Hãy nói nhiều hơn về môi trường
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là ngày Môi trường Thế giới (5/6/2017) diễn ra vào thời điểm nóng cao điểm tại miền Bắc được mô tả là “gay gắt”, “dữ dội” với nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 60°C. Gặp nhau ai cũng chỉ nhăn nhó và “chào” nhau một câu: “Nóng quá!”. Trời nóng, nhà nhà bật điều hòa và tạo nên một vòng luẩn quẩn bởi các máy điều hòa nhiệt độ hoạt động với các chất lỏng gây lạnh có khả năng làm tăng nhiệt độ gấp 2.000 lần so với CO2 - loại khí thải nhà kính được biết đến nhiều nhất như tác nhân gây tăng nhiệt độ môi trường.
Ai cũng kêu trời nhưng mấy ai trong số chúng ta nghĩ đến việc mình phải làm gì để giúp làm chậm lại hiện tượng trái đất đang nóng lên. Chúng ta cứ nghĩ rằng “Biến đổi khí hậu ở đâu xa lắm. Băng tan ở mãi tận cực Nam, cực Bắc gì đó cơ!”.
Tăng nhiệt độ chỉ là những gì chúng ta thấy ngay trước mắt, là một sự cảnh báo. Còn tiếp theo nữa là bão lũ, là nước biển dâng cao và chúng ta sẽ phải bỏ nhà, bỏ cửa chạy lên vùng núi cao để làm lại từ đầu. Bạn có thể xem bản đồ nước biển dâng lấn đất để biết chúng ta và các thế hệ tương lai sẽ mất bao nhiêu đất sống nơi đồng bằng.
Chúng ta phải hành động ngay! Bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ nhặt như: Giảm sử dụng bao bì nhựa, không vứt rác khó phân hủy bừa bãi, tăng cường tái sử dụng, tái chế, hạn chế dùng điện, tắt máy xe khi không di chuyển, sử dụng xe đạp hoặc phương tiện đi lại công cộng, sử dụng các sản phẩm xanh (tái chế, tiết kiệm năng lượng…), trồng cây…
“Bây giờ, nhiều bạn nước ngoài và những bạn thích đi du lịch trong nước không ngại ngần nói thẳng rằng: “Tớ không đến Sa Pa nữa đâu!”. Đó là câu chuyện “đau lòng và xót xa” của Tẩn Thị Shu - người sáng lập Công ty Du lịch Sapa O’Chau (Cảm ơn Sa Pa), được trao giải bạc giải thưởng Du lịch trách nhiệm thế giới 2016 khi nói về môi trường du lịch ở Sa Pa hiện nay.
Để phục vụ mục tiêu đón 5,2 triệu lượt khách vào năm 2030, Sa Pa đang bị biến thành đại công trường xây dựng với hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... mọc lên như nấm sau mưa. Mỗi sớm, Sa Pa oằn mình thức giấc bởi hàng loạt cần cẩu lô nhô xé toạc màn sương và những tiếng máy móc ầm ĩ, tiếng xe cộ huyên náo.
Ô nhiễm môi trường sinh thái nhân danh phát triển du lịch ấy là câu chuyện không chỉ của riêng thị trấn nhỏ Sa Pa. Sa Pa chỉ là một trong những dẫn chứng điển hình nhất cho nhiều điểm du lịch “nên đến trước khi chết” ở Việt Nam như Mù Cang Chải, Sơn Đoòng, Cát Bà, Phú Quốc...
Hiểm họa về môi trường trở thành đề tài bàn luận sôi nổi tại các cuộc hội thảo quốc tế về phê bình sinh thái trong văn học Việt Nam. Câu hỏi lớn được nhiều diễn giả đặt ra là vì sao những thảm họa môi trường ở Việt Nam đang ngày càng đe dọa cấp thiết đến sự sống, nhưng lại ít xuất hiện trong văn học đương đại? Và tại hội thảo, TS. Hoàng Tố Mai (Viện Văn học) mạnh mẽ cảnh báo: Ô nhiễm môi trường không còn là những câu chuyện xa lạ trên báo đài, mà là sinh mệnh của mỗi người.
Nếu người dân thành phố hằng ngày đang phải đối mặt với khói bụi, kẹt xe, ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng... thì người dân miền núi luôn mang nỗi lo thường trực những cơn lũ cuốn đi tất cả, như câu nói “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”.
Hãy nói, viết, phản ánh nhiều hơn về môi trường, kể cả sự cố, thảm họa. Đọc, xem, nghe có thể sẽ xót, đau, tổn thương, nhưng đó chính là những lời cảnh báo nghiêm khắc nhất để ngay cả những người thờ ơ, những kẻ cố tình giết môi trường cũng phải ngộ ra rằng cứ làm thế là giết chính mình, giết đồng loại.
Hollywood đã làm nhiều bộ phim lấy đề tài là thảm họa môi trường, đó là những cơn đại hồng thủy cuốn trôi tất cả, một trái đất không còn màu xanh, mà chỉ còn màu vàng của hoang mạc - của sự lụi tàn... Những điều đó không hẳn là hoang tưởng, mà đã đến rất gần dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Hãy viết, nói, phản ánh tích cực hơn về thảm họa môi trường, đó chính là mở ra con đường sống tốt hơn cho mỗi người chúng ta.
Hãy “sống hài hòa với thiên nhiên”
Dự án “Ngôi trường xanh”của đất nước Bhutan được phát triển nhằm giới thiệu mô hình sống hạnh phúc mang tính cách mạng cho thế hệ trẻ tại quốc gia này. Trường tiểu học Jigme Losel ở Thủ đô Thimphu của Bhutan tràn ngập màu xanh. Cây xanh bao phủ hầu hết các bề mặt, xếp trên bậc, kệ và cả trên tường. Trên bức tường phía sau vườn rau của trường là dòng chữ viết tay: “Hãy để thiên nhiên làm thầy của bạn”.
Cô Choki Dukpa - Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2005 cho biết: “Đây là khẩu hiệu không chính thức của trường chúng tôi bởi chúng tôi đều mong muốn học sinh được sống trong thiên nhiên ở mọi nơi. Đất nước chúng tôi địa hình chủ yếu là đồi núi, nhưng ở thành phố, trẻ em có thể cảm thấy thiếu sự kết nối với thiên nhiên, đó là cách chúng tôi mang thiên nhiên về với môi trường học đường”.
Trong vòng 3 năm qua, cô Dukpa đã đưa chủ đề môi trường vào làm trọng tâm trong giáo trình của tất cả các môn học và hoạt động của nhà trường. Cô chia sẻ: “Tính bền vững của môi trường và thiên nhiên đã trở thành tâm điểm của phương pháp giảng dạy của nhà trường”.
Cần phải hiểu rằng, bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn, không phải thuộc trách nhiệm của bất kỳ đất nước, cơ quan tổ chức hay cá nhân riêng biệt, không phân biệt già trẻ, lớn bé, sang hèn. Nó là trách nhiệm, bổn phận của tất cả sinh vật đang sống và tồn tại trên hành tinh xanh này.
Dù nền văn minh có hiện đại hay cuộc sống giàu sang tiện nghi nhưng tất cả sẽ chấm hết nếu trái đất không còn. Ta hãy thức tỉnh trước khi quá muộn. Bảo vệ môi trường sống, đồng nghĩa với việc bảo vệ sự sống của chính mình, cho những thế hệ mai sau
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.