Tại TP.HCM, vài năm trở lại đây rộ lên phong trào chơi du thuyền. Tuy nhiên thực tế thành phố chưa quy hoạch được nơi neo đậu cho loại phương tiện này. Trong khi chờ quy hoạch, TP.HCM giải quyết cho hàng chục du thuyền neo đậu dưới hình thức sử dụng vùng nước tiếp giáp bờ sông để lắp đặt cấu trúc nổi (phao nổi), liên kết với bờ bằng cầu dẫn đi bộ để neo đậu phương tiện, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, phòng chống cháy nổ...
Tiềm năng rất lớn nhưng thiếu bến neo đậu
Nhập chiếc du thuyền G.L420 từ Ba Lan về Việt Nam từ cuối năm 2020 song Công ty TNHH P.N (có trụ sở tại quận Gò Vấp, TP.HCM) chưa kịp đưa vào khai thác thì dịch Covid-19 bùng phát.
“Chỉ đến đầu tháng 10/2021, khi TP.HCM dần mở cửa trở lại sau dịch, một số nhóm khách thượng lưu mới tìm đến dịch vụ du thuyền để trải nghiệm cảm giác giải trí xa xỉ, mới lạ trên sông nước”, người đại diện Công ty P.N chia sẻ.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề khiến một số đơn vị kinh doanh du thuyền như Công ty P.N đang gặp phải là thiếu bến neo đậu.
“Hiện công ty có 2 chiếc du thuyền nhưng đều phải thuê bến đậu mà chưa thể tự đầu tư xây dựng bến riêng. Nhận thấy nhu cầu và tiềm năng phát triển của dịch vụ này, trong định hướng của công ty thời gian tới là tiếp tục nhập thêm một số du thuyền nữa, tuy nhiên một trong những trở ngại lớn nhất là không có bến neo đậu”, người này cho hay.
Được biết, hiện chi phí bến bãi cho 2 chiếc du thuyền của Công ty P.N vào khoảng 60 – 70 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể chi phí trả lương cho 1 thuyền trưởng (từ 20-30 triệu/tháng), thuyền phó (15 – 20 triệu đồng/tháng) và thủy thủ (từ 12 – 15 triệu đồng/tháng).
Ông Cao Ngọc Duy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Dương (chủ một bến thủy trên sông Sài Gòn, TP.Thủ Đức) chia sẻ: “Tiềm năng hoạt động du thuyền tại TP.HCM rất lớn, trong khi thực tế không có đủ bến để các du thuyền neo đậu nên dịch vụ này chưa thể đầu tư phát triển. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần rà soát lại các bến, nếu đáp ứng yêu cầu thì sớm cấp phép lâu dài để cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển”.
“Hiện tại, Sở GTVT TP.HCM đang gia hạn từng năm một nên không ai dám đầu tư xây dựng bến neo đậu. Công ty chúng tôi có dự định sẽ đầu tư làm một bến du thuyền có thể nâng hạ du thuyền lên xuống, phục vụ cho việc kiểm định thuận tiện, an toàn. Vì vậy rất mong các cơ quan chức năng nên đưa ra những tiêu chí, quy định để được cấp phép bến neo đậu lâu dài để các doanh nghiệp chấp hành thực hiện”, ông Duy cho biết thêm.
Chưa có quy hoạch bến du thuyền
Ngày 30/11/2021, Sở GTVT TP.HCM có Công văn số 12793 gửi UBND thành phố, kiến nghị giải quyết nhu cầu thực tiễn phát sinh về sử dụng phạm vi vùng nước ven bờ trên đường thuỷ nội địa để neo đậu phương tiện trên đường thuỷ nội địa phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường thuỷ của tổ chức, cá nhân (hộ gia đình) trên địa bàn.
Theo công văn này, tổng số du thuyền của hộ gia đình, cá nhân được đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố là 50 chiếc. Ngoài ra còn có 390 ca nô (có sức chở dưới 12 người) của hộ gia đình, cá nhân (chưa tính của cơ quan, đơn vị). Chính vì vậy, nhu cầu neo đậu những loại phương tiện này trên đường thuỷ thuộc địa bàn TP.HCM rất lớn.
Điều đáng nói, theo Nghị định 08/2021 quy định về quản lý hoạt động ĐTNĐ, “khu neo đậu phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch”. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay trên địa bàn TP.HCM chưa có quy hoạch khu neo đậu trong quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ và quy hoạch khác có liên quan. Do đó, chưa có cơ sở xem xét chấp thuận cho tổ chức, cá nhân (hộ gia đình) được phép neo đậu phương tiện thuỷ nội địa phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch bằng đường thuỷ. Như vậy đến thời điểm này việc lưu hành và hoạt động của các phương tiện được gọi là du thuyền đều là bất hợp pháp.
Để giải quyết nhu cầu thực tế, ngành chức năng TP.HCM đang cho phép hàng chục du thuyền của hộ gia đình, cá nhân được neo đậu dưới hình thức sử dụng vùng nước tiếp giáp bờ sông để lắp đặt cấu trúc nổi (phao nổi), liên kết với bờ bằng cầu dẫn đi bộ để neo đậu phương tiện. Phạm vi neo đậu là trên vùng nước nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ, tiếp giáp bờ sông.
-Tại Hạ Long (Quảng Ninh), Sun Group cũng đã có kế hoạch xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp bến du thuyền. Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, hiện tại khu du lịch nghỉ dưỡng đã dần hình hài, tuy nhiên hạng mục bến du thuyền còn khá trầm lắng.
Cùng với việc đưa ra giải pháp tình thế, Sở GTVT cũng trình UBND thành phố kiến nghị Bộ GTVT: sớm rà soát trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 08/2021 để phù hợp điều kiện thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển, trong đó có điều chỉnh việc thiết lập khu neo đậu không thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 08/2021 (khu neo đậu phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan).
Trong thời gian chờ Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 08, kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng cho phép TP.HCM được thí điểm giải quyết nhu cầu xây dựng khu neo đậu phương tiện thuỷ trên một số đoạn sông cụ thể trên cơ sở tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ, đê điều, an toàn các công trình chỉnh trị, bảo vệ bờ.
Tuyến sông thí điểm là sông Sài Gòn và một số tuyến sông, kênh trong khu vực nội thành TP.HCM. Phạm vi áp dụng là trên vùng nước nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ, tiếp giáp bờ sông. Ngoài ra, không xây dựng các công trình phụ trợ khác (nhà chờ, nhà vệ sinh, kho bãi) trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh rạch. Cấu trúc nổi để neo giữ phương tiện là phao nổi bằng thép kết nối với bờ bằng cầu dẫn đi bộ.
Thời gian thí điểm: năm 2022 – 2023; chỉ thiết lập khu neo đậu để neo, giữ phương tiện thuỷ có sức chở đến 12 người hoặc phương tiện có động cơ, tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa.
Mới đây nhất, ngày 22/04/2022, tại văn bản số 3805 về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021, Sở GTVT TP.HCM vẫn cơ bản bảo lưu các đề xuất về khu neo đậu, vùng nước neo đậu phương tiện thuỷ của tổ chức, cá nhân không hoạt động kinh doanh. Đồng thời, không quy định “khu neo đậu phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch khác có liên quan”.
Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị bổ sung 2 khoản vào Điều 14 Nghị định số 08/2021, trong đó có nội dung: “UBND cấp tỉnh thoả thuận vị trí vùng nước neo đậu, khu neo đậu phương tiện thuỷ (vùng nước gần bờ, nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ và hàng hải, không thuộc các quy hoạch có liên quan) để neo đậu phương tiện của tổ chức, cá nhân phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường thuỷ thuộc địa giới hành chính địa phương”.
-Trong năm 2022, Sở GTVT TP.HCM đã cấp phép lại cho một số bến thuỷ nội địa (bến du thuyền) hoạt động đưa rước khách nội bộ như: bến Lan Anh (P.An Khánh, TP.Thủ Đức); bến Vinhomes Central Park (P.22, Q.Bình Thạnh); bến Bình Khánh – Thế kỷ 21 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức), bến Cao Dương 2 (P.Bình An, TP.Thủ Đức), bến Riverside (P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức)…
Trong quyết định cấp giấy phép, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu chủ các bến du thuyền phải thực hiện đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 66 Nghị định 08/2021 về quản lý hoạt động đường thuỷ nội địa và các nghĩa vụ quy định khác của pháp luật có liên quan; Bảo đảm vệ sinh môi trường, điều kiện an toàn kết cấu bến thuỷ nội địa, ATGT đường thuỷ - đường bộ khu vực bến như đã cam kết trong quá trình hoạt động; có trách nhiệm tự tháo dỡ, thanh thải trả lại nguyên trạng, không đòi bồi thường đối với các hạng mục xây dựng liên quan đến hoạt động bến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu để thực hiện quy hoạch xây dựng.
Kỳ 3: Khách thượng lưu phải đặt cược mạng sống vào du thuyền
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.