Sáng 12/4, Quốc hội khóa XIII họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 11. Trong phiên họp này, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020.
Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.
Báo cáo giải trình và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 nêu rõ, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển KT-XH 2016-2020. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH bổ sung vào trong báo cáo: Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 dưới 4% GDP; đến năm 2020, có 50% tỉ lệ lao động tham gia BHXH...
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, hầu hết ý kiến ĐBQH tán thành với các nhóm giải pháp chủ yếu trong dự thảo Nghị quyết. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Nghị quyết bổ sung các nhóm giải pháp về tăng cường ứng dụng KHCN trong phát triển KT-XH; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, các giải pháp cấp bách hỗ trợ các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Với tỉ lệ 93,52% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
GDP bình quân 5 năm 6,5-7%/năm
Nghị quyết đặt ra một số chỉ tiêu KT-XH chủ yếu cho giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, về các chỉ tiêu kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5-7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200-3.500 USD; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%.
Về các chỉ tiêu xã hội, Nghị quyết đặt mục tiêu tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%; tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%; đến năm 2020 có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 80% dân số; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0-1,5%/năm.
Nghị quyết của Quốc hội cũng đã đặt ra một số chỉ tiêu về môi trường như tỉ lệ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2020 là 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn. Tỉ lệ chất thải nguy hại được xử lý năm 2020 là 85%. Tỉ lệ chất thải y tế được xử lý năm 2020 là 95-100%. Tỉ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%.Nghị quyết của Quốc hội cũng đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu nêu trên.
Thông qua các Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ
Quốc hội đã nghe và thông qua dự thảo Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Với 94,13% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo Nghị quyết, Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cơ bản tán thành với những đánh giá về kết quả đã đạt được cũng như các hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được nêu trong từng Báo cáo.
Quốc hội thấy rằng, trong 5 năm qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã phát huy trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật... và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước vẫn còn một số hạn chế, yếu kém.
Do đó, Quốc hội yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát, nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội.
Phát huy vai trò người đứng đầu Nhà nước
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chủ tịch nước tiếp tục phát huy vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; thúc đẩy quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Thực hiện tốt công tác thi đua-khen thưởng, công tác đặc xá và chỉ đạo công tác cải cách tư pháp.
Xây dựng Chính phủ hành động
Đối với Chính phủ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành; xây dựng Chính phủ hành động, trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nỗ lực phấn đấu, có giải pháp hiệu quả thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm. Cơ cấu lại, tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước và tài sản công; có các biện pháp thích ứng để tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giải quyết tốt vấn đề nợ công, nợ xấu, nợ chính phủ. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội;
Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng pháp luật theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ và chất lượng, chú trọng khâu tổ chức thực thi; chấm dứt tình trạng luật, pháp lệnh phải chờ nghị định, quyết định, thông tư. Tập trung cải cách hành chính, công vụ, kiện toàn bộ máy hành chính tinh gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cán bộ, công chức, bộ máy hành chính phục vụ nhân dân; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ứng phó kịp thời trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Khẩn trương triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp
Quốc hội yêu cầu Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; tuân thủ chặt chẽ và bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng; khẩn trương triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện vi phạm pháp luật, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ; rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại bức xúc, kéo dài, các đơn khiếu nại về oan, sai; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp.
Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; thực hiện nghiêm Luật Kiểm toán Nhà nước. Tiếp tục nâng cao năng lực cơ quan kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm.
Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Sau những ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, hôm nay, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và vui mừng nhận thấy: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân đã vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đạt được những kết quả quan trọng.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 cấp quốc gia; thông qua 7 luật; xem xét các Báo cáo của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Từ thực tiễn hoạt động 5 năm qua, Quốc hội đã phân tích, làm rõ mặt được, chưa được trong hoạt động của Nhà nước ta; xác định nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Quốc hội cũng nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tại kỳ họp này, để đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, Quốc hội đã quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương, định hướng của Đảng và quy định của pháp luật. Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên thệ trước Quốc kỳ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, cam kết trước Quốc hội và Nhân dân nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quốc hội chúng ta dành niềm tin, sự ủng hộ đối với các vị mới được bầu, phê chuẩn, đồng thời yêu cầu các vị tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Quốc hội trân trọng ghi nhận những cống hiến, đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của các vị lãnh đạo tiền nhiệm đối với công cuộc phát triển đất nước và hoạt động của Quốc hội, hy vọng các vị tiếp tục dành thời gian, kinh nghiệm, trí tuệ tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước giai đoạn tiếp theo.
Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội khóa XIII và chuẩn bị cho hoạt động của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chính phủ, các ngành, các cấp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình tập trung triển khai thực hiện các luật, nghị quyết mới được thông qua; phối hợp chặt chẽ, triển khai tích cực việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bảo đảm để sự kiện chính trị trọng đại này diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Nhìn lại cả nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Năm năm, một nhiệm kỳ hoạt động dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, sôi động và đổi mới sắp kết thúc. Mỗi đại biểu chúng ta đã luôn tâm niệm phải nỗ lực hết mình để xứng đáng với sự mong đợi và kỳ vọng của nhân dân. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã gắn bó với nhân dân, trăn trở về những bức xúc trong cuộc sống của người dân; cố gắng sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; chủ động, tích cực đề xuất giải pháp và tham gia quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Sự ủng hộ, đồng tình, chia sẻ, tin tưởng của cử tri là phần thưởng cao quý nhất đối với người đại biểu Nhân dân. Nhân dịp chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi chân thành cảm ơn và chúc mừng các vị đại biểu Quốc hội đã hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tôi hy vọng rằng, dù tiếp tục tái cử hay đảm nhận nhiệm vụ khác, chúng ta luôn nhớ và tự hào về những năm tháng cùng nhau hoạt động ở Quốc hội và tiếp tục nỗ lực, tâm huyết đóng góp cho hoạt động của Quốc hội và công việc của đất nước.
Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội, tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến toàn thể đồng bào, cử tri cả nước đã luôn tin tưởng, trao cho chúng tôi trọng trách thực hiện quyền lực nhân dân; cảm ơn sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các ngành, các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự chia sẻ, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và cộng đồng quốc tế; cảm ơn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Văn phòng Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các cơ quan thông tấn, báo chí… đã tham mưu, phục vụ, phối hợp triển khai các hoạt động, đồng hành cùng Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ qua".
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: "Với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy qua 70 năm, với ý thức trách nhiệm trước Nhân dân và tiền đồ của đất nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Với niềm tin tưởng đó, tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII".
* Trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIII (từ 21/3 đến 12/4), Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều dự án quan trọng như: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Đồng thời, Quốc hội cũng đã xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011- 2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; phê chuẩn thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam-Hoa Kỳ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội khóa XIII đã bầu và phê chuẩn các chức danh: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; 3 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và thành viên Chính phủ; Phó Chủ tịch nước; 2 Phó Chủ tịch Quốc hội; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; 7 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội và Tổng Kiểm toán Nhà nước; Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh và Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.