Đường sắt Bắc - Nam tê liệt vì sạt lở. |
Trao đổi với Tạp chí GTVT, Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thạch cho biết trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ GTVT đã có 2 công điện gửi các tổng cục các cục và tổng công ty trong ngành chủ động ứng phó với cơn bão số 9.
"Các đơn vị tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ đảm bảo ATGT thông suốt trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời các đơn vị liên quan phối hợp với các sở GTVT, lực lượng chức năng địa phương bị ảnh hưởng của bão có phương án tổ chức, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, bị đứt đường, đoạn đường bị sạt lở… nhằm đảm bảo tuyệt đối ATGT cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ”, ông Nguyễn Văn Thạch cho biết.
Theo Vụ ATGT, Bộ GTVT, cơn bão số 9 đi qua để lại nhiều thiệt hại đặc biệt là về hạ tầng GTVT cho các tỉnh từ miền Trung trở vào. Cụ thể, về lĩnh vực đường sắt, do ảnh hưởng của bão số 9, mưa lớn gây ngập và sạt lở khiến vận tải đường sắt Bắc Nam bị ách tắc. Tổng cộng có 11 đoàn tàu khách và 6 đoàn tàu hàng bị ách tắc tại Tháp Chàm (Ninh Thuận) và Nha Trang (Khánh Hòa). Trước tình hình đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức tăng bo, chuyển tải toàn bộ hơn 2.581 hành khách bị mắc kẹt tại các ga bằng đường bộ để tiếp tục hành trình.
Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối TP Nha Trang và sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) bị ngập sâu do mưa lũ. Ảnh: Bình Minh. |
Đối với đường bộ, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài từ ngày 24 đến 26.11, trên địa bàn các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam đã làm ngập lụt và sạt lở taluy dương trên một số tuyến đường quốc lộ. Cho đến nay còn quốc lộ 27 tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn bị ngập ở nhiều đoạn do mưa to. Còn các quốc lộ giao thông đi lại bình thường.
Cơn bão số 9 đi qua khiến 20.000m3 đất sụt trượt lấp mặt đường và rãnh dọc tại các tỉnh, gây hư hỏng khoảng 20.000m2 mặt đường, 1000m rãnh thoát nước hư hỏng; 15 bộ biển báo, 30m phân cách giữa và 2 tứ nón cầu bị hư hỏng. Ước tính kinh phí thiệt hại lên đến 10 tỷ đồng.
Còn đối với lĩnh vực hàng không, các hãng hàng không đã chủ động điều chỉnh lịch bay từ ngày 24-25/11, tuy nhiên còn có một số trường hợp chậm hủy chuyến như tại sân bay Tân Sơn Nhất có 30 chuyến bay hủy chuyến, 14 chuyến chậm và 43 chuyến chuyển sang sân bay khác. Tại sân bay Quốc tế Cần Thơ hủy 1 chuyến đi Côn Đảo.
Lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa do chủ động quyết liệt trong công tác triển khai ứng phó với bão nên không có thiệt hại đáng kể nào.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.