Rác thải tại Bhutan ngày một nhiều |
Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy GDP của Bhutan đã tăng từ 135 triệu USD năm 1980 lên 2,2 tỷ USD năm 2016, tương đương gấp 6 lần. Dựa trên các số liệu này, Bhutan đang được đề nghị loại khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất trên thế giới của Liên Hiệp Quốc (UN).
Trong khi đây là tin tức tốt với nhiều người thì chúng lại đi cùng một số hệ quả tiêu cực với môi trường của một trong những nước có thiên nhiên thuộc hàng sạch nhất thế giới.
Quốc gia "xanh" nhất thế giới đang ngày càng ô nhiễm
Năm 2018, Bhutan được mệnh danh là một trong những quốc gia thân thiện nhất với môi trường khi trở thành nước đầu tiên trên thế giới có mức khí thải nhà kính âm. Với dân số vào khoảng 790.000 người và 75% diện tích được phủ xanh bởi rừng, không khó hiểu để Bhutan trở thành thiên đường của những nhà hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, việc tích cực trồng rừng, chính phủ coi trọng hạnh phúc của người dân hơn phát triển kinh tế cũng như đầu tư vào năng lượng sạch khiến Bhutan trở thành hình mẫu về môi trường cho nhiều quốc gia.
Tuy nhiên tương tự như nhiều nền kinh tế khác, vẻ tươi đẹp của Bhutan kéo theo phát triển du lịch và hệ quả tất yếu mà nó mang theo là rác thải và ô nhiễm môi trường.
Kể từ năm 2011, Bhutan phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn về môi trường khi kinh tế tăng trưởng tốt. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây không chỉ bao gồm nguồn nước, đất, rừng mà còn liên quan đến không khí và ô nhiễm tiếng ồn. Với lối sống yên bình hạnh phúc, việc các du khách cũng như sự đô thị hóa đang phá vỡ truyền thống vốn có của quốc gia tươi đẹp này.
Báo cáo năm 2016 của Hội đồng môi trường quốc gia Bhutan (NEC) cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đang khiến quá trình đô thị hóa bùng nổ, kéo theo đó là ngày càng nhiều rác thải ra tự nhiên. Điều đáng lo ngại hơn là rác thải tại Bhutan đang chuyển từ những loại dễ phân hủy sang các vật liệu nhân tạo gây hại cho môi trường.
Theo nhà hoạt động môi trường Nedup Tshering tại Bhutan, mặc dù so sánh với các nước khác thì vấn đề xả rác nơi đây chưa thấm vào đâu. Tuy nhiên, tốc độ xả rác tại Bhutan đang tăng lên nhanh chóng cùng với sự phát triển kinh tế.
Năm 2014, bình quân mỗi người Bhutan xả 250 gr rác thải mỗi ngày ra tự nhiên và phần lớn chúng là những vật liệu dễ phân hủy thì đến nay, con số này đã đạt 0,5kg/ngày và rất nhiều trong số đó là rác nhựa.
Do là một quốc gia kém phát triển nên trước đây đa phần rác thải tại Bhutan là chất thải nông nghiệp hoặc dễ phân hủy. Giờ đây, ảnh hưởng của du lịch và văn hóa phương Tây đã khiến người dân Bhutan sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ cao hơn và đương nhiên chúng cũng khó phân hủy hơn. Điển hình trong số đó là tã dùng 1 lần, các mặt hàng điện tử như pin, bóng đèn, điện thoại, đồ nhựa gia dụng, mỹ phẩm…
(Click vào ảnh để xem chú thích)
Với đà tăng trưởng kinh tế, ngày càng nhiều gia đình Bhutan sử dụng nhựa cũng như thiết bị công nghệ, qua đó làm tăng lượng rác nhựa cũng như chất thải độc hại ra môi trường.
Năm 2017, nghiên cứu của Liên hiệp gìn giữ nước sạch quốc tế (GWA) đã tìm thấy lượng đáng kể vi khuẩn E Coli trong các dòng sông tại Bhutan, điều khá bất ngờ với quốc gia nổi tiếng về môi trường trong sạch.
Trên thực tế, do còn là nước kém phát triển nên hệ thống cống thoát nước và chất thải của Bhutan vẫn đổ thẳng ra các con sông. Trước đây với lượng dân ít, hệ thống sông ngòi của Bhutan đủ sức làm sạch được những chất thải này nhưng với sự gia tăng dân số và đô thị hóa, tình hình ô nhiễm đang ngày một nghiêm trọng hơn.
Hội đồng NEC từng hùng hồn tuyên bố nguồn nước của Bhutan sạch đến mức có thể tắm rửa thoải mái, nhưng giờ đây với tốc độ tăng trưởng dân số và kinh tế, các chuyên gia môi trường bắt đầu lo ngại về nguồn nước nơi đây.
Trong quá khứ, việc xả rác xuống những con sông không có gì là lạ ở Bhutan bởi chúng đa phần là rác thải dễ phân hủy, nhưng giờ đây những đống rác nhựa, nilong đang khiến chính phủ đau đầu bởi tự nhiên khó lòng phân hủy được chúng trong khi quốc gia lại thiếu các nhà máy xử lý rác và lọc nước.
Chính phủ Bhutan thường tổ chức những đợt dọn rác và chúng khá hiệu quả trong quá khứ, nhưng với lượng chất thải ngày một nhiều và không có hệ thống xử lý bài bản, quốc gia này đang dần lâm vào thế bí khi cơ sở hạ tầng còn yếu.
Các chiến dịch dọn rác tình nguyện thu được ngày càng nhiều rác, một tín hiệu nên vui hay buồn đây?
Mặt trái của tăng trưởng
Theo ông Tshering, rác thải chỉ được tìm thấy trong các thị trấn cách đây vài năm thì nay chúng tràn lan tận trong rừng lẫn các con sông. Khả năng xử lý rác thải của Bhutan đang không theo kịp được đà tăng trưởng của đất nước.
Dự báo của NEC cho thấy khoảng 50% dân số Bhutan sẽ sống tại thành thị vào năm 2020 và vấn đề bảo vệ môi trường của Bhutan sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Chính quyền thành phố Thimphu, một trong những nơi đô thị hóa nhanh nhất Bhutan, cho biết chưa đến 15% số hộ gia đình nơi đây kết nối với hệ thống thoát nước công cộng. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn bể phốt vệ sinh của các hộ gia đình là tự xử lý, nghĩa là họ sẽ thuê các công ty mang xe bồn đến hút bể phốt rồi đem đi đổ ra môi trường.
Bên cạnh đó, việc ngày càng đông khách du lịch khiến lượng phương tiện tại các đô thị như Thimphu tăng mạnh, đi kèm với đó là ô nhiễm không khí cũng như tiếng ồn. Lối sống bình yên của người Bhutan giờ đây bị phá vỡ bởi các công trình phục vụ du lịch và tiếng xe cộ, mùi xăng dầu, tiếng người và những hàng quán.
Người dân Bhutan cũng chặt cây ngày một nhiều để mở đường cho những tour du lịch nước ngoài. Mặc dù chính phủ đã có lệnh cấm nhưng với sự quản lý lỏng lẻo cùng lối sống an phận hạnh phúc, không có nhiều cơ quan chức năng quản lý cũng như xử phạt những vụ vi phạm.
Giờ đây, trong khi Bhutan tiếp tục câu chuyện tăng trưởng của mình và người dân hân hoan với những thay đổi trong chất lượng sống thì môi trường của nước này đang dần bị hủy hoại. Trong tương lai không xa, có lẽ danh hiệu quốc gia xanh nhất hành tinh sẽ chẳng còn nữa.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.