Ngày 17/2, nhà chức trách Hàn Quốc chính thức bắt giữ Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong (Jay Y.Lee), người thừa kế sáng giá của gia đình giàu có và quyền lực bậc nhất nước này. Ông bị cáo buộc đưa hối lộ cho người "bạn thân pháp sư" của Tổng thống Park Geun Hye.
Trong khi đó, Samsung luôn bảo vệ ông Lee và nói rằng tập đoàn này sẽ nỗ lực "đưa sự thật ra ánh sáng".
Ở Hàn, gần như mọi thứ đều diễn ra trong nội bộ gia đình. Ông Lee được coi là người thừa kế của Samsung sau khi cha ông, chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, 75 tuổi, bị truỵ tim vào năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ tiếp quản nhiệm vụ "chèo lái" con thuyền Samsung, tập đoàn kinh doanh đa ngành từ đồ gia dụng, kỹ thuật, xây dựng, đóng tàu đến bảo hiểm và thẻ tín dụng.
Riêng doanh thu từ hàng xuất khẩu của Samsung Electronics, nhà sản xuất tivi và điện thoại thông minh trên khắp thế giới, đã chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Samsung chỉ là một trong số ít các tập đoàn gia đình (chaebol) chi phối đời sống kinh tế ở Hàn Quốc. Một số tập đoàn như Hyundai, LG cũng rất nổi tiếng trên thế giới. Các tập đoàn này ngày càng có quyền lực ở Hàn nhưng đồng thời cũng chịu sự giám sát ngày càng lớn.
Chaebol là gì?
Chaebol bắt nguồn từ sự kết hợp của từ "giàu có" và "gia tộc", dùng để chỉ các nhóm lớn gồm nhiều công ty con có liên kết với nhau, thường bị chi phối bởi một gia đình giàu có.
Hàn Quốc có nhiều tập đoàn gia đình như vậy nhưng nổi tiếng nhất trên thế giới là các tập đoàn như Hyundai, LG, Samsung hay Hanjin, Kumho, Lotte và SK.
Chaebol bao gồm nhiều công ty con. LG sở hữu các công ty điện thoại thông minh, tivi, linh kiện điện tử, hóa chất và phân bón. Tập đoàn này cũng thành lập đội bóng chày và bóng rổ riêng. Hyundai nổi tiếng với các mặt hàng ôtô Hyundai và Kia tại Mỹ và nhiều quốc gia khác. Tập đoàn cũng cung cấp các dịch vụ thang máy và khách sạn.
Chaebol tạo sức mạnh thế nào?
Các tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc lớn mạnh từ đống tro tàn sau chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Sau khi xung đột kết thúc, chính phủ cung cấp các quỹ cứu trợ và các khoản vay giá rẻ cho doanh nhân, những người cam kết sẽ tái thiết đất nước.
Chính phủ Hàn quốc cũng ra sức bảo vệ các doanh nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài nhằm hỗ trợ các tập đoàn kiểu này phát triển. Các tập đoàn gia đình sau đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình Hàn Quốc trở thành người khổng lồ công nghiệp trong vài thập kỷ sau đó.
Tuy vậy, theo một số nhà kinh tế, điều này cũng gây ra sự mất cân bằng. Tiền chảy vào túi của các gia đình giàu có, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội kéo dài đến ngày nay. Do được chính phủ bảo hộ, nhiều tập đoàn gia đình có điều kiện thuận lợi để mở rộng đế chế kinh doanh của mình sang các lĩnh vực mới trong tâm thế ít lo sợ phải cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài hay những tổn hại lớn về tài sản.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ, chiếm lĩnh gần 2/3 thị trường sản xuất trong nước vào cuối những năm 1990. Nhiều người tin rằng quá trình tích tụ tài sản các tập đoàn gây tổn hại số đông ở Hàn Quốc.
Tiếm quyền chính trị
Công thức cho tăng trưởng của Hàn Quốc nói trên cũng thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Cố tổng thống Park Chung Hee, cha Tổng thống Park Geun Hye, là người lên nắm quyền ở Hàn Quốc sau cuộc đảo chính năm 1961. Ông là người đi đầu trong những nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc nhờ các công ty gia đình. Chính phủ của Tổng thống Chung Hee rót tiền cho các công ty theo đuổi các mục đích kinh tế của ông, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu.
Vào những năm 1980, các tập đoàn gia đình Hàn Quốc khi đó có đủ tiềm lực kinh tế để tạo ra những ảnh hưởng chính trị đáng kể. Các chính trị gia dựa vào sự hậu thuẫn về chính trị và tài chính của các tập đoàn này trong quá trình vận động bỏ phiếu.
Chaebol đối mặt với nguy cơ nào?
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 dấy lên mối lo ngại về mối quan hệ gần gũi giữa các công ty con trong cùng một tập đoàn có thể dẫn tới thiệt hại lớn nếu một trong số đó phá sản.
Kinh tế phát triển làm gia tăng lo ngại về ảnh hưởng chính trị và nạn tham nhũng trong các tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc. Nhiều người cho rằng các tập đoàn gia đình tham nhũng thực sự là vấn đề lớn.
Giám đốc điều hành các tập đoàn gia đình được cho là đã "lọt lưới" pháp luật dù những bê bối của họ thu hút sự chú ý của dư luận.
Chủ tịch Samsung từng bị kết tội tham nhũng hai lần nhưng đều được chính phủ ân xá do những lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc trong tương lai.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.