Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đường sắt, Luật Đường sắt 2017 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018) quy định cơ chế, chính sách ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) chưa được hưởng ưu đãi, dẫn đến VNR nợ phát sinh hơn 500 tỷ đồng.
Ít doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế, đất theo Luật Đường sắt
Luật Đường sắt 2017 và văn bản hướng dẫn có những quy định tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, doanh nghiệp đường sắt phát triển, trong đó có quy định ưu đãi về thuế. Chẳng hạn, trong biểu thuế xuất nhập khẩu ban hành hằng năm đến nay đều quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi bằng "0" đối với các hàng hoá: đầu máy, các phương tiện di chuyển trên đường sắt...
Tuy vậy, theo bà Đỗ Hồng Châu, Trưởng ban Kiểm tra – Kiểm toán của VNR, đầu máy, toa xe không được nằm trong danh mục là sản phẩm cơ khí trọng điểm (ban hành theo Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ) nên không được hưởng các ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu), không được hưởng các biện pháp hỗ trợ đầu tư và kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về đất sản xuất, theo Cục Đường sắt VN, Luật Đường sắt 2017 đã quy định cơ chế, chính sách ưu đãi về đất để phát triển doanh nghiệp như: "Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt; được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế... (Điều 6). Đến nay, một số doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ chính sách về miễn tiền thuê đất (Công ty CP xe lửa Dĩ An, Công ty than Núi Hồng...) hoặc một số doanh nghiệp (Công ty Tuyển than Cửa Ông, Công ty Kho vận Đá Bạc) đang làm việc với cơ quan thuế của địa phương để được hưởng chính sách trên.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đề nghị địa phương áp dụng cơ chế ưu đãi về đất, thậm chí do không được hưởng ưu đãi nên dẫn đến phát sinh nợ ngân sách số tiền lớn. Điển hình, VNR cho biết, đến nay một số cơ sở nhà, đất của VNR chưa được phân khai theo đúng mục đích, diện tích sử dụng thực tế hoặc đã hết thời gian thuê đất nhưng chưa được gia hạn thời gian thuê đất.
Các địa phương chưa thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt, giải quyết thủ tục đất đai, không thu tiền hoặc miễn tiền thuê sử dụng đất đối với diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng và công trình công nghiệp đường sắt theo quy định tại Điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt 2017. Việc này làm phát sinh tiền thuê đất hàng năm và phạt chậm nộp lên đến hàng trăm tỷ đồng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh và đầu tư của công ty mẹ (VNR) cũng như các đơn vị trực thuộc VNR.
"Điển hình, cơ sở nhà, đất tại khu đất số 551 Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) là Nhà máy sửa chữa, đóng mới các loại toa xe khách, toa xe hàng, chế tạo các sản phẩm cấu kiện, lắp ráp các loại đầu máy, đã được định hướng phát triển thành cơ sở công nghiệp theo Hồ sơ hoàn thiện của Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050" nhưng bị tính tiền thuê đất theo mục đích kinh doanh thương mại theo quyết định cho thuê đất của UBND TP. Hà Nội nên tiền nợ thuế và phạt chậm nộp hiện nay đã hơn 500 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Đề án tái cơ cấu và để phục vụ cho việc vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ thành lập "Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng và phát triển Đường sắt VN" và dự kiến sẽ phát triển tại khu đất số 551 Nguyễn Văn Cừ thành một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đường sắt tại khu vực phía Bắc cũng như trên cả nước, là nơi xây dựng các khu nghiên cứu, thử nghiệm cho đường sắt tốc độ cao", báo cáo của VNR trong tháng 1/2024.
Do đó, VNR kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua, để thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt, giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuê đất tại các đơn vị phù hợp với Điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt 2017.
Bố trí vốn phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thấp
VNR hiện đang được Nhà nước giao quản lý hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km, 297 khu ga và tiếp nhận mới 6 khu ga (gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam), gồm 5 tuyến chính và hệ thống cầu, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt.
Theo VNR, các tuyến đường sắt quốc gia đã được xây dựng, đưa vào sử dụng từ 50 đến trên 140 năm, là đường đơn với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, hạ tầng tuyến chưa đồng bộ nên hạn chế tốc độ chạy tàu, năng lực tàu thông qua thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Vài thập niên qua, nguồn vốn đầu tư cho hệ thống mới mới chỉ đạt ở mức duy trì trạng thái kỹ thuật, còn chưa được đầu tư đúng mức để nâng cấp, cải tạo so với lĩnh vực vận tải khác.
Tín hiệu vui là hơn 1 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đặc biệt tuyến Bắc – Nam được cải thiện đáng kể nhờ dự án gói 7.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách để đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam (triển khai năm 2020, hoàn thành năm 2022) và hiện đang triển khai thêm gói đầu tư 3.000 tỷ đồng. "Cú hích" trên giúp nâng tốc độ chạy tàu, năng lực tàu thông qua so với trước (23 - 25 đôi tàu/ngày đêm, tốc độ tàu khách 80 km/h, tàu hàng 50 km/h), giúp cải thiện vai trò, khả năng vận chuyển của đường sắt quốc gia và góp phần mang lại kết quả sản xuất kinh doanh vận tải có lãi cho VNR.
Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, Luật Đường sắt 2017 đã có những quy định về chính sách phát triển đường sắt như: ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống vận tải cả nước; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để đầu tư, kinh doanh đường sắt; ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước... Tuy vậy, thực tế bố trí nguồn vốn ngân sách vẫn ở mức thấp, các nguồn vốn khác cũng ở mức khiêm tốn.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, tổng thể nguồn vốn dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được bố trí qua Bộ GTVT là 15.467 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,73% tổng nguồn vốn), thấp hơn giai đoạn 2016 – 2020 (18.657 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,19%). Về nguồn vốn sự nghiệp kinh tế dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021 – 2023 là 9.272 tỷ đồng (năm 2023 cao nhất là 3.450 tỷ đồng), mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu bảo trì theo định mức.
Về các nguồn vốn khác, theo Bộ GTVT, nguồn vốn ODA trong giai đoạn 5 năm gần đây là 10.641 tỷ đồng (đã hoàn thành đầu tư 6 dự án: Thông tin tín hiệu; Nâng cấp đường sắt Yên Viên – Lào Cai; Nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội – TP. HCM; Hiện đại trung tâm điều hành vận tải OCC) và 3.940 tỷ đồng (đang triển khai dự án đèo Khe Nét, Cải tạo khu gian Hòa Duyệt – Thanh Luyện).
Về huy động vốn xã hội hóa, chủ yếu từ phía Tổng công ty Đường sắt VN với 1.989,8 tỷ đồng (giai đoạn 2016 – 2020) dùng đầu tư phương tiện, thiết bị vận tải; cùng hơn 43 tỷ đồng đầu tư ga Yên Viên, Đông Anh; 1.302 tỷ đồng đầu tư nâng cấp cầu đường sắt Bình Lợi (TP. HCM, nhưng gặp nhiều vướng mắc).
"Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt được cụ thể hóa trong các chiến lược, quy hoạch rất lớn, nhưng thực tế khả năng cân đối bố trí từ ngân sách nhà nước rất thấp. Các cơ chế ưu đãi để huy động vốn đã được luật hóa tại Luật Đường sắt 2017 nhưng thực tế không triển khai được", theo đánh giả của Cục Đường sắt VN.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.