Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Khoảng 12h50 ngày 12/4/2024, hầm Bãi Gió tại Km1231+100 (khu vực Đèo Cả, tỉnh Khánh Hòa) trong lúc đang được thi công gia cố vỏ hầm đã xảy ra sụt lở đất đá trong lòng hầm với khối lượng khoảng 150 m3. Sáng và chiều hôm sau, tại vị trí này tiếp tục xảy ra sụt lở thêm làm tắc nghẽn tuyến đường sắt Bắc - Nam qua khu vực trên gần 10 ngày.
Tiếp đó, khoảng 9h50 ngày 21/5 cũng xảy ra sự cố tương tự tại hầm Chí Thạnh (Km1168+700, tỉnh Phú Yên) buộc ngành Đường sắt phải phong tỏa đoạn đường sắt giữa hai ga La Hai (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) và Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) trong 10 ngày.
Theo ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh, nguyên nhân sụt lở hầm đường sắt Bãi Gió và Chí Thạnh đều do hầm đã khai thác lâu năm, bị xuống cấp nghiêm trọng, cộng với tầng địa chất trong khu vực trên bị phong hóa lâu ngày, thường xuyên có mưa nên đất, đá trên hầm nhão... gây sụt lở trong quá trình sửa chữa, cải tạo hầm.
Hai sự cố sụt lở hầm trên khiến cho vận tải đường sắt trên tuyến Bắc - Nam bị đứt gãy, gây thiệt hại không chỉ cho đường sắt mà còn ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách, vận chuyển hàng hóa. Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội dẫn chứng, trong 9 ngày xảy ra sự cố và chờ khắc phục thông tàu qua hầm Bãi Gió, số chuyến tàu khách phải chuyển tải hành khách là 120 đoàn, số lượt khách phải chuyển tải bằng đường bộ (từ ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và ga Giã, tỉnh Khánh Hòa) là 25.300 lượt, với 11.000 vé tàu trả lại. Còn với tàu hàng, có 55 đoàn tàu phải bãi bỏ, ngừng chạy; chuyển tải 6 đoàn tàu hàng giữa ga Hòa Đa (tỉnh Phú Yên) và ga Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa).
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), sự cố sụt lở hầm Bãi Gió gây thiệt hại cho ngành Đường sắt hơn 50 tỷ đồng, trong đó chi phí tham gia khắc phục sự cố hơn 3 tỷ đồng; chi phí thiệt hại trực tiếp do sự cố là 18,7 tỷ đồng, giảm doanh thu 28 tỷ đồng.
Đối với sự cố hầm Chí Thạnh hiện chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại, nhưng chỉ riêng việc phải dùng ô tô trung chuyển hơn 30 nghìn khách đi tàu, hủy nhiều chuyến tàu khách, tàu chở hàng dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam hoặc một số đoàn tàu hàng phải nằm chờ tại các ga dọc tuyến... cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố. Từ góc độ hành khách và chủ hàng, những sự cố của tuyến đường sắt Bắc - Nam còn gây ra tâm lý lo ngại về rủi ro, sự an toàn, uy tín với đối tác, ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt, công tác của hành khách.
Tiềm ẩn nhiều sự cố do thiên tai
Theo VNR và các đơn vị đường sắt trực tiếp quản lý bảo trì tuyến, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua khu vực miền Trung có nhiều vị trí nguy cơ cao bị ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt mưa lớn kéo dài, nhất là sạt lở nền đường, ngập lụt gây thiệt hại lớn về tài sản kết cấu hạ tầng và vận tải đường sắt. Chỉ trong năm 2023, trên tuyến xảy ra một số vụ nghiêm trọng khiến đường sắt phải phong tỏa khu gian để tổ chức sửa chữa, khắc phục hạ tầng, buộc phải điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và gây gián đoạn vận tải.
