Băng nhóm ‘vặt’ phụ tùng ô tô lộng hành

Nhật ký cảnh sát 05/07/2015 10:50

Trên địa bàn TP.HCM xảy ra nhiều trường hợp phụ tùng ô tô như cần gạt, kính chiếu hậu...khi đậu xe bên lề đường, trong bãi giữ xe "không cánh mà bay".

 

tromcapphutung2_hhnq
Các nghi can bị bắt trong đường dây trộm phụ tùng xe ô tô liên tỉnh

Khi người “tiêu thụ hàng gian” lại chính là nạn nhân

Điển hình nhất là vụ án mà Công an TP.HCM vừa triệt phá. Băng trộm cắp, tiêu thụ phụ tùng ô tô quy mô lớn này đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ trộm cắp liên tỉnh như TP.HCM, Bình Thuận, Cà Mau...

Theo đó, tháng 6.2014, Công an TP.HCM bắt 16 đối tượng, trong đó vợ chồng Trần Minh Thảo (35 tuổi) và Phạm Thị Kim Hà (31 tuổi, tạm trú P.Tân Kiểng, Q.7) là những mắt xích quan trọng trong đường dây trộm cắp và tiêu thụ phụ tùng ô tô lớn này.

Một trinh sát cho hay, thủ đoạn chính của băng nhóm này là hằng ngày, vợ chồng Thảo và Hà chạy xe trên các tuyến đường để tìm những ô tô hạng sang. Khi xe đã vào tầm ngắm, chúng sẽ báo cho đồng bọn tới vặt đồ. Có những kẻ chuyên nghiệp đến mức chỉ vài chục giây đã mở được các khóa cửa ô tô. Có lần chúng trộm hàng loạt phụ tùng trị giá gần 200 triệu đồng của một chiếc ô tô xịn. Sau khi vặt được “hàng”, chúng bán cho chủ các tiệm buôn bán phụ tùng ở đường An Dương Vương, Trần Phú (Q.5). Và có khi, không ai khác, những người tiêu thụ “hàng gian” này lại chính là nạn nhân có xe bị trộm.

Vụ trộm khiến dư luận quan tâm gần đây nhất là vụ ô tô hiệu Fortuner đậu trên đường Tôn Thất Tùng (Q.1) bị mất vào ngày 22.6. Ông Đào Thụy Nghiễm (41 tuổi, ngụ Đắk Nông) đến Công an Q.1 khai báo, khoảng 11 giờ ông đậu xe bên lề đường Tôn Thất Tùng để vào quán ăn cơm. Ăn xong, ông Nghiễm ra lấy xe thì phát hiện ô tô đã biến mất cùng nhiều tài sản trên xe.

Một lãnh đạo của Cục Cảnh sát Hình sự (C45) - Bộ Công an nhận định, nạn trộm vặt phụ tùng ô tô, xe máy diễn ra ngày một nhiều hơn; hành vi của các đối tượng tinh vi xảo quyệt, thường đánh lạc hướng cơ quan công an bằng cách lúc trộm ở quận này rồi lại chuyển hướng qua quận khác. Ngoài ra, chúng ăn mặc bảnh bao, lịch sự, sang trọng để ít ai biết chúng là kẻ trộm.

Mua phụ tùng bừa bãi là tiếp tay cho trộm cắp

Liên quan đến nạn trộm cắp phụ tùng ô tô, xe máy như kể trên, còn phát sinh tình huống đền bù tài sản bị mất đối với các nạn nhân. Trao đổi với PV, luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, việc gửi xe ở trong quán xá được các bên thể hiện bằng thẻ giữ xe và đây chính là cơ sở pháp lý, hợp đồng gửi giữ tài sản quy định tại Điều 559 Bộ luật Dân sự. Nếu bị mất xe (có thẻ xe) thì bên giữ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường, việc bồi thường là trị giá của chiếc xe bị mất. Do đây chỉ là giao dịch dân sự nên khi các bên không giải quyết được thì tòa án sẽ vào cuộc.

tromcapphutung1_fkdy
 Tang vật cơ quan công an thu giữ trong đường dây trộm cắp phụ tùng ô tô, xe máy

Trong trường hợp khách gửi xe mà không lấy thẻ thì đây là một bất lợi rất lớn nếu xảy ra trường hợp mất xe. Khi đó không có căn cứ để chứng minh việc mình có gửi xe nên không thể yêu cầu bồi thường.

“Tình trạng mất phụ tùng của ô tô đắt tiền, tôi cho rằng đó là do những người khi bị mất trộm thường đến nơi bọn trộm cắp bán lại để mua nên vô tình tiếp tay cho những kẻ có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, LS Thảo nhận định.

Còn LS Nguyễn Đức Chánh cho rằng, việc khách hàng vào quán ăn, quán cà phê... gửi xe cho nhân viên hay bảo vệ của quán là việc giữa hai bên đã giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản theo Điều 559 Bộ luật Dân sự 2005. Hình thức của hợp đồng gửi giữ có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Vì vậy, thẻ xe được xem là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng. Nếu không lấy thẻ xe, khi xảy ra tranh chấp mà bên giữ tài sản phủ nhận việc giao kết hợp đồng thì rất khó chứng minh các bên có giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản. Về nguyên tắc, khi có thiệt hại xảy ra, người bị thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Hiện nay còn có hành vi giữ xe rồi nhân viên “luộc” phụ tùng xe của khách. LS Chánh cho rằng đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Số tiền chiếm đoạt tài sản được xác định bởi giá trị của các phụ tùng đã bị thay thế. Hành vi nói trên có thể cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ý kiến của bạn

Bình luận