Bão giá vật liệu- kỳ 2:Nhà thầu giao thông sức cùng lực kiệt kêu cứu

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 16/07/2022 14:26

Các nhà thầu trên cao tốc Bắc - Nam đang phải thi công cầm chừng do nguồn tài chính cạn kiệt, nguy cơ phá sản ngày càng đến gần.


Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Giá các loại vật liệu phục vụ thi công đường cao tốc tăng phi mã trong gần hai năm qua, dù hợp đồng có điều khoản điều chỉnh giá nhưng quy định hiện hành bộc lộ quá nhiều bất cập khiến toàn bộ các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam càng làm… càng lỗ. Nhà thầu nào lỗ ít cũng vài chục đến vài trăm tỷ, lỗ nhiều lên đến cả nghìn tỷ đồng, nguy cơ cao tốc Bắc - Nam chưa kết thúc giai đoạn 1 (2017 - 2020) đã “trắng” nhà thầu trong giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Tạp chí Giao thông vận tải khởi đăng loạt bài: “Bão giá” vật liệu sắp quét sạch nhà thầu cao tốc Bắc - Nam.

Kỳ 2: Nhà thầu giao thông sức cùng lực kiệt kêu cứu

Tại nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, các nhà thầu đã không thể duy trì được tiến độ, thi công cầm chừng, không phát huy hết công suất thiết bị và năng suất lao động gây thiệt hại về kinh tế cho nhà thầu, lãng phí nguồn lực xã hội càng thúc đẩy quá trình phá sản của các nhà thầu diễn ra nhanh hơn.

Nguy cơ vỡ  tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Đầu tháng 7/2022, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long xem xét tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thực hiện thi công tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45. Động thái trên cho thấy thế đường cùng của một doanh nghiệp mạnh thuộc quân đội trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc Công ty CP Phát triển hạ tầng 319 (Tổng công ty 319) cho biết, đơn vị được giao thực hiện thi công phân đoạn Km296+940 - Km301+000 thuộc phạm vi gói thầu 11-XL cao tốc Mai Sơn - QL45. Trong quá trình thi công, nhà thầu luôn tập trung huy động nhân sự, tài chính, máy móc, thiết bị để đảm bảo hoàn thành tiến độ theo đúng hợp đồng.

“Thời điểm này, nhà thầu đang thi công hạng mục móng mặt đường, tuy nhiên do ảnh hưởng của an ninh năng lượng, đại dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước khiến giá cả nguyên nhiên liệu biến động đột biến, đặc biệt là giá dầu và giá nhựa đường nhập khẩu khiến nhà thầu gặp khó khăn chồng chất trong việc đảm bảo nguồn nguyên nhiên liệu phục vụ thi công”, ông Hưng chia sẻ.

Dẫn chứng cụ thể, ông Hưng cho biết, từ đầu năm 2021, giá thép tăng cao vượt 156% so với giá thời điểm ký hợp đồng (giá thời điểm ký hợp đồng là 11.200 đồng/kg, hiện nay là 17.500 đồng/kg). Đặc biệt, giá dầu ngày càng tăng đột biến, thời điểm đấu thầu chỉ có 11.482 đồng/lít, nay giá dầu diesel lên mức 30.610 đồng/lít (tăng 267%), kéo theo đà tăng giá của các loại vật liệu xây dựng như: Đất, cát, cấp phối đá dăm các loại, thép, nhựa đường,…

“Các loại nguyên nhiên liệu tăng giá đột biến trong thời gian qua khiến nhà thầu gặp vô vàn khó khăn trong công tác đảm bảo tài chính và đang thua lỗ nặng. Hơn nữa, công tác thi công đang bước vào giai đoạn hoàn thiện mặt đường, chi phí huy động để mua vật tư lớn lại công thêm sức ép về giá cả càng khiến nhà thầu khó khăn chồng chất”, ông Hưng thông tin và cho biết, theo hợp đồng giá trị phần mặt đường là 38,3 tỷ đồng, nhưng với giá vật tư hiện nay, chỉ tính riêng phần này nhà thầu đã lỗ trên 18,5 tỷ đồng.

Theo ông Hưng, dù trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và Ban QLDA Thăng Long ngày 28/9/2020 có điều khoản điều chỉnh giá theo phương pháp hệ số và nguồn sử dụng là chỉ số giá của tỉnh Thanh Hóa với chỉ số gốc là tháng 8/2020 nhưng thực tế tính toán cho thấy, hệ số điều chỉnh giá từ đầu tư dự án đến nay chỉ dao động từ 7 - 8%, trong khi thực tế giá trị trượt giá do ảnh hưởng bởi đột biến giá lên đến khoảng 29%.

“Chỉ số giá của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa không phản ánh kịp thời, không sát với thực tế thị trường, dẫn tới giá trị điều chỉnh giá không thể bù đắp được chi phí sản xuất thực tế của nhà thầu. Để giảm bớt thiệt hại và hỗ trợ nhà thầu có đủ dòng tiền quay vòng sản xuất, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long xem xét, sớm có phương án tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu”, ông Hưng đề xuất.