Cụ thể, ngày 4/10/2023, do mưa lớn kéo dài từ ngày 26/9/2023 khiến nước sông Lam dâng cao, dòng chảy lớn làm đổ sập hàng cọc ván thép phía trước, xói trôi tứ nón phía thượng lưu và hạ lưu cầu Yên Xuân tại Km311+111 tuyến đường sắt Bắc - Nam... dẫn đến nền đường phía trên mố bị sụt lún gây uy hiếp an toàn chạy tàu, phải phong tỏa khu gian để tổ chức cứu chữa. Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh phải phong tỏa khu gian Yên Xuân - Yên Trung từ 17h40 ngày 4/10/2023 để khắc phục, sửa chữa và đến 21h cùng ngày thông tuyến với tốc độ thấp; hoàn trả dần tốc độ lưu thông tàu theo từng đợt và phải đến ngày 18/1/2024 mới hoàn thành trả tốc độ khu gian như trước khi xảy ra sự cố.
Sự cố tiếp theo là trong hai ngày 13 và 14/10/2023, mưa lớn gây ngập khu vực hầm Kim Liên - Thanh Khê (Đà Nẵng), làm ách tắc giao thông đường sắt từ 17h10 đến 22h ngày 13 và từ 5h đến 12h25 ngày 14/10, làm chậm nhiều tàu khách và tàu hàng.
Ngày 30/10/2023, cũng do mưa lớn kéo dài nên nước từ trên đồi chảy xuống qua đường sắt gây sạt lở cục bộ, xói lở, trôi nền đá, sụt trôi nền đường và đất đồi vùi lấp đường ray tại nhiều vị trí trên đoạn Km354+900 - Km355+750, trong đó có đoạn bị sụt nền đường sâu 6 - 9 m. Còn tại Km375+600 - Km376+000 bị xói lở nền đường. Sự cố trên khiến đơn vị quản lý đường sắt phải phong tỏa khu gian Yên Duệ - Hòa Duyệt từ 3h40 sáng 30/10/2023 để tổ chức khắc phục sự cố và đến 16h30 hôm sau trả tốc độ cho tàu lưu thông 5 km/h, sau đó tiếp tục trả tốc độ theo từng đợt, đến 18/1/2024 mới hoàn thành trả tốc độ bình thường cho khu gian.
"Sự cố sạt lở trên khiến phải ngừng tàu, bãi bỏ kế hoạch chạy tàu tại các ga dọc đường, điều chỉnh kế hoạch chạy tàu các ngày 29 - 31/10/2023 xuất phát từ các ga Hà Nội, Vinh, Yên Trung, Hòa Duyệt, Hương Phố, Đồng Lê... để đảm bảo an toàn cho hành khách và hàng hóa. Trong đó, tổ chức trung chuyển hơn 1.500 hành khách bằng ô tô giữa ga Yên Trung - Hòa Duyệt", theo VNR.
Sang tháng 11/2023, do mưa lớn kéo dài từ ngày 12 đến 17/11/2023 trên địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế khiến đoạn Km656+400 - Km750+000 có nhiều điểm bị ngập nước, sạt lở ta-luy nền đường khiến phải phong tỏa khu gian, chờ nước rút để kiểm tra, sửa chữa. Còn tại Km718+930 bị sạt lở tứ nón phía Nam; hầm số 8 bị bung sụt hầm, tường biến dạng nên phải phong tỏa, cấm tàu từ 7h55 ngày 15/11 và đến 10h15 đặt cảnh báo, chỉ cho tàu chạy 5 km/h khi qua hầm. "Sự cố trên cũng khiến đường sắt phải dừng tàu, điều chỉnh kế hoạch tại các ga Hà Nội, Sài Gòn và dọc đường. Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội phải tổ chức chuyển tải gần 140 khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại trong ngày 17/11/2023, cũng như phục vụ miễn phí hơn 4.500 suất ăn trong thời gian dừng tàu, chuyển tải", VNR cho hay.
Theo thống kê sơ bộ của VNR và một số đơn vị quản lý đường sắt, năm 2023, ảnh hưởng của mưa bão và các đợt mưa lớn kéo dài khiến kết cấu hạ tầng trên các tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh chịu nhiều thiệt hại, nhiều vị trí hư hỏng, sạt lở phải phong tỏa khu gian để tổ chức khắc phục. Chỉ riêng kinh phí để khắc phục, sửa chữa thiệt hại hạ tầng bước 1 các vị trí sạt lở khoảng hơn 30 tỷ đồng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.