Người dân tránh nóng tại khu vực có đài phun nước ở Montreal, Canada ngày 3/7/2018. |
Cảnh báo được đưa ra tại Hội nghị quốc tế về Sức khỏe và Biến đổi khí hậu, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/4 ở thành phố Cannes (Can) của nước Pháp, còn được gọi là "COP nhân đạo đầu tiên trong lịch sử loài người".
Hội nghị tập trung vào chủ đề "Thế giới 2 độ C" , được tổ chức nