Biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan làm trầm trọng thêm nghèo đói trên thế giới |
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vừa công bố báo cáo mới nhất cảnh báo, biến đổi khí hậu đang ngày một tác động tiêu cực hơn đến sản lượng nông nghiệp trên toàn thế giới, từ đó gây thiếu hụt lượng lương thực cần thiết để nuôi sống loài người. Tổ chức này cũng đồng thời dự báo về khả năng xảy ra một nạn đói trên quy mô toàn cầu nếu thiếu những biện pháp kịp thời nhằm giảm tốc độ ấm lên của Trái đất.
Minh chứng cho những cảnh báo trên, WFP cho biết, số lượng các vụ thiên tai trên thế giới đã tăng gấp đôi so với những năm 90 của thế kỷ trước và những hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng đã khiến rất nhiều người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn - một trong những nguyên nhân chính gây nên nạn đói. Ông Gernot Laganda, Trưởng bộ phận giảm thiểu rủi ro từ thiên tai của WFP, nhấn mạnh nạn đói sẽ tăng tỷ lệ thuận với nhiệt độ Trái đất.
Theo tính toán của WFP, nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 2 độ C, thế giới sẽ có thêm 189 triệu người rơi vào cảnh đói ăn. Hơn nữa, số người đói ăn có khả năng sẽ còn tăng theo cấp số nhân nếu không có những biện pháp kịp thời và hiệu quả để ngăn chặn hiện tượng nóng lên của Trái đất.
Trong khi năm 2018 được xem là năm mà biến đổi khí hậu tác động nặng nề nhất từ trước tới nay với nắng nóng kỷ lục tại châu Âu và Bắc Mỹ cùng các siêu bão ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, trên thế giới có khoảng 821 triệu người trên toàn thế giới nằm trong diện thiếu ăn trầm trọng, tăng khoảng 11 triệu người so với năm 2017, và đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, số người trong diện thiếu ăn trầm trọng đã tăng lên. Vì thế, WFP cho rằng, những nỗ lực nhằm giảm nạn đói trên thế giới đang trở nên ngày một khó khăn hơn do tình trạng thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu cùng với các cuộc xung đột triền miên.
Việc biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo trên thế giới cũng đã được khẳng định với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế. Ngân hàng thế giới (WB) trước đó cũng công bố một báo cáo cho rằng, những biến đổi về khí hậu, thời tiết là mối đe dọa lớn hơn đối với người nghèo, như chỉ với một trận bão có thể có tới hàng nghìn người trắng tay. WB tiến hành một nghiên cứu tại Indonesia để chỉ ra rằng, rủi ro phải đối mặt với lũ lụt của người nghèo cao hơn 30% so với thành phần có thu nhập trung bình, và tỷ lệ đó lên tới 50% khi có hạn hán.
Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) cũng dự báo, vào năm 2050, dân số trên toàn cầu sẽ lên đến 9 tỷ người, thay vì hơn 7 tỷ người như hiện nay. Để cung ứng lương thực thực phẩm cho 9 tỷ con người, sản lượng của thế giới phải tăng thêm 70% trong vòng 35 năm tới, song biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lụt hay hạn hán kỷ lục lại khiến sản lượng lương thực bị đe dọa nghiêm trọng.
Để ngăn chặn biến đổi khí hậu trở thành “đồng minh thân cận” của đói nghèo, phá hỏng mục tiêu xóa sổ nạn đói vào năm 2030 mà LHQ đã đặt ra, bên cạnh các nỗ lực xóa đói giảm nghèo khác, rất cần phải thực hiện bằng được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đó ngăn nhiệt độ bề mặt Trái đất không nóng hơn 1,5 độ C so thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 9-10 vừa qua sau khi kêu gọi thế giới phải hành động khẩn cấp để thực hiện mục tiêu giữ mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C đã cho rằng Hội nghị Khí hậu LHQ tại Ba Lan vào tháng 12 tới là thời điểm “không thể thất bại”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.