Bất cập dự án nâng cấp, xây dựng tuyến đường Sông Nhạn - Dầu Giây

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Ý kiến 22/11/2018 06:26

Việc 2,1km qua địa bàn huyện Thống Nhất chưa được đầu tư sẽ khiến tuyến đường Sông Nhạn-Dầu Giây khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ không mang lại hiệu quả.

h1
 
h2
Bất cập ở dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường sông Nhạn - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai.

Cầu Sông Nhạn xuống cấp nghiêm trọng

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường sông Nhạn – Dầu Giây (đoạn từ Hương lộ 10 huyện Cẩm Mỹ đến tỉnh lộ 769) đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt từ năm 2006 nhằm nâng cấp hệ thống giao thông, phục vụ tốt hơn việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Dự án do Ban Quản lý dự án tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư đang tiến hành triển khai thực hiện với chiều dài toàn tuyến 12.433,81m có kết cấu nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m bằng bê tông nhựa, tải trọng xe 10 tấn/trục, vận tốc 60km/h.

Trong văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Qua kiểm tra thực tế hiện nay đường Dầu Giây - Sông Nhạn (đoạn đi qua huyện Thống Nhất) đã xuống cấp và hư hỏng nặng, trong đó cầu Sông Nhạn là cầu dầm thép được xây dựng trước năm 2000 không đồng bộ với kết cấu tải trọng thiết kế tuyến đường Sông Nhạn - Dầu Giây đang thi công xây dựng. Để dự án đầu tư xây dựng mới tuyến đường Sông Nhạn - Dầu Giây sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng khai thác đồng bộ có hiệu quả. UBND huyện Thống Nhất kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận tiến hành nâng cấp, đầu tư xây dựng 2,1km bằng nguồn ngân sách. Đồng thời để thuận tiện trong quá trình quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng tuyến đường UBND tỉnh xem xét điều chỉnh giao tuyến đường cho tỉnh quản lý”. 

h3
 

 

h4
Cầu Sông Nhạn xuống cấp bị hạn chế tải trọng nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Có mặt tại tuyến đường Sông Nhạn - Dầu Giây PV ghi nhận hiện nay đơn vị thi công vẫn đảm bảo được máy móc, nhân lực đẩy nhanh triển khai tiến độ tại những khu vực đã được bàn giao mặt bằng. Đoạn đường 2,1km qua địa bàn huyện Thống Nhất phương tiện qua lại vắng vẻ vì do cầu Sông Nhạn bị hạn chế tải trọng 10 tấn, chủ yếu chỉ phương tiện xe máy lưu thông qua khu vực. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bá Lộc (đơn vị thi công dự án) cho biết: “Dự án Sông Nhạn - Dầu Giây triển khai thi công từ cuối năm 2017 tiến độ là 300 ngày, đến nay bị chậm tiến độ do việc vận chuyển vật tư từ đường 769 đi qua cầu Sông Nhạn bị hạn chế tải trọng (cầu chỉ cho chạy 10 tấn) nên chúng tôi chỉ đưa xe nhỏ vào chở vật liệu. Ngoài ra công tác giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa xong. Hiện chúng tôi vẫn đang triển khai đảm bảo thiết bị máy móc, nhân công triển khai thi công những đoạn đã có mặt bằng sạch. Rất mong các cơ quan chức năng sớm bàn giao mặt bằng để chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thi công đưa dự án vào khai thác”.

Lý giải về việc công tác giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa xong, ông Nguyễn Linh, Trưởng phòng giao thông (Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Hiện công tác giải phóng mặt bằng cây cao su vẫn còn 40% trên tổng chiều dài toàn tuyến dự án và khoảng 20 hộ dân ở huyện Cẩm Mỹ đang chờ tiền bồi thường. Chúng tôi đang cố gắng tích cực làm việc với Tổng công ty cao su Đồng Nai và huyện Cẩm Mỹ sớm bàn giao mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công. Hiện dự án đã chậm tiến độ và chúng tôi đã gia hạn đến 31/12/2018".

Ban cũng đi kiểm tra hiện trường về bất cập 2,1km qua địa bàn huyện Thống Nhất và đang chờ UBND tỉnh chấp thuận bổ sung đầu tư thì chúng tôi sẽ bắt tay vào triển khai ngay. Dự kiến cả đầu tư nâng cấp cầu Sông Nhạn và 2,1km đường khoảng 20 tỷ đồng. Khi toàn tuyến Sông Nhạn – Dầu Giây đưa vào khai thác đồng bộ về tải trọng sẽ chia bớt gánh nặng giao thông cho QL56, đường 769, cao tốc Long Thành... ông Linh cho biết thêm.

h5
 
h6
 Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường sông Nhạn – Dầu Giây đang bị chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng chưa xong và bị hạn chế tải trọng trong việc tập kết vật liệu xây dựng thi công.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1973 ở xã Bầu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Từ khi cầu Sông Nhạn bị hạn chế tải trọng các phương tiện không lưu thông được khiến việc kinh doanh của người dân bị ế ẩm, xe chở vật liệu cát, đá cho dân xây nhà quá tải trọng cầu 10 tấn cũng bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Khi dự án Sông Nhạn - Dầu Giây triển khai người dân chúng tôi rất mừng vì nghĩ toàn tuyến sẽ được đầu tư, ngờ đâu 2,1km vẫn bị bỏ ngỏ xem như dự án cũng không có tác dụng vì cầu Sông Nhạn chưa được đầu tư nâng cấp, xe trọng tải trên 10 tấn không được lưu thông thì làm sao phát triển kinh tế”.

Trọng tải không đồng bộ, khai thác sẽ kém hiệu quả

Trao đổi về bất cập của dự án, ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng mới tuyến đường sông Nhạn - Dầu Giây (đoạn từ Hương lộ 10 huyện Cẩm Mỹ đến tỉnh lộ 769) đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2006. Khi đó đoạn 2,1km qua địa bàn huyện Thống Nhất vẫn khai thác tốt nên không đưa vào kế hoạch. Đến nay qua thời gian dài cầu Sông Nhạn xuống cấp nên địa phương đã hạn chế tải trọng (cho phép lưu thông còn 10 tấn) và phát sinh bất cập. Đúng là việc 2,1km chưa được đầu tư thì dự án 12.433,81m hoàn thành đưa vào sử dụng cũng sẽ không phát huy được hiệu quả bởi chưa đồng bộ được tải trọng toàn tuyến”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nâng cấp đầu tư tuyến đường Sông Nhạn – Dầu Giây (đoạn qua địa bàn huyện Thống Nhất) Sở GTVT chủ trì làm việc với các sở, ngành và đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh xem xét đầu tư bổ sung 2,1km còn lại và đang chờ UBND tỉnh quyết định đầu tư bổ sung để sớm triển khai cho đồng bộ toàn tuyến, ông Thành cho biết thêm.

IMG_7207
Việc 2,1km qua địa bàn huyện Thống Nhất chưa được đầu tư sẽ khiến tuyến đường Sông Nhạn - Dầu Giây khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

Người dân cho rằng UBND tỉnh Đồng Nai cần sớm phê duyệt đầu tư nâng cấp, xây dựng 2,1km còn lại để tuyến đường Sông Nhạn - Dầu Giây hoàn thành đưa vào khai thác để đồng bộ tải trọng và khai thác có hiệu quả kinh tế.

Ý kiến của bạn

Bình luận