến hàng thuế suất rất cao thành thấp.

buon-lau-thuoc-ung-thu-gia-3603-1516277834
Công an khám xét Công ty VN Pharma trong vụ án buôn lậu thuốc ung thư giả. Ảnh: Quốc Thắng.

Trong báo cáo gửi Ban chỉ đạo 389 quốc gia về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, UBND TP HCM cho biết đã xuất hiện nhiều phương thức buôn lậu mới.

Lợi dụng thủ tục hải quan thông thoáng để khai báo sai lệch.

Theo quy định, các doanh nghiệp lớn có truyền thống chấp hành tốt được phân luồng xanh, hoặc được Tổng cục Hải quan cấp phép làm dịch vụ đại lý khai báo, có thể mở tờ khai cho bất kỳ doanh nghiệp nào để được phân luồng xanh.

Lợi dụng điều này, một số doanh nghiệp có ý định buôn lậu, sử dụng phần mềm hỗ trợ điều khiển máy tính từ xa, móc nối với các nhân viên của doanh nghiệp hoặc đại lý được phân luồng xanh, để thực hiện khai báo hải quan.

Việc này nhằm khai gian mặt hàng bị cấm nhập khẩu, hoặc thuế suất rất cao thành hàng hóa có thuế suất rất thấp, để được phân luồng xanh, miễn kiểm tra.

UBND TP HCM nhận định đây là sơ hở và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành ngăn chặn, khắc phục.

Thuê người tâm thần làm chủ doanh nghiệp để buôn lậu

Đánh giá chung về thủ đoạn của buôn lậu, TP HCM cho rằng đối tượng chính, cầm đầu các đường dây buôn lậu thường không xuất hiện mà giao cho những người thân tín, cấp dưới.

Một số người chủ mưu thành lập các công ty "ma" thuê người đứng tên làm giám đốc để thực hiện hành vi buôn lậu với quy mô lớn. Khi hàng hóa về Việt Nam, họ thuê các công ty dịch vụ giao nhận làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện thì kẻ chủ mưu bỏ trốn.

Ngoài ra, một số trường hợp buôn lậu bị phát hiện, khi xác minh thì trụ sở doanh nghiệp hoàn toàn không có. Người đại diện theo pháp luật được thuê có khi còn bị tâm thần, nên khó xử lý hình sự người chủ mưu.

TP HCM đánh giá năm qua hoạt động buôn lậu diễn ra trên tất cả các tuyến đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, đường hàng không và bằng nhiều hình thức. Ban Chỉ đạo 389 TP HCM xử lý 31.263 vụ vi phạm hành chính, khởi tố hình sự 87 vụ và 111 nghi can, thu nộp ngân sách gần 4,4 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ kiểm soát chặt nhóm hàng cấm, hàng có thuế suất cao, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và các mặt hàng tiêu dùng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Điển hình như: ma tuý, vũ khí, vật liệu nổ, tài liệu phản động, động thực vật hoang dã, kim loại quý; thuốc lá, rượu, bia; thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm...

Lo ngại xăng giả

Lực lượng chức năng TP HCM gần đây phát hiện một số doanh nghiệp mua dung môi Solmix của các đơn vị nhập khẩu trực tiếp để tiêu thụ ra thị trường. Dung môi Solmix rất dễ cháy, được trộn với Toluene tạo ra thành phẩm tương tự xăng A92.

Tuy nhiên, chất này hiện không thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, nên có thể mua bán, sử dụng khá dễ dàng.

UBND TP HCM yêu cầu các lực lượng chức năng chú ý các doanh nghiệp mua bán số lượng lớn dung môi Solmix, hóa chất Toluene, làm rõ mục đích sử dụng và xử lý khi có vi phạm.

Trước đó, ngày 28/5/2017, tại khu vực cửa khẩu cảng TP HCM, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng bắt giữ tàu do ông Trần Văn Danh (ngụ tỉnh Hậu Giang) điều khiển. Trên tàu có hơn một triệu lít dung môi được pha trộn từ chất Solmix và Toluene.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã đề xuất xử phạt 90 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số dung môi, bán đấu giá sung công quỹ gần 7,6 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận