Bắt CFO Huawei - đòn xuyên tâm vào 'Made in China' của Trung Quốc

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Chính trị 11/12/2018 05:57

Việc Mỹ muốn gây áp lực với Trung Quốc bằng cách bắt CFO Huawei giống như một con dao hai lưỡi.

photo1544321692226-1544321692414-crop-154432170042
 

    Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính (CFO) của công ty sản xuất linh kiện điện tử viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies, tại Canada diễn ra cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng bữa tối với nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, làm dấy lên nhiều chông gai trước những cuộc đàm phán thương mại.

    “Phía Trung Quốc đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc” đối với cả Canada và Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảng Sảng phát biểu hôm 6/12. Bắc Kinh đã yêu cầu Ottawa và Washington “ngay lập tức công bố lý do bắt người” và phải trả tự do cho bà Mạnh.

    “Theo thông tin tôi được biết, cả hai quốc gia trên vẫn chưa đưa ra công bố chính thức nào về lý do cho việc bắt giữ này”, ông bổ sung.

    Vụ việc này được giới truyền thông Trung Quốc ví như một vụ “bắt cóc”, phá vỡ bầu không khí “xoa dịu” sau bữa ăn tối giữa lãnh đạo hai nước. Lĩnh vực công nghệ cao ngay lập tức trở thành tâm điểm của thỏa thuận “đình chiến thương mại” trong vòng 90 ngày.

    Trong khi những diễn biến khiến Trung Quốc “nóng mắt”, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, John Bolton, hôm 6/12 nói ông “biết trước” vụ bắt bà Mạnh sẽ xảy ra. Ông không biết Tổng thống Trump có được thông báo về sự việc trước khi dùng bữa tối với ông Tập hay không.

    Thủ tướng Canada Justin Trudeau trả lời các phóng viên rằng chính phủ của ông không liên quan đến vụ bắt giữ, qua đó cũng nhấn mạnh sự độc lập về luật pháp.

    “Cơ quan nắm vai trò quyết định trong vụ việc này không hề có quan hệ hoặc can thiệp chính trị nào đối với chúng tôi cả. Chúng tôi chỉ được thông báo trước đó vài ngày rằng họ đang thực thi nhiệm vụ”, ông nói. “Tất nhiên là cũng không có bất cứ cam kết cũng như sự liên quan chính trị từ phía chúng tôi vì chúng tôi tôn trọng sự tự do trong quá trình thực thi pháp luật”.

    Reuters đăng thông tin bà Mạnh bị bắt là một phần trong quá trình điều tra một kế hoạch lợi dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để lách những lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran.

    Với Trung Quốc, vụ việc lần này như "gợi nhớ” ký ức không mấy vui về việc Mỹ áp lệnh trừng phạt lên ZTE hồi tháng 4. ZTE đang phải hứng chịu những lệnh cấm giao dịch với các nhà cung cấp đến từ Mỹ, ngăn cản công ty tiếp cận với nguồn cung cấp chip điện tử cũng như các linh kiện quan trong khác, đẩy công ty đến bờ vực phá sản. Tình hình căng thẳng lắng xuống vào tháng 7 sau một cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập với Tổng thống Trump và một khoản tiền phạt lớn.

    Hệ quả của một hình phạt tương tự lên Huawei thậm chí nghiêm trọng hơn. Công ty này hiện là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Trung Quốc với doanh số gấp hơn 5 lần ZTE và cũng đang là công ty đại lục có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhất.

    Huawei cũng là công ty nắm giữ nhiều bằng sáng chế quốc tế nhất trong năm 2017, theo tổ chức bảo vệ quyền sáng chế thế giới. Đây cũng là công ty sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ đứng sau Samsung và gần đây mới thay vị trí của Apple. Bên cạnh đó, Huawei cũng là nhà cung cấp hệ thống truyền tải mạng không dây lớn nhất thế giới, vượt trên cả Ericsson và Nokia.

    Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, với xuất thân từ quân đội Trung Quốc, là mối nghi ngại hàng đầu của nhiều quốc gia. Ông Nhậm được cho rằng là người đã xây dựng lên hệ thống truyền thông liên lạc trong giới quân sự trước khi tách ra để thành lập hãng điện tử vào năm 1987.

    Mạnh Vãn Chu là con gái của Nhậm Chính Phi. Bà hay xuất hiện tại trụ sở chính của tập đoàn ngay từ những ngày bà đang theo học đại học và sau khi tốt nghiệp, bà đã ngay lập tức gia nhập công ty. Bà đã kinh qua nhiều chức vụ, chủ yếu trong bộ phận kế toán của công ty và trở thành giám đốc tài chính vào năm 2011. Là một gương mặt nổi bật trong công ty, bà luôn được kỳ vọng sẽ là người thay thế vị trí của cha trong tương lai.

    Trong khi hàng rào thuế quan là trọng tâm của cuộc chiến thương mại, một số quan chức Nhà Trắng lại ủng hộ quan điểm về một lệnh cấm vận thương mại, ví dụ như lệnh cấm một phần các thương vụ các hoạt động mua bán, sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

    Huawei đóng vai trò chủ đạo trong chủ trương “Made in China 2025” nhằm mục đích hiện đại hóa ngành công nghiệp của quốc gia này. Công ty thường xuyên bị đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người dẫn dắt các cuộc đàm phán thương mại, tìm cách gạt bỏ khi hai quốc gia thống nhất các thỏa thuận về lĩnh vực công nghệ.