Nhiều nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đang kiệt quệ về tài chính do bão giá vật liệu (trong ảnh: Thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu)

Nhiều nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đang kiệt quệ về tài chính do bão giá vật liệu (trong ảnh: Thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu)

Khó khăn do bão giá và bất cập trong cơ chế điều chỉnh giá hợp đồng đối với Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng không phải là cá biệt bởi toàn bộ các nhà thầu thi công trên cao tốc Bắc - Nam đều đang gặp phải tình trạng này. Minh chứng là hôm 14/7/2022, một văn bản kiến nghị dài 11 trang của Hiệp hội các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ,…để kêu cứu.

Đáng chú ý, trong văn bản kiến nghị có sự xuất hiện của 20 nhà thầu giao thông lớn Việt Nam, gồm: Tập đoàn CIENCO4, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, VINACONEX, Công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, Công ty Trung Chính,… Có thể nói đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành xây dựng cầu đường Việt Nam. Điều đó cho thấy, các nhà thầu thi công trên cao tốc Bắc - Nam hiện đang rơi vào tình cảnh sức cùng lực kiệt.

Trong văn bản, đại diện lãnh đạo của 20 nhà thầu bảy tỏ: Mặc dù đã hết sức cố gắng, ưu tiên và dành mọi nguồn lực cho công trường thi công cao tốc Bắc - Nam, nhưng tất cả nhà thầu đều trong tình trạng suy kiệt về tài chính, do tiền thanh toán từ chủ đầu tư không đủ trang trải chi phí thi công, đồng thời chạm ngưỡng hạn mức đi vay ngân hàng để bù đắp thiếu hụt dòng tiền.

Thực tế, trong khoảng 3 - 4 tuần trở lại đây, tại nhiều dự án thành phần, các nhà thầu đã không thể duy trì được tiến độ, thi công cầm chừng, không phát huy hết công suất thiết bị và năng suất lao động gây thiệt hại về kinh tế cho nhà thầu, lãng phí nguồn lực xã hội càng thúc đẩy quá trình phá sản của các nhà thầu diễn ra nhanh hơn.

“Nếu không có có giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới thì nguy cơ vỡ tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là hiện hữu”, văn bản nêu rõ.

Bộ GTVT đề nghị tháo gỡ cho nhà thầu, Bộ Xây dựng nói: “Không”

Trước diễn biến của bão giá vật liệu, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công trên cao tốc Bắc - Nam, ngay từ đầu tháng 4/2022, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý. Theo Bộ GTVT, các gói thầu thi công xây dựng công trình giao thông chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh (theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh; sử dụng chỉ số  giá do địa phương công bố).

Hợp đồng đã được các chủ đầu tư, ban quản lý xây dựng phù hợp với các quy định pháp luật về xây dựng, đấu thầu. Các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá hợp đồng gồm: Nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát,  đá, xi-măng…

Tuy nhiên, khi giá vật liệu xây dựng có biến động lớn, bất thường nhưng chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố không kịp thời hoặc phản ánh chưa sát với biến động giá của các yếu tố chi phí của dự án, gói thầu dẫn đến việc điều chỉnh giá hợp đồng không phản ánh chính xác (không bù đắp được so với biến động giá thực tế).

“Do giá vật liệu tăng cao và những bất cập trên, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ GTVT cho biết.

Đặc biệt, với tình hình biến động giá như hiện nay thì việc áp dụng một công thức chung cho cả hợp đồng để điều chỉnh trượt giá chưa phản ánh chính xác mức độ biến động giá; một số vật liệu có mức tăng giá trên 20% (xi măng, đá các loại, nhựa đường), rồi có những vật liệu tăng giá 80% - 90% (thép, nhiên liệu). Do đó, cần nghiên cứu việc điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng cho phù hợp với biến động giá thị trường.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành có dự án đi qua khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý, bình ổn giá, trợ giá đối với các vật liệu xây dựng. Đồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp xây lắp để giảm thiểu bất lợi của việc tăng giá vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng của biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai thi công theo hướng tách các hạng mục công việc sử dụng vật liệu xây dựng có mức độ biến động giá lớn để áp dụng các công thức điều chỉnh giá riêng.

Cụ thể, đối với các hạng mục công việc sử dụng vật liệu xây dựng có mức độ và khả năng biến động giá lớn (như sắt thép, xăng dầu, xi măng, nhựa đường, đá, cát, sỏi,…) được áp dụng các công thức điều chỉnh giá riêng; các hạng mục còn lại của hợp đồng được áp  dụng công thức chung để điều chỉnh giá.

Đồng thời, chủ đầu tư được thuê đơn vị tư vấn (sử dụng nguồn vốn của dự án) để tính toán, xác định lại tỷ trọng các yếu tố chi phí trong các công thức điều chỉnh giá hợp đồng đảm bảo phù hợp thiết kế, dự toán, giá hợp đồng và thương thảo, thống nhất với  nhà thầu để điều chỉnh hợp đồng.

Ngay từ đầu tháng 4/2022, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu thi công trên cao tốc Bắc - Nam

Ngay từ đầu tháng 4/2022, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu thi công trên cao tốc Bắc - Nam

Tuy nhiên, điều trớ trêu là trong công văn phản hồi Bộ GTVT vào cuối tháng 6/2022 liên quan đến vấn đề trên, đại diện Bộ Xây dựng lại cho rằng, việc điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đã được quy định cụ thể tại Luật Xây dựng và các Nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan.

“Đối với kiến nghị của Bộ GTVT về việc thay đổi phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng từ sử dụng chỉ số giá sang bù trừ trực tiếp, cũng như thay đổi công thức điều chỉnh giá hợp đồng để phù hợp với tỷ trọng vật liệu chủ yếu của công trình là chưa đủ cơ sở”, Bộ Xây dựng cho biết.

Theo Bộ Xây dựng, thực tế nếu có vướng mắc này, do xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có chủ quan của chủ đầu tư chưa đánh giá kỹ lưỡng rủi ro về biến động giá đối với một số loại vật liệu chủ yếu dẫn đến việc quyết định áp dụng phương pháp và công thức điều chỉnh giá hợp đồng không phù hợp trong quá trình lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng.

Bình luận về ý kiến trả lời của Bộ Xây dựng, đại diện một nhà thầu (xin giấu tên) nói thẳng: “Tôi không đồng tình với quan điểm của Bộ Xây dựng. Đây là cách trả lời sợ trách nhiệm, chẳng đưa ra giải pháp cụ thể nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về điều chỉnh giá hợp đồng cho các nhà thầu giao thông”.

Theo vị này, trước khi triển khai các gói thầu cao tốc Bắc - Nam không ai có thể lường trước và dự đoán được các tình huống phát sinh như đại dịch Covid-19, rồi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra khiến giá các loại vật liệu biến động chóng mặt.

“Để xử lý các vấn đề phát sinh đột biến, trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu đã có điều khoản bất khả kháng. Do đó, điều khoản này cần phải được kích hoạt để đảm bảo quyền lợi cho nhà thầu theo đúng hợp đồng”, vị này chia sẻ.

Đề xuất thuê đơn vị tư vấn xây dựng chỉ số giá riêng cho cao tốc Bắc - Nam

 

Hiệp hội Nhà đầu tư các công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các cơ chế đặc thù điều chỉnh giá vật tư cho các dự án giao thông trọng điểm.

 

 Trong văn bản, PGS.TS.Trần Chủng - Chủ tịch Varsi đã nêu ra những khó khăn của các nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, giá thép nếu tính từ đầu năm 2021 đã tăng 20-60% (cao điểm là tăng 60%). Cuối năm 2020, giá xi măng từ 1.400 đồng một kg, đến nay là 1.980 đồng; giá nhựa đường là 11.287 đồng đã lên 17.800 đồng, giá dầu DO cũng tăng từ 12.420 đồng lên 30.200 đồng. Các nguyên, vật liệu chính tăng cao, dẫn đến giá gói thầu tăng trung bình từ 18-30%.

 

"Các doanh nghiệp kỳ vọng thông qua dự án trọng điểm sẽ nâng tầm phát triển của các doanh nghiệp trong nước, nhưng với bối cảnh này họ sẽ ngày càng khó khăn", ông Trần Chủng cho biết.

 

Chủ tịch VARSI cho rằng, hệ thống định mức thiếu cập nhật theo công nghệ mới, thiếu các hệ số an toàn, thiếu định mức công tác bảo dưỡng bảo trì đà giáo, thiết bị, dẫn đến khi thi công, các nhà thầu phải tự bỏ các chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.

 

Đồng thời, định mức quản lý dự án được Bộ Xây dựng ban hành có chi phí thấp, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, kéo dài hoặc liên quan đến nhiều địa phương. Hiện nay, chi phí quản lý dự án thường phải huy động nguồn vốn gấp 2 đến 4 lần so với định mức.

 

Tương tự, công tác tư vấn giám sát, chi phí tư vấn giám sát được xác định theo định mức được Bộ Xây dựng ban hành là rất thấp. Để có thể lập hồ sơ mời thầu thực hiện giám sát, chi phí tư vấn tăng gấp 2-3 lần so với con số được xác định theo định mức.

 

Trên cơ sở đó, VARSI đề xuất Chính phủ yêu cầu các tỉnh công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu điều chỉnh giá hợp đồng. Đồng thời, VARSI đề nghị cho phép chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các đơn vị tư vấn chuyên ngành để xây dựng chỉ số giá riêng cho các dự án đặc thù như cao tốc Bắc - Nam.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận