Khu vực sân đỗ không bóng hành khách tại bến xe Giáp Bát, chiều 26/1. |
Nhiều xe xuất bến chỉ vài khách
Tại Bến xe Giáp Bát chiều 24 Tết, chúng tôi ghi nhận, mặc dù là thời điểm người dân di chuyển về quê nghỉ Tết nhưng lượng khách ra bến chỉ tương đương ngày cuối tuần. Thậm chí một số tuyến xe khách chặng ngắn như Hà Nội đi Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định… xe xuất bến chỉ có 2 đến 3 khách.
Đại diện hãng xe Đoàn Liên chạy tuyến Hải Hậu (Nam Định) cho biết, mọi năm thời gian này, lượng khách đông, nhà xe phải hoạt động hết công suất và phải dùng đến xe dự phòng để đưa người dân về quê nghỉ Tết. Tuy nhiên, năm nay do tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách ra bến xe ít, người dân sử dụng phương tiện xe cá nhân để di chuyển.
Giám đốc bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết: "Hiện mỗi ngày bến xe chỉ có 150 - 200 lượt xe xuất bến, vận chuyển khoảng 500 lượt hành khách rời bến. Lượng xe xuất bến hiện nay chỉ bằng 20% so với trung bình cùng kỳ mọi năm, với lượng khách chỉ bằng 3,3% thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, thậm chí nhiều xe xuất bến 1, 2 hành khách".
Lượng khách đến bến xe rất ít. Chỉ có vài hành khách đang mua vé. Tại các quầy vé cũng không có tình trạng xếp hàng chờ mua vé như mọi năm. |
"Trước tình trạng trên, Bến xe Giáp Bát đã tạo điều kiện như miễn, giảm một số loại phí để chia sẻ, tạo điều kiện để nhà xe và doanh nghiệp vận tải hoạt động. Tuy nhiên, hiện nhiều tuyến xe khách tại bến từ 2 đến 3 tháng nay vẫn chưa trở lại hoạt động. Trong đó nhiều nhất là các tuyến xe chạy các tỉnh phía Nam. Với các tuyến chạy một số địa phương miền Bắc đang có lượng xe xuất bến nhiều với 50 đến 70 lượt xe xuất bến/ngày như Bắc Giang, thành phố Nam Định… 2 tháng nay vẫn chưa có xe hoạt động", ông Thành than thở.
Tương tự, tình trạng đìu hiu, vắng khách cũng diễn ra tại Bến xe Mỹ Đình - bến xe chủ yếu chạy các tuyến Tây Bắc. Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: "Do tình hình dịch bệnh ở Hà Nội và cả nước đang diễn biến phức tạp, sinh viên chưa trở lại Hà Nội, người dân hạn chế về quê ăn Tết nên những ngày cuối năm này bến xe Mỹ Đình rất vắng khách. Trong ngày 24 tháng Chạp, bến xe có gần 300 xe đăng ký xuất bến, chỉ bằng 30% so với các năm trước".
Vì vắng khách nên các xe tuyến Đà Nẵng chủ yếu chở hàng để bù đắp chi phí, đảm bảo doanh thu. |
Một số nhà xe tăng giá vé đến 50%
Mặc dù ít khách và nhiều xe xuất bến còn ghế trống, nhưng tại các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội, giá vé một số tuyến đã tăng đến 50%. Tại Bến xe Nước Ngầm, xe chạy về các tuyến Hà Tĩnh, giá vé chỉ từ 180 nghìn đến 200 nghìn/lượt, nhưng dịp này tăng lên từ 330 nghìn đến 350 nghìn đồng/lượt (tăng đến 50%).
Tương tự, tại các phòng vé tuyến huyện Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Con Cuông (tỉnh Nghệ An), giá vé xe khách cũng thông báo tăng từ 30 đến 50% mỗi lượt.
Lý giải cho việc tăng giá vé, các doanh nghiệp cho rằng, dịp Tết họ chỉ chạy một chiều có khách, còn chiều ngược lại chạy xe rỗng, do vậy để bù vào chi phí phát sinh, doanh nghiệp phải tăng giá vé để đảm bảo doanh thu.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai Kế hoạch số 2031 yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và bán vé theo đúng quy định; không tùy tiện tăng giá cước, thu phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; không vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Xe khách Hồng Hà chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh tăng giá vé từ 220 nghìn/lượt lên 330 nghìn đồng (tăng đến 50%)/lượt. |
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2022, Sở đã sớm xây dựng kế hoạch bố trí phương tiện cũng như tăng cường lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc.
Cụ thể, Sở chỉ đạo lực lượng Thanh tra duy trì 7 tổ công tác ứng trực tại các bến xe lớn của thành phố. Đồng thời bố trí lực lượng tham gia chốt trực tại các cửa ngõ, nút giao thông và tuyến đường trọng điểm của thành phố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.