Bất cập hoạt động du thuyền ở Việt Nam

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 04/07/2022 14:23

Du nhập vào Việt Nam vài năm trở lại đây và hiện khá phổ biến nhưng loại phương tiện giao thông kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí này đang phát sinh rất nhiều bất cập trong hoạt động kinh doanh dịch vụ và đảm bảo trật tự ATGT.


 

Hình ảnh du thuyền trên vịnh Hạ Long được một đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng để thu hút khách

Hình ảnh du thuyền trên vịnh Hạ Long được một đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng để thu hút khách

 Kỳ 1:

Du thuyền – loại phương tiện “vô danh”?

Tiện nghi hiện đại, cung cấp dịch vụ giải trí cao cấp nhưng hiện du thuyền không được xác nhận danh tính và vẫn được xếp chung quản lý như tàu thuyền thông thường về các điều kiện lưu hành.

 “Nhập nhằng” tên gọi

Ambassador, Pelican, Stellar, Apricot Premium… Đó là những cái tên rất kêu, rất Tây được đặt rồi “thổi” quảng cáo thành du thuyền đẳng cấp quốc tế tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là những tàu khách, tàu thủy lưu trú phục vụ du lịch ngủ đêm trên vịnh.

Trên sông Hồng, một phương tiện cũng được gọi với một cái tên rất kêu là “Jade of River” và được quảng cáo là “du thuyền sông Hồng sang trọng đầu tiên tại Hà Nội”. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là cấp phương tiện VR-SI với công dụng “Nhà hàng nổi”. Chủ phương tiện này là Chi nhánh Công ty CP Vận tải và du lịch An Thịnh Phát (địa chỉ tại số 231 đường Núi Ngọc, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng).

Phương tiện mang tên “Jade of River” và được quảng cáo là “du thuyền sông Hồng sang trọng đầu tiên tại Hà Nội”

Phương tiện mang tên “Jade of River” và được quảng cáo là “du thuyền sông Hồng sang trọng đầu tiên tại Hà Nội”

Một góc trên

Một góc trên "du thuyền" Jade of River

Không khó để nhận ra rằng, chủ nhân của những phương tiện kể trên muốn đặt những cái tên mỹ miều, sang chảnh để hấp dẫn du khách. Thậm chí hàng loạt các dự án bất động sản, dự án resort nghỉ dưỡng gần đây còn lấy du thuyền làm tiêu chí đẳng cấp của dự án mời gọi nhà đầu tư nhằm đánh trúng tâm lý thích chơi sang, trải nghiệm, check-in trên những “du thuyền” sang trọng như ở nước ngoài hay trên phim ảnh.

Trong khi đó, bỏ ra đến 1 triệu USD để nhập chiếc du thuyền G.L420 từ Ba Lan về song Công ty TNHH P.N (có trụ sở tại quận Gò Vấp, TP.HCM) chỉ có thể đăng ký phương tiện dưới cái tên “tàu cao tốc chở người”, với sức chở đến 9 người và có vùng hoạt động trên sông và ven biển (SB).

Công ty này còn có một du thuyền G.L640 (loại du thuyền 1 thân) trị giá 4 triệu USD, cũng nhập từ Ba Lan với giá thuê theo giờ lên đến hàng nghìn USD, tuy nhiên chủ nhân của nó cho biết cũng đành phải ngậm ngùi với định danh “tàu cao tốc chở người” như đàn em của nó và không tiết lộ quá nhiều về quá trình đăng ký, đăng kiểm.

Trong Luật Giao thông Đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải VN hiện nay không có khái niệm cũng như giải thích từ ngữ “du thuyền” và chưa có quy định cụ thể về quản lý du thuyền. Do vậy, loại phương tiện này nằm trong giải thích từ ngữ chung là “tàu biển” (nếu đăng ký hoạt động trên biển) hay phương tiện thủy nội địa (nếu đăng ký hoạt động trên đường thủy nội địa). Việc đặt tên hay gọi tên du thuyền thực tế chẳng qua là tự phát và ngộ nhận.

Có thể nói, tại Việt Nam, tất cả các phương tiện được chủ nhân gọi là du thuyền có hay không tham gia hoạt động thương mại đều được quản lý như tàu thuyền thông thường về điều kiện kinh doanh, đăng ký, định biên an toàn tối thiểu, bằng cấp chuyên môn của thuyền viên.

 Bất cập quy định đăng hoạt động, đăng kiểm

Tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/06/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, ở phần giải thích từ ngữ (khoản 1, Điều 3) có nêu: “Phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 05 người và hoạt động trong vùng hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố”.

Trong khi đó, tại Điều 5 nghị định này quy định 2 vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước, gồm vùng 1 (vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải) và vùng 2 (là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu).

Như vậy, theo quy định của Nghị định số 48/2019, sức chở của du thuyền không quá 05 người, trong khi thực tế có nhiều phương tiện gọi là du thuyền có sức chở lớn hơn.

Một trong những hình ảnh quảng bá cho dịch vụ du thuyền trên vịnh Hạ Long

Một trong những hình ảnh quảng bá cho dịch vụ du thuyền trên vịnh Hạ Long

Ngoài ra, vùng hoạt động phương tiện được gọi là du thuyền quy định quá hẹp (vùng 1 và vùng 2), trong khi thực tế các du thuyền loại lớn có khả năng hoạt động trên khắp các vùng biển, bao gồm cả vùng biển quốc tế.

