Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946 được tổ chức thành công là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn của “thù trong, giặc ngoài”, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hết sức khó khăn. Tuy nhiên, đại đa số người dân tham gia bầu cử luôn xúc động và tự hào vì “... ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...” (Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, ngày 05/01/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ngày nay, trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, các đại biểu ngày càng phát huy vị trí, vai trò người đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Các vấn đề được đưa ra thảo luận, quyết định trên diễn đàn Quốc hội hay HĐND đều là những vấn đề thực tiễn cuộc sống, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.
Hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND được đảm bảo bởi chất lượng ĐBQH và đại biểu HĐND.Những kết quả tích cực trong hoạt động của cơ quan dân cử đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước cũng như mỗi địa phương là có vai trò của người đại biểu. Để chọn được người đại biểu xứng đáng thì không thể không nói đến tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn những người đại diện xứng đáng nhất để thay mặt quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc. Trong suốt quá trình bầu cử, người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu trong ngày bầu cử, thể hiện quyền lực nhân dân qua từng lá phiếu.
Ngay sau khi Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được ban hành, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử được tổ chức để kịp thời quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử. Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương. Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cũng tiến hành khẩn trương, nghiêm túc các công việc chuẩn bị bầu cử và lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử ở các cấp. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập theo đúng quy trình và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định. Việc chuẩn bị nhân sự ứng cử đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp.
Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có chức năng lập pháp, quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối ngoại và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy nhà nước; HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Do đó, thực hiện thành công cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Hướng tới ngày hội toàn dân
Theo số liệu của Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố cuộc bầu cử QH Khóa XV tới đây có tổng số 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội để bầu 500 đại biểu (trong đó Trung ương là 203 người, địa phương 665 người, trong đó có 9 người tự ứng cử), đạt tỉ lệ 1,74 người ứng cử/1 đại biểu được bầu. Kết quả tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử đạt 100%, không có vấn đề, vụ việc cử tri nêu cần phải xác minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận: Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng (Hà Nội). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại tổ bầu cử số 10 (huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ứng cử tại TP. Cần Thơ. Ðây cũng là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ ứng cử tại đồng bằng sông Cửu Long. Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 gồm các quận Kiến An, Dương Kinh và các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng).
Các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực vào cuộc để chuẩn bị các điều kiện cho một kỳ bầu cử thành công từ ứng cử viên đến cơ sở vật chất, hoàn thiện quy trình thủ tục, dự báo các tình huống phát sinh để có hướng giải quyết kịp thời... nhưng yếu tố quyết định trong việc lựa chọn người đại diện cho tiếng nói của mình thuộc về nhân dân, trực tiếp thông qua những lá phiếu cử tri trong ngày bầu cử. Ngày 23/5 tới đây sẽ là ngày hội của toàn dân tham gia vào cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.