Bậc thang dẫn xuống một hầm trú ẩn hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh ở New Orleans. Ảnh: AP |
Đã có một thế hệ người Mỹ biết cách làm gì trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhânhoặc thậm chí báo động nhầm như tình huống từng diễn ra tại Hawaii ngày 13/1 vừa qua: Họ sẽ nhanh chóng trú ẩn bên trong các tòa nhà có gắn biển hiệu "hầm trú ẩn" màu vàng đặc trưng.
Tuy nhiên, các hầm trú ẩn như vậy đã không còn được duy trì dù thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng có hàng nghìn chiếc bố trí ở trường học, tòa án và trong các nhà thờ.
"Chúng ta không còn trong bối cảnh của thời Chiến tranh Lạnh. Chúng ta đang ở năm 2018",Tiến sĩ Irwin Redlener, Giám đốc Trung tâm Ứng phó Thảm họa Quốc gia tại Viện Nghiên cứu Trái đất, Đại học Columbia nói.
"Chúng ta hiện không phải đối diện với những tình huống như 50 năm trước khi Liên Xô và Mỹ có rất nhiều đầu đạn hạt nhân chĩa vào nhau, đủ sức hủy diệt cả thế giới. Đó là một mối đe dọa thực sự, nhưng ngày nay thì khác".
Hầm trú ẩn không còn, chạy đi đâu?
Người dân Mỹ đã loay hoay không biết phải làm gì khi Thứ Bảy tuần trước chính quyền Hawaii phát tín hiệu nhầm về một quả tên lửa đạn đạo đang tấn công và cũng chẳng rút lại cảnh báo trong suốt 38 phút.
Hawaii đã thiết lập hệ thống cảnh báo sau khi Triều Tiên phóng thử các tên lửa có tầm bắn đủ sức bao phủ toàn bộ hòn đảo này.
Tài xế đã bỏ xe trên đường cao tốc chạy trốn xuống hầm. Cha mẹ vội vàng ôm con ngồi trong bồn tắm. Sinh viên náo loạn khắp khuôn viên Đại học Hawaii tìm chỗ trú trong các tòa nhà.
"Cảnh báo nhầm là thời điểm hoàn hảo để nói về những việc cần làm trong tình huống khẩn cấp như vậy", Redlener nhận xét. "Bởi phần lớn thời gian mọi người không muốn nói về nó".
"Nhưng đó là khả năng thực sự. Các quan chức thành phố nên hướng dẫn người dân cần làm gì nếu một cuộc tấn công xảy ra. Từng cá nhân và các gia đình cũng cần tính toán phương án xem nên làm gì".
Khi được hỏi sẽ tìm nơi trú ẩn ở đâu trong trường hơn bị tấn công tên lửa, người dân New York cho biết, họ không có ý tưởng gì về điều đó.
"Cái duy nhất mà tôi nghĩ tới đó là chạy", Sabrina Shephard, 45 tuổi, đến từ Manhattan. "Tôi không biết sẽ chạy đi đâu bởi vì tôi không biết liệu New York có bất kỳ một hầm trú bom hay nơi nào tương tự như vậy hay không".
Trong những năm đầu thập kỷ 1960 khi cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đang diễn ra gay cấn, những hầm trú ấn gắn biển kim loại với biểu tượng 3 hình tam giác chụp góc vào nhau bên trong một vòng tròn đã được thiết lập ở hàng chục nghìn tòa nhà trên khắp nước Mỹ. Riêng ở thành phố New York, đã có tới 18.000 hầm như thế.
Những địa điểm này được lựa chọn bởi chúng có thể chặn được vật liệu phóng xạ. Bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành hầm trú ẩn miễn là chúng được xây dựng bằng bê tông, xỉ than dạng khối hoặc bằng gạch và không có cửa sổ, thuận tiện bổ sung các thiết bị hỗ trợ như hệ thống lọc không khí hay nước.
Nhưng ngay từ đầu, ý tưởng này đã gây tranh cãi, đặc biệt khi một trong những tình huống giả định lúc đó là nếu xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Liên Xô thì cũng sẽ chẳng có mấy người sống sót.
Đến những năm 1970, ý tưởng này đã bị từ bỏ. Nữ phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA) nói rằng thậm chí hiện nay họ còn không có thông tin về vị trí những hầm trú ẩn hạt nhân.
Tháng 12/2017, các quan chức giáo dục thành phố New York tuyên bố họ đang gỡ bỏ các biển hiệu hầm trú ẩn ở trường học. Minot, Bắc Dakota, chỉ cách căn cứ tên lửa hạt nhân Mỹ vài km cũng chỉ có vài biển hiệu được duy trì nhưng chúng còn là những nơi trú ẩn đáng tin cậy hay không thì vẫn chưa rõ.
Joe Carpenter, một cư dân của thành phố New York thừa nhận, anh chưa bao giờ nghĩ xem sẽ làm gì trong trường hợp diễn ra một vụ tấn công tên lửa.
"Có thể tôi sẽ nháo nhào cùng đám đông, chạy theo họ vì tôi chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về điều đó", Joe chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.