    Công ty cũng một đóng một vai trò quan trọng trong những nỗ lực nâng cấp mạng không dây thế hệ thứ 5 tại Trung Quốc. 5G sẽ là một mảnh ghép rất quan trọng đối các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo cũng như hệ thống xe tự lái, và Washington coi kế hoạch của Bắc Kinh như một mối nguy hại nhất là đối với hệ thống thông tin quân sự.

    Hội đồng cố vấn quân sự quốc hội Mỹ đưa ra cảnh báo vào tháng trước rằng nếu Trung Quốc làm chủ nền tảng công nghệ không dây quốc tế, Bắc Kinh có thể thu thập những dự liệu của Mỹ một cách dễ dàng. Việc Huawei ngày càng lớn mạnh sẽ làm gia tăng sức mạnh của quân đội Trung Quốc cũng như mở cánh cửa cho các tin tặc lộng hành.

    photo-1-15443216949501544359608

    Bà Mạnh Văn Chu, CFO Huawei. Ảnh: New York Times.

    New York Times.

     

    Nhà Trắng cũng như quốc hội Mỹ đã có những bước đi nhằm vô hiệu hóa 5 công ty công nghệ cao hàng đầu tại Trung Quốc, ngăn họ cung cấp các thiết bị thông tin liên lạc cũng như camera giám sát cho các cơ quan công quyền Mỹ.

    Dự thảo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019 đã được lưỡng viện thông qua, thể hiện với sự ủng hộ đến từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. NDAA không chỉ thực hiện lệnh cấm đối với Huawei và ZTE mà còn đối với các sản phẩm giám sát an ninh đến từ công ty công nghệ số Hikvision Hàng Châu, công ty công nghệ Dahua và công ty Hytera Communications.

    Nhà chức trách nghiêm cấm các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ, các cơ quan vũ trang quân đội, các tổ chức hoạt động độc lập cũng như các công ty thuộc sự quản lý chính phủ không được sử dụng hàng hóa, bao gồm máy chủ, máy tính cá nhân, điện thoại thông minh hoặc các sản phẩm sử dụng linh kiện được sản xuất bởi 5 công ty trên cho dù sản phẩm hoàn thiện thuộc về một đơn vị khác.

    Những thiết bị thông tin liên lạc được sản xuất bởi những công ty ngoài 5 công ty trên nhưng vẫn thuộc quyền quản lý hoặc có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc cũng sẽ bị cấm. Tên của những công ty đó vẫn chưa được công bố.

    Washington cũng sẽ thực hiện biện pháp thứ hai một cách khắt khe hơn khi cấm các công ty trên toàn cầu thực hiện các hoạt động thương mại với các cơ quan công quyền của Mỹ nếu như họ sử dụng những sản phẩm của 5 công ty đã nêu trong văn phòng của họ. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào ngày 13/8/2020, áp dụng cho tất cả các sản phẩm cũng như các thiết bị có liên kết với thiết bị của công ty đó.

    Biện pháp thứ 2 của phía Mỹ sẽ có ảnh hưởng nặng nề hơn cho các công ty Trung Quốc bởi họ chiếm ưu thế trong chuỗi cung cấp các thiết bị thông tin liên lạc cho các cơ quan thuộc chính quyền Mỹ cũng như các đối tác thương mại trên toàn thế giới. Nếu như các công ty đang sử dụng các sản phẩm đến từ 5 công ty của Trung Quốc muốn tiếp tục quan hệ thương mại với Mỹ, họ sẽ phải ngưng sử dụng các sản phẩm đó và báo cáo với Washington.

    Phần lớn các công ty Nhật Bản đã thành lập một cơ quan nội bộ để tìm hiểu số lượng sản phẩm của Huawei và ZTE mà họ có trong văn phòng, cũng như tìm hiểu các nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng nếu họ dừng sử dụng các sản phẩm đến từ Trung Quốc.

    Huawei có quan hệ mật thiết với nhiều công ty Mỹ. Lượng nhập khẩu chất bán dẫn của công ty này gấp 6 lần so với ZTE, trong đó bao gồm 1.8 tỷ USD đến từ Qualcomm và 700 triệu USD đến từ Intel. Nếu như chính quyền Tổng thống Trump áp một lệnh trừng phạt tương tự với ZTE lên Huawei thì các công ty Mỹ cũng sẽ chịu ít nhiều ảnh hưởng.

    Những nỗ lực của ông Tập với chính sách “Made in China 2025" bắt nguồn từ lo ngại phụ thuộc vào nguồn cung các linh kiện điện tử công nghệ cao từ nước ngoài. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 70% lượng chất bán dẫn từ những thị trường như Mỹ và Đài Loan. Nếu Huawei ngưng sử dụng sản phẩm của các nhà cung cấp nước ngoài, công ty này có thể sẽ phải dừng hoạt động sản xuất, đe dọa đến sự tồn vong của công ty.

    Hành động gây áp lực mới đây từ Washington đối với Huawei giống như một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó sẽ dồn Trung Quốc vào thế chân tường khi cả hai quay lại bàn đàm phán nhưng mặt khác, nó cũng khiến Trung Quốc quyết tâm hơn để thoát khỏi sự phụ thuộc công nghệ đến từ nước ngoài.

    Ý kiến của bạn

    Bình luận