Ảnh minh họa |
Tai nạn hi hữu nhưng gây ra hậu quả nặng nề trên xảy ra với bé T.Đ.K (2 tuổi, ngụ Bà Rịa Vũng Tàu). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, sốc nhiễm trùng nhiễm độc.
Trước đó, một phụ huynh cho con ngồi phía trước tay lái, do bất cẩn vị phụ huynh này không tắt máy, bé 2 tuổi là bạn cùng lớp mầm non với bé K. đã vặn ga xe máy khiến xe máy bị rồ ga đâm thẳng lên phía trước. Xe máy đổ xuống, tay lái đã đè xuống bụng cháu K. khi đó cháu bé đang đứng dưới đất.
Bé được chuyển từ địa phương đến BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cấp cứu. Tại đây sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị vỡ góc tá hỗng tràng (đoạn ruột nối đoạn tá tràng D4 và đoạn đầu hỗng tràng).
Các bác sĩ tại BV Nhi Đồng 2 đã nhanh chóng hồi sức tích cực, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Nghi ngờ một tình trạng viêm phúc mạc do vỡ tạng rỗng trong ổ bụng, bệnh nhi đã được chuyển mổ cấp cứu ngay khi tình trạng huyết động học tạm ổn.
Bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi Đồng 2, người trực tiếp mổ chính cho bệnh nhi cho biết: "Tổn thương khá phức tạp khiến toàn bộ ổ bụng và khoang sau phúc mạc của bé rất dơ. Sau khi rửa sạch ổ bụng và bộc lộ được thương tổn, bệnh nhi đã được xử lý cắt bỏ đoạn ruột vỡ, khâu nối lại ruột. Sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt, có thể ăn uống bình thường".
ThS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp của BV cho biết thêm, vỡ tá tràng là một tổn thương rất hiếm khi được ghi nhận ở trẻ em do chấn thương bụng kín. Trường hợp bệnh nhi là vỡ tá tràng D4 và góc tá hỗng tràng nên tổn thương rất khó phẫu thuật. Vùng này cố định nằm phần lớn ở khoang sau phúc mạc, bị các tạng trong ổ bụng che lấp và lại nằm rất gần vị trí nguồn máu nuôi của toàn bộ ruột non.
Chính vì vậy bác sĩ phẫu thuật cần phải có kinh nghiệm và phải phẫu tích hết sức cẩn thận mới có thể tiếp cận được thương tổn một cách an toàn, nhất là khi tình trạng ổ bụng khá dơ và khoang sau phúc mạc bị tẩm nhuộm bởi dịch mật.
Theo bác sĩ, vỡ tá tràng là một thách thức trong chẩn đoán và điều trị. Đây cũng là bệnh lý ít gặp trong chấn thương bụng kín với tỷ lệ khoảng 3-5%. Tổn thương tá tràng được biết đến từ thập niên 20 của thế kỷ XIX. Gần 100 năm sau, vấn đề chẩn đoán sớm để có hướng xử trí triệt để vẫn không có cải thiện đáng kể.
Hiện nay các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như CT-scan, MRI… giúp cho việc phát hiện bệnh được sớm hơn nhưng về kết quả phẫu thuật, do tính chất phức tạp của thương tổn nên tỷ lệ biến chứng sau mổ vào khoảng 46,6% cũng như tỷ lệ tử vong vào khoảng 12,5% còn tương đối cao.
Bác sĩ khuyên các bậc phu huynh phải hết sức cẩn thận khi cho trẻ đứng phía trước xe máy, vì bản tính của trẻ con vốn tò mò và táy máy. Một khoảnh khắc lơ đãng của người lớn, các bé có thể nhận những hậu quả khôn lường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.