Bị hủy bằng sau 27 năm học mới tốt nghiệp

02/05/2017 14:58

Sau 27 năm học ĐH mới nhận bằng bác sĩ, sau đó ông N.V.C (52 tuổi, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã bị Bộ GD-ĐT hủy bằng tốt nghiệp.


1-sinh-vien-shutterstock_mfxk_jrrn
Ảnh minh họa

Ông N.V.C có đơn khiếu nại gửi Báo Thanh Niên cho biết được Sở Y tế Đồng Tháp giới thiệu đi học tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM từ năm 1987.

Tổng thời gian học đến thời điểm xét tốt nghiệp (năm 2014) là 27 năm, ông được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cũng như đã in phôi bằng (số hiệu 021494, hệ chính quy, loại tốt nghiệp trung bình). Thời gian sau do không nhận được bằng chính thức, ông C. gửi đơn khiếu nại lên Bộ GD-ĐT. Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra và đề nghị hủy bỏ kết quả tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp của ông C. Ngày 21.6.2016, Trường ĐH Y Dược TP.HCM ra quyết định thu hồi và hủy bằng tốt nghiệp.

Ông C. cho biết quyết định này không công bằng vì nhiều sinh viên khác cũng quá thời hạn đào tạo nhưng không bị hủy bằng tốt nghiệp. Số năm học của các sinh viên này đều trên 10 năm, thậm chí, có người học đến 20 năm, 24 năm, cũng có học phần chưa được công nhận xóa nợ, có học phần chưa đủ điều kiện dự thi lý thuyết tốt nghiệp… Nhưng tại sao chỉ có mình ông bị hủy bằng tốt nghiệp?

Theo kết luận của Thanh tra Bộ, có 13 trường hợp thời gian học tập 10 - 27 năm không bị xử lý buộc thôi học, trong khi thời gian đào tạo không được vượt quá 9 năm nên hủy bỏ công nhận tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp.

Theo giải trình của lãnh đạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM trong kết luận thanh tra, về công tác quản lý đào tạo, nhà trường có sai sót nhất định trong việc đào tạo và cấp bằng cho 13 sinh viên quá thời hạn học tập theo quy định. Nhà trường nhất trí với kết luận của thanh tra về việc hủy bỏ công nhận tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp của ông N.V.C. Với 12 trường hợp còn lại, đề nghị Thanh tra Bộ xem xét không hủy bỏ vì đây là sai sót của trường chứ không phải của sinh viên. Giải quyết cho những sinh viên này học tập cũng xuất phát từ yếu tố lịch sử, nhu cầu bức thiết tại địa phương lúc đó, không có biểu hiện tiêu cực.

PGS-TS Lý Văn Xuân, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Đúng là trước đó có cả chục trường hợp học vượt quá thời gian đào tạo, có môn thi điểm chưa đủ nhưng được xét vớt tốt nghiệp do nhu cầu của địa phương. Các trường hợp này đã được Bộ chấp thuận. Cũng cùng đợt này nhưng N.V.C còn nợ nhiều môn, vì thế chỉ có trường hợp anh C. phải học tiếp 3 năm nữa để trả nợ. Sau đó, trường tiếp tục xét vớt tốt nghiệp anh C. nhưng chưa kịp xin phép Bộ. Sau đó, Thanh tra Bộ không chấp nhận trường hợp này và đề nghị hủy bằng tốt nghiệp.

Ý kiến của bạn

Bình luận