Cùng đó, nghị định cũng không có quy định riêng cho phương tiện có tham gia hoạt động thương mại và không tham gia hoạt động thương mại. Thực tế, một số tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đã nhập khẩu các du thuyền từ nước ngoài thuộc loại không tham gia hoạt động thương mại vào Việt Nam để đăng ký hoạt động (bao gồm cả hoạt động thương mại) nên gặp phải những vướng mắc trong đăng ký, đăng kiểm và hoạt động.

Trước đó, ngay từ năm 2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã biên soạn và Bộ KH&CN thẩm định, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Thông tư số 82 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng du thuyền (QCVN 81: 2014/BGTVT, gọi tắt là Quy chuẩn 81).

Một số du thuyền neo đậu tại cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (ảnh chụp tháng 5/2022)

Một số du thuyền neo đậu tại cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (ảnh chụp tháng 5/2022)

Đóng chân trên địa bàn Quảng Ninh, nơi có di sản vịnh Hạ Long với những phương tiện được quảng cáo là du thuyền nhưng trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục đăng kiểm số 15 cho hay, đến thời điểm này chưa cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho một phương tiện nào (gọi là du thuyền) theo Quy chuẩn 81 mà đều theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72: 2013/BGTVT, gọi tắt là Quy phạm 72).

“Cũng có một vài trường hợp khi nhập du thuyền về, họ nộp đơn xin được kiểm tra an toàn và chúng tôi tiếp nhận, mở sổ đăng kiểm (rà soát hồ sơ, kiểm tra thực tế) nhưng hầu hết số phương tiện đó đều bị “treo”. Họ cũng thôi không làm thủ tục nữa và đưa phương tiện đi đâu không rõ. Thực tế, chúng tôi cũng chưa nhìn thấy những du thuyền đó mà mới chỉ rà soát trên hồ sơ”, ông Đức cho hay.

Theo lý giải của ông Đức, khi du thuyền nhập về Việt Nam, doanh nghiệp hoặc cá nhân phải nộp hồ sơ gốc, đơn vị đăng kiểm sẽ xem xét. Căn cứ theo Quy chuẩn 81 hay Quy phạm 72, hồ sơ được trình lên Cục Đăng kiểm VN để rà soát, xem so với Quy chuẩn 81 hay Quy phạm 72 còn thiếu những gì phải trình bổ sung. Nếu không đủ theo quy định sẽ mời đơn vị thiết kế phương tiện thuỷ nội địa lập hồ sơ, gửi cơ quan đăng kiểm xét duyệt, thẩm định thiết kế và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm theo Quy chuẩn 81 hoặc Quy phạm 72 tương ứng. Sau đó cấp đăng ký hành chính, xin bến đỗ cảng vụ hàng hải hay đường thuỷ, vùng hoạt động...

“Ngay cả những phương tiện ở bến cảng tàu khách Tuần Châu hay cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cũng không gọi là du thuyền mà là tàu du lịch, tàu cao tốc, tàu khách”, ông Đức nói và cho rằng, phương tiện có thể mang tên nước ngoài để hút khách hay gọi tên là du thuyền nhưng công dụng là tàu khách, tàu du lịch, tàu du lịch lưu trú ngủ đêm. Một phần cũng vì việc đăng kiểm, đăng ký dễ dàng hơn thay vì áp dụng theo Quy chuẩn 81 dành cho du thuyền.

Paradise Delight được quảng cáo là du thuyền hiện đại, đẳng cấp 5 sao (ảnh chụp tháng 5/2022 tại khu vực cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu)

Paradise Delight được quảng cáo là du thuyền hiện đại, đẳng cấp 5 sao (ảnh chụp tháng 5/2022 tại khu vực cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu)

Trong khi đó, ông Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng phòng Pháp chế, Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh thông tin, đã là phương tiện phục vụ vui chơi giải trí, ngoài những quy định về người điều khiển và phương tiện (chứng chỉ, đăng ký, đăng kiểm…), điều quan trọng là có khu vực hoạt động. “Hiện nay, vùng hoạt động cho du thuyền ở Quảng Ninh vẫn chưa được quy hoạch thì sao được phép hoạt động”, ông Hùng nói.

“Có thể ở Quảng Ninh hiện nay có những doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu (sử dụng du thuyền cho mục đích đối ngoại, vui chơi…) nhưng họ cũng đang loay hoay chưa biết làm thế nào, bởi muốn muốn đưa phương tiện vào hoạt động phải tuân thủ theo Nghị định 48. Mà muốn xin vùng hoạt động, tỉnh phải giao các sở, ban ngành khảo sát, nghiên cứu, có phương án, đề án tổ chức hoạt động, phương án đảm bảo an toàn. Còn đưa vào kinh doanh thì phải coi hoạt động này như một mô hình kinh tế để quản lý. Chưa kể, khi hoạt động trên vịnh di sản còn phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý về văn hóa, du lịch…”, ông Hùng cho hay. 

Trên thế giới, nhiều quốc gia quy định: du thuyền (pleasure yatch) là tàu thuyền chỉ được sử dụng cho mục đích thể thao hoặc vui chơi giải trí. 

 

Tại một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Liên bang Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Singapore, Australia,… đều phân chia du thuyền thành 2 loại: Loại có tham gia hoạt động thương mại được quản lý như các tàu thương mại thông thường; Loại không tham gia hoạt động thương mại được quản lý theo quy định riêng với các quy định về đăng ký, định biên an toàn tối thiểu, bằng cấp chuyên môn của thuyền viên, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật (ổn định, mạn khô, sức bền, cấu trúc, máy, cứu sinh, chữa cháy,…) được giảm rất nhiều so với du thuyền có tham gia hoạt động thương mại.

 Kỳ 2: Chưa có quy hoạch bến, thiếu nơi neo đậu hợp pháp cho du thuyền

Ý kiến của bạn

Bình luận