Báo Singapore: Châu Á đang bước vào thập kỷ khó khăn nhất

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Thị trường 21/12/2019 11:29

Năm 2020, châu Á có thể sẽ bước vào thập kỷ khó khăn nhất mà không có một thông điệp rõ ràng nào và vô số vấn đề chưa được giải quyết, The Strait Times nhận định.

chau-a-thap-ky-nguy-hiem-1-1576807530036357487939

Châu Á ngày nay chiếm một nửa tầng lớp trung lưu của thế giới và khoảng 2/3 đô thị lớn của thế giới. Ảnh: SCMP.

 Bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng đang trên đà phát triển chậm lại bởi "núi nợ" và các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả. Ảnh: Reuters.

Kỷ nguyên châu Á

Cho tới cách đây một năm, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong việc đưa hơn 600 triệu người dân nước này thoát khỏi đói nghèo trong vòng một thế hệ, sánh ngang với những "siêu cường" như Mỹ và Nhật Bản hay những triển vọng tích cực của một Ấn Độ hậu thuộc địa, một khu vực Đông Nam Á do Indonesia dẫn dắt… đã đem lại những hình ảnh rất tươi sáng cho châu Á.

Các luồng trao đổi thương mại và đầu tư đang tăng lên trong khu vực, giao thông hàng không bùng nổ…những yếu tố hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế và văn hóa châu Á. Một số người thậm chí còn cho rằng kỷ nguyên châu Á dường như đã làm lu mờ kỷ nguyên huy hoàng của châu Âu thế kỷ 19 và Thế kỷ Mỹ sau đó.

Tờ The Strait Times của Singapore bình luận, nếu theo quan điểm mang tính thống kê đơn thuần, kỷ nguyên châu Á có thể đã trở thành hiện thực. Châu Á ngày nay chiếm một nửa tầng lớp trung lưu của thế giới và khoảng 2/3 đô thị lớn của thế giới. Xếp theo tỷ giá sức mua, 4 trong số 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Indonesia – đều nằm ở châu Á.

Một số nhà phân tích cho rằng sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc một ngày nào đó có thể trở thành dự án ngoại giao mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, rất giống với sự kiện thành lập Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới và Kế hoạch Marshall thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thập kỷ then chốt

Tuy nhiên, theo tờ The Strait Times, khi những ngày tới đây đánh dấu không chỉ sự kết thúc của năm mà còn là sự kết thúc của một thập kỷ then chốt, triển vọng rõ ràng ít lạc quan hơn. Quả thực, châu Á có thể đang tiến vào thập kỷ nguy hiểm nhất, một thập kỷ trong đó các quốc gia buộc phải đưa ra những sự lựa chọn không dễ dàng, chưa nói đến nguy cơ bùng nổ xung đột mở.

Khó khăn lớn nhất đối với châu Á là sự rạn nứt quan hệ đang xuất hiện giữa Mỹ và Trung Quốc khi Chính quyền Donald Trump, với sự hậu thuẫn của hai đảng, quay sang đối đầu với Bắc Kinh gay gắt.

Châu Á có thể đang tiến vào thập kỷ nguy hiểm nhất, một thập kỷ trong đó các quốc gia buộc phải đưa ra những sự lựa chọn không dễ dàng, chưa nói đến nguy cơ bùng nổ xung đột mở

Khởi điểm từ cuộc chiến thương mại lấy máy giặt và pin năng lượng mặt trời làm công cụ, xung đột nhanh chóng gia tăng với những nỗ lực kiềm chế mạnh mẽ từ phía Mỹ nhằm cản trở Trung Quốc về mặt công nghệ, khiến Bắc Kinh mất cân bằng về mặt chiến lược. Những hậu quả đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trong kỷ nguyên mà công nghệ đang thống trị và chi phối mọi mặt của đời sống.

Các chuyên gia cho rằng, các công ty công nghệ hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chuẩn bị đối phó với những bức tường được dựng lên, tạo ra một thế giới có hai khối thương mại, một tập trung vào Mỹ và một tập trung vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực cũng đang ngày càng gay gắt. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã coi Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu của tổ chức này và Nhật Bản cũng nâng cấp địa vị quan sát viên của mình lên thành bên tham gia đầy đủ trong "trò chơi chiến tranh an ninh mạng" của NATO – hay còn gọi là Liên quân mạng. Ấn Độ tăng cường lắp đặt trang thiết bị quân sự có xuất xứ từ Mỹ ở biên giới với Trung Quốc, thậm chí ký các thỏa thuận với Washington để chuẩn bị cho sự phối hợp hành động lớn hơn.

Bản thân các nước châu Á cũng đang bận rộn đối phó với các đối thủ cũ và đương đầu với các đối thủ mới. Sau một thời gian vật lộn với việc thoát khỏi đói nghèo, giờ đây nhiều quốc gia đã đạt được sự phát triển thịnh vượng. Ở Đông Bắc Á, Trung Quốc và Hàn Quốc – hai quốc gia được lợi lớn từ việc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản và từ những khoản đầu tư của nước này, một lần nữa lại có ánh mắt hoài nghi đối với Tokyo, phần lớn do hoạt động chính trị theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa.

Sự hội nhập chính trị mong manh của Đông Nam Á đã gặp phải trở ngại trong một loạt vấn đề gây chia rẽ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sự chênh lệch trong phát triển kinh tế giữa các quốc gia thành viên.

"Đáng lẽ sự trỗi dậy của Trung Quốc phải được nhìn nhận như là dòng thủy triều nâng tất cả các con tàu châu Á lên, thì các nước láng giềng của Trung Quốc nhìn chung lại có quan điểm tiêu cực đối với sự phát triển về quân sự và kinh tế của Trung Quốc", tờ The Strait Times nhận định.

Khu vực Nam Á cũng không khả quan hơn. Trung Quốc ngày càng không nhân nhượng với Ấn Độ về vấn đề biên giới. Những bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Ấn Độ và Pakistan trong vấn đề Kashmir vẫn tiếp diễn. Kinh tế Ấn Độ cũng đang gặp nhiều thách thức khi các khoản chi dành cho quân đội quá tốn kém, gây trở ngại cho các khoản đầu tư có ý nghĩa vào những lĩnh vực cần thiết như giáo dục và y tế.

Bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng đang trên đà phát triển chậm lại bởi "núi nợ" và các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào giữa năm 2015 đã khiến Trung Quốc ngày càng dễ bị tổn thương về kinh tế.

Hiện nay, nhiều lực lượng bên ngoài cũng đang hành động để đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình trạng đình trệ. Đơn cử như dự án "Vành đai và Con đường" hay "Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan" đều đang bị vướng vào hoạt động địa chính trị của tiểu lục địa.

Những hy vọng về việc hai "gã khổng lồ" châu Á sẽ gác lại tranh chấp để tiến về phía trước đã hoàn toàn tắt ngấm khi New Delhi rút khỏi các cuộc thảo luận tiến tới ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo quan điểm của Nhật Bản, không thể có RCEP mà không có Ấn Độ - một đối tác then chốt của dự án châu Á này.

Từ Mao Trạch Đông đến Jawaharlal Nehru cho tới Sukarno, sau đó là thế hệ các nhà lãnh đạo như Suharto, Lý Quang Diệu và Mahathir Mohamad, vai trò lãnh đạo hùng mạnh trong nửa sau thế kỷ 20 đã đặt nền tảng cho kỷ nguyên châu Á trong thế kỷ 21.

Mặc dù có vẻ như các nước châu Á vẫn do những cá nhân hùng mạnh cai trị, nhưng kỷ nguyên người hùng đương thời dường như đang phai nhạt. 

"Năm 2020, châu Á có thể sẽ bước vào thập kỷ khó khăn nhất mà không có một thông điệp rõ ràng nào và vô số vấn đề chưa được giải quyết", tờ The Strait Times kết luận.

Ý kiến của bạn

Bình luận