Đề xuất nhiều nội dung mới trong Luật Đường sắt sửa đổi, bổ sung
Theo Bộ GTVT, trong 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017, về cơ bản các quy định của Luật này phù hợp với thực tế trong lĩnh vực đường sắt, tạo sự chuyển biến tích cực cho các hoạt động đường sắt. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường sắt cơ bản đã đầy đủ, hoàn chỉnh. Trong quá trình thực hiện luật, Bộ GTVT đã chú trọng công tác rà soát các tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung ban hành theo thẩm quyền.
Bộ GTVT cũng đã phối hợp tích cực với các bộ, ngành để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên, đến nay xuất hiện một số vấn đề mới phát sinh, một số tồn tại, bất cập. Do đó, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đường sắt nhằm: hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển GTVT đường sắt; cơ chế, chính sách pháp luật về sử dụng đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt; các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để gỡ vướng.
Cụ thể, trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017 và Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) mới đây, Bộ GTVT bên cạnh đề xuất sửa đổi một số quy định nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc cũng đồng thời đề xuất định hướng bổ sung một số nội dung mới để tạo hàng lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển GTVT đường sắt.
Trong đó, về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt: Bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT dành quỹ đất thích đáng tại các khu vực xung quanh ga đường sắt để phát triển đô thị, các khu dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn.
Cho phép sử dụng nguồn thu từ việc khai thác phát triển quỹ đất xung quanh ga được ưu tiên một phần để đầu tư trở lại cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt (địa phương giữ lại 100% đối với đường sắt đô thị; 50% với đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và 50% nộp về ngân sách trung ương để đầu tư trở lại cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia).
Về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt: Bổ sung quy định cơ chế khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định về giao một số hạng mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (khu ga, bãi hàng...) cho doanh nghiệp được giao quản lý tài sản theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước; bổ sung đường bộ kết nối vào ga đường sắt chỉ phục vụ cho hoạt động.
Về hoạt động vận tải đường sắt: Bổ sung quy định khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh; trách nhiệm của các cơ quan trong việc đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện. Bổ sung quy định tiêu chí phân loại ga liên vận quốc tế, thẩm quyền công bố đóng, mở ga liên vận quốc tế.
Về kết nối các phương thức vận tải: Bổ sung quy định cảng hàng không quốc tế có công suất từ 30 triệu hành khách/năm trở lên phải có tuyến đường sắt đô thị kết nối; cảng biển đặc biệt và cảng biển có nhu cầu vận tải lớn tại các tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa bàn phải có kết nối với đường sắt. Quy định đô thị loại I trở lên nếu có đường sắt quốc gia đi qua, ga hành khách phải đặt ở khu vực trung tâm để thuận tiện cho hành khách đi lại, tránh phải trung chuyển.
Về phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt: Bổ sung quy định sản phẩm công nghiệp đường sắt có tính đặc thù như: thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe, vật tư đặc chủng (ray, ghi, phụ kiện) là sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển. Quy định ràng buộc chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt trong nước chưa sản xuất được đối với dự án đầu tư đường sắt.
Bổ sung quy định trong hợp đồng dự án đầu tư xây dựng đường sắt có sử dụng công nghệ mới phải có nội dung về đào tạo vận hành, bảo trì, chuyển giao công nghệ. Bổ sung quy định chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm này được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.
Kiến nghị sửa đổi một số luật về thuế
Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đường sắt và các luật khác, đồng thời để giải quyết những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT cũng đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung một số luật về thuế.
Cụ thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008; Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn. Nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể về việc áp dụng thuế suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt; bổ sung đối tượng là doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt được hưởng ưu đãi về thuế suất để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt.
Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng: bổ sung quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt, nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được; đối tượng được hưởng miễn thuế nhập khẩu là các tổ chức, cá nhân tham gia trong hoạt động đường sắt thực hiện các nội dung nêu trên cho phù hợp với quy định tại điểm d khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt.
"Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Giá trị gia tăng theo hướng: quy định đối tượng được áp dụng mức thuế suất 0% thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được", Bộ GTVT kiến nghị.
Cục Đường sắt VN cho biết, ngày 27/2/2024, Chính phủ đã thông qua Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi). Thực hiện Kết luận tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2024 đối với dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT đã hoàn thiện nội dung và đề xuất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.