Biến đổi khí hậu có thể gây nên hiện tượng "dời non lấp bể"

Diễn đàn khoa học 13/11/2015 09:28

Biến đổi khí hậu không chỉ gây nên những hiện tượng thời tiết bất thường mà thậm chí còn có thể tạo ra một "biến cố" lớn trong lịch sử nhân loại.

1465265
Dãy núi St.Elias đang dần bị xói mòn do hiện tượng biến đổi khí hậu và nguy cơ lâu dài là một cuộc "đại dịch chuyển".

Bạn đã từng nghe tới hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ tác động buộc các loài động thực vật và thủy sinh phải rời bỏ nơi sinh sống do nhiệt độ môi trường bị thay đổi. Tuy nhiên, mức độ tác động của biến đổi khí hậu sẽ còn cao hơn thế bởi chúng có thể tạo ra những cuộc "đại dịch chuyển" lớn trên thế giới.

Hàng triệu năm trước, những cuộc dịch chuyển khí hậu toàn cầu đã làm thay đổi cấu trúc và sự chuyển động bên trong của nhiều dãy núi. Thời điểm đó, các sông băng thường chỉ xuất hiện ở vĩ độ cao và đóng băng bất động trong thời gian dài. Tới nay, khi biến đổi khí hậu gây tan băng trên các đỉnh núi, chúng đã vô tình kích hoạt những thay đổi liên quan tới khí hậu và địa chất tại những vùng xung quanh đó.

Các lớp kiến tạo Trái Đất bắt đầu di chuyển nhanh hơn?

Theo Discovery, mức độ của những vòng hồi tiếp được ghi lại trong một nghiên cứu mới đây về dãy núi St.Elias (nằm dọc theo bờ phía Tây Bắc của Canada và phía Đông Nam tiểu bang Alaska, Mỹ) đang tăng dần lên. Dãy núi ven biển cao nhất thế giới này cũng sẽ là "minh họa" điển hình cho những tác động của biến đổi khí hậu.

Nhà nghiên cứu Eva Enkelmann đến từ trường ĐH. địa chất Cincinnati cho biết trong một bài phát biểu trước báo giới: "Để hiểu được cấu trúc các ngọn núi tiến hóa theo thời gian không phải là một nhiệm vụ nhanh chóng, bởi vì chúng ta đang nói tới khoảng thời gian kéo dài tới hàng triệu năm. Có hai quá trình chủ yếu mà kết quả của chúng là việc tạo dựng hay làm xói mòn các ngọn núi. Và những quá trình này đang tương tác với nhau".

Theo đó, vấn đề dịch chuyển của những ngọn núi và hoạt động địa chất cũng có thể làm ảnh hưởng đến kiểu khí hậu của một vùng. Khi những dãy núi thay đổi vị trí, hướng gió và lượng mưa cũng vì thế có sự thay đổi lớn, đặc biệt tại những vùng trước kia từng là nơi đón gió gây mưa sẽ không thể tiếp tục có mưa.

1465262

Hậu quả của những thay đổi lớn này là khó có thể lường trước. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu đánh giá chúng có thể thúc đẩy nhanh tốc độ xói mòn và hoạt động địa chấn kiến tạo của một dãy núi.

Dãy núi St. Elias thường có lượng mưa cao ở sườn cuối phía nam. Thế nhưng dưới tác động của nhiệt độ đang ngày càng gia tăng, hiên tượng xói mòn xảy ra với tần suất lớn, ngẫu nhiên sẽ làm biến đổi lượng mưa và làm xáo trộn quy luật thời tiết.

Quá trình này đã từng được dự báo bởi một số nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, Enkelmann đã cung cấp một bằng chứng rõ ràng và "đanh thép" hơn, bằng cách tồng hợp nhiều bộ dữ liệu biểu thị tốc độ biến đổi địa chất. Lớp đá trong trung tâm của dãy núi đã nâng lên trong khoảng 2-4 triệu năm trước đây.  Nhưng tác động xuôi - ngược của quá trình xói mòn và chuyển dịch các lớp kiến tạo bên trong đã gây nên hiện tượng nhiều lớp đá đã "trồi lên" mặt đất nhanh hơn.

Đặc biệt, quá trình này vẫn đang âm thầm diễn ra ngay cả khi biến đổi khí hậu có thể suy giảm. Enkelmann cho biết, các dòng sông băng hiện nay đang di chuyển rất mạnh mẽ, làm xói mòn các lớp vật chất xung quanh, đồng thời quá trình dịch chuyển của các mảng kiến tạo tiếp tục đẩy những lớp trầm tích nằm sâu dưới mặt đất trồi lên mặt đất. Một ví dụ rõ ràng nhất được Enkelmann quan sát, đó chính là Vịnh Alaska và hạt Yahutat (tiểu bang Alaska, Mỹ).

Enkelmann cho rằng: "Bằng cách tới tìm hiểu tất cả các dòng sông băng, chúng ta có thể biết nhiều hơn về những gì đã xảy ra, và những thứ đã và đang di chuyển trong toàn bộ dãy núi".

Công trình nghiên cứu trên của Eva Enkelmann đã được xuất bản trên tạp chí đầu ngành về lĩnh vực địa chất Geophysical Research Letters. Ngoài ra, công trình cũng đã được giới thiệu tại cuộc họp thường niên của Hội địa chất Mỹ tại Baltimore.

Trong một nghiên cứu khác mới đây, hiện tượng biến đổi khí hậu ngoài gây ra việc dịch chuyển của các ngọn núi, thậm chí cũng có thể tác động làm thay đổi "màu sắc" của mùa thu. Nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu đã làm thay đổi thời gian và quá trình thay đổi màu sắc của lá. Tuy vậy, sự thay đổi này có thể khác nhau tùy theo từng vùng miền và từng loại cây.

Ý kiến của bạn

Bình luận