Bí kíp lái xe trên cát để không sa lầy

Lái xe an toàn 15/05/2018 05:56

Muốn thử sức trên cát, xe phải dẫn động hai cầu, tắt cân bằng điện tử, chống trượt và đạp đều ga.

Nhiều tài xế luôn muốn thử sức chiếc xe của mình trên đồi cát, nhưng không lường trước những khó khăn do loại địa hình này mang lại. Chiếc Mercedes GLC 250 4Matic dưới đây là một trường hợp điển hình, dù dẫn động 4 bánh, xe vẫn sa lầy và phải nhờ tới công nông cứu hộ

Theo những người chơi xe off-road lâu năm, để có thể thử sức trên những cánh đồng cát, người cầm lái cần phải hiểu rõ chiếc xe của mình. Muốn "nhảy múa" trong đồi cát, tài xế đồng thời chuẩn bị những kiến thức dưới đây.

1. Trước khi chạy đồi cát

Anh Vũ Cường, một chuyên gia off-road tại TP HCM cho biết, chạy đồi cát không giống như các địa hình thông thường bởi ngay cả khả năng quan sát cũng khác nhau. Người đi loại địa hình này phải chuẩn bị từ con người tới phương tiện chu đáo nhất. 

Địa hình cát thường rất khó quan sát vì dễ hoa mắt. Đây thường là những nơi trời nắng gắt, khung cảnh toàn một màu trắng nên rất có phát hiện vực cát. Phải quan sát ra xa phía trước và hai bên hông xe. Nếu không quen địa hình, nên xuống dò đường vì đi cát rất khó quay đầu lui. Ví dụ nếu xuống dốc lại gặp đường cụt, cách duy nhất là gọi cứu hộ.

Anh Nguyễn Phong (TP HCM) cũng có nhiều năm khám phá các cung đường off-road cùng chung quan điểm. Muốn thử sức trên đường cát, điều kiện tiên quyết là xe dẫn động hai cầu, người lái xe phải nắm rõ địa hình định lái xe qua, trang bị lốp xe địa hình, tời cứu hộ khi xe bị lún, lấm ghi lót bánh, xẻng bới cát và dây mềm để cứu hộ. 

jeep-sand-spray-8371-1526270066
Xe hai cầu mới có thể chinh phục đồi cát.

Trước khi vào đường cát, cần giảm áp suất lốp xuống còn khoảng từ 1-1,4 kg/cm2 là phù hợp, giúp tăng diện tích tiếp xúc, tăng độ bám. Tuy nhiên ở áp suất lốp này, lốp rất dễ văng ra khỏi mâm nếu chạy nhanh và đánh lái cua gấp, lực nén đè ngang sẽ gây ra trường hợp lốp văng ra khỏi vành vì không đủ áp suất. Cần có lốp dự phòng nếu đi off-road đường cát.

Ngoài ra, một số xe 2 cầu gài điện, khi xe sa lầy, chuyển cầu từ chế độ một cầu sang 2 cầu, hệ thống cầu rất khó chuyển tự động nếu xe không di chuyển, vì vậy bắt buộc phải chuyển sang chế độ 2 cầu trước khi vào đường cát. Nếu là xe một cầu, nhất định không đi vào đường cát, hoặc các khu vực có cát ven biển, chắc chắn sẽ sa lầy và không đi được. Nếu chạy nhanh vào bãi cát với tốc độ 40-50 km/h cũng không thể chạy quá 10 mét và bị sa lầy.

Nếu xe có các công nghệ hỗ trợ trượt như cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo thì tài xế cần tắt hết. Những công nghệ này khi phát hiện trượt bánh sẽ chủ động phanh lại, càng phanh xe càng lún sâu. 

2. Kỹ năng khi chạy

Khi chạy đường cát, đường sình lầy, cần giữ chân ga đều, không giảm ga. Nếu có dấu hiệu xe chậm lại, cần nhấn thêm chân ga để xe tạo được quán tính, gia tốc. Xe không đạt quán tính sẽ sớm lún.

Với xe 2 cầu, để có thể thử sức trên những con đường cát, tài xế cần nắm rõ xe mình là dẫn động bốn bánh toàn thời gian AWD hay bán thời gian 4WD. Với địa hình cát, cần xác định được độ xốp, các điểm sẽ phải dừng trong đồi cát, độ dốc, độ nghiêng của đồi cát để chọn cách chạy phù hợp. Nếu độ xốp của cát quá cao, xe rất dễ lầy và không chạy được nếu xe yếu, hoặc dẫn động AWD. Tuy nhiên, với địa hình cát cứng, xe có thể chạy dễ hơn kể cả máy yếu và nhỏ.

SandDuneDriving-Jeff-WA-2521-1526270066
Chạy vuông góc để tránh bị lật ngang nếu mất đà.

Xác định điểm sẽ dừng, đây là kỹ năng quan trọng. Khi chọn điểm dừng, tài xế nên chọn điểm có độ cao cao nhất và có dốc xuống xuôi theo đường xe sẽ tiếp tục khởi động, điều này giúp cho xe khởi động dễ và tạo đà cho xe chạy. Ở các điểm xuất phát trũng, xe sẽ khó xuất phát và tự sa lầy ngay tại chỗ. Ngoài ra, mặt cát cứng sẽ dễ xuất phát hơn cát mềm.

Đồi cát có dốc, không chạy lên theo chiều nghiêng mà hãy chạy lên theo chiều vuông góc 90 độ. Nếu xe không lên nổi, bạn sẽ có cơ hội lùi lại và không lật ngang, chạy nghiêng sẽ làm giảm tốc độ từ từ, gây sa lầy cát, không lùi được cũng như dễ lật ngang nếu bị lún, rất khó cứu hộ.

Đi đồi cát thường xuyên phải duy trì tua máy cao, động cơ làm việc ở cường độ cao sẽ nhanh nóng máy. Người lái cần thường xuyên để ý nhiệt độ trên bảng đồng hồ. 

3. Khi bị sa lầy

Nếu xe bị sa lầy, đừng cố tiếp tục đạp ga sẽ làm cho lún càng thêm nặng. Cần giảm áp suất lốp, có thể cào bớt cát ra để xe dễ lên. Kết hợp lực kéo, đẩy bằng sức người hoặc các xe khác nếu lầy nhẹ.

Cách tốt nhất nên nhờ phương tiện khác cứu hộ bằng cách kéo nhẹ hoặc tời. Dùng tời sẽ tốt hơn vì kéo dễ gây sa lầy thêm cả xe kéo nếu đường cát. Một chiếc xe mạnh và nặng 3 tấn, không thể kéo được chiếc xe chỉ nặng một tấn trên đường cát mềm. Nếu xe trang bị tời hoặc được kéo, lúc này cần đạp nhẹ chân ga, khoảng một phần ba ga, vận tốc sao cho bằng 80% tốc độ tời hoặc kéo. Nếu xe được kéo đạp ga mạnh gây quay bánh, sẽ làm cho càng lún và tạo thành ma sát trượt trên đường lún đó, càng nặng và khó khăn hơn cho xe kéo. 

Ý kiến của bạn

Bình luận