Tình trạng lộn xộn trong bến Giáp Bát. |
Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, vào thời điểm 14h chiều 28/4, nhiều nhà xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Thái Bình - Nam Định và tại bến xe Giáp Bát đã hết vé. Rất nhiều người dân tập trung tại phòng vé chờ để mua vé nhưng phải quay về đợi vé của các xe tăng cường.
Đối với tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, tình trạng cò vé chèo kéo khách diễn ra ngay tại khuân viên bến xe Giáp Bát. Các nhà xe như: Đông Lý, Hào Hương, Đông Sỹ, Tiến Phương, Hải Hà, Đại Phát, Doanh Lý...tận dụng toàn bộ phần hành lang giữa xe để nhồi nhét khách. Một giường nằm các nhà xe cho nhồi nhét từ 2 đến 3 hành khách.
Trong khi lãnh đạo bến xe Giáp Bát trả lời phỏng vấn báo chí thì ngay bên ngoài, tình trạng chèo kéo hành khách vẫn diễn ra. |
Điển hình như xe khách BKS: 36B-031.12 thuộc nhà xe Đông Lý. Mặc dù chiếc xe này không có tem phù hiệu tuyến cố định, nhưng thản nhiên nhồi gần 60 khách, trong khi xe có sức chứa tối đa 45 ghế. Trường hợp này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có phải bến xe Giáp Bát "bật đèn xanh" cho xe không đủ điều kiện xuất bến, giao tính mạng của gần 60 hành khách cho chuyến xe không gốc gác!?
Xe không phù hiệu của nhà xe Đông Lý vẫn được nhận khách |
Và được xuất bến. |
Không những thế, theo ghi nhận của PV, ngay từ hôm nay 28/4 giá vé các nhà xe các tuyến cố định tuyến Hà Nội đi Thanh Hóa đã tự ý thổi giá lên cao. Thậm chí, theo tìm hiểu của PV, các quầy bán vé lợi dụng nhu cầu về quê nhân dịp nghỉ lễ, nhân viên bán vé của một số nhà xe đã kêu hết vé khi khách hỏi mua rồi "hét giá cắt cổ" nhằm ăn chênh lệch.
Cụ thể, một số nhà xe chạy tuyến này "ép" tăng giá vé từ 100 đến 150 nghìn đồng/lượt so với giá vé ngày thường. Xác nhận với PV, phụ xe Đ.L (tuyến Hà Nội - Thanh Hóa) cho biết: "Hiện giá vé tuyến này được đẩy lên 200 nghìn/lượt. Đối với các chuyến cuối ngày có thể sẽ được đẩy lên 250 - 300 nghìn/ luợt".
"Với mức giá ấy, hành khách buộc phải chung giường với nhau, nghĩa là 3 người ngồi một giường. Nếu chấp nhận nhồi nhét thì nhà xe mới đồng ý chở", phụ xe này nhấn mạnh thêm. Đối với tuyến Hà Nội - Thái Bình, ngay từ chiều nay, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra. Các xe tuyến huyện đi Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thuỵ đồng loạt tăng giá vé và nhồi nhét khách. Nắm bắt nhu cầu đi lại tăng cao của ngườ dân, các nhà xe cắt cử lực lượng cò vé, chèo kéo hành khách.
Chứng kiến cảnh tượng xe Phiệt Học 5 chèo kéo khách trước mặt lực lượng chức năng chị Lê Thị Xuân (sinh viên trường Đại học Quốc gia) ngán ngẩm cho biết: "Bảo sao người dân sợ đi xe ở bến. Hàng chục lực lượng làm nhiệm vụ mà để nhà xe nhồi nhét, chèo kéo hành khách giữa chốn thanh thiên bạch nhật".
"Cứ bảo là kiên quyết xử lý xe chở quá số người quy định, tăng giá vé, song với những gì đang xảy ra ở bến Giáp Bát thì hoàn toàn ngược lại. Thiết nghĩ Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia, Sở GTVT Hà Nội cần có biện pháp chấn chỉnh ngay, không thể vì lợi ích nhỏ mà quên đi tính mạng của hành khách", chị Xuân bày tỏ.
Các nhà xe nối đuôi nhau nhồi khách ngay tại cổng bến. |
Trong khi đó, Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe phía Nam (Bến xe Giáp Bát) khẳng định: “Lãnh đạo xí nghiệp cam kết đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 an toàn. Để đảm bảo lưu thông, bến xe Giáp Bát sẽ bố trí 100% quân số từ ngày 28/4 đến hết ngày 3/5 để phục vụ hành khách. Đặc biệt bến xe cam kết không để xảy ra tình trạng nhồi nhét, hay tự tăng giá vé.
Bên cạnh đó, để đáp ứng cho việc gia tăng lưu lượng hành khách trong dịp lễ, bến xe Giáp Bát sẽ bổ sung thêm 200 xe tăng cường trong hai ngày (28, 29/4). Trong đó, các xe tăng cường được tập trung chủ yếu ở một số tuyến cao điểm như: Thanh Hóa (48 xe), Nam Định (48 xe), Thái Bình 64 (xe), Ninh Bình (40 xe).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 503/CĐ-TTg về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5/2017.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao trong dịp nghỉ Lễ, nhất là trên các tuyến kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và đầu mối giao thông lớn; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, đường ngang đường sắt; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại bến xe, nhà ga, bến tầu, thuyền du lịch, cảng hàng không và các điểm đón, trả khách lớn. Tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường địa phương; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là hành vi vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định, gây ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí đường bộ…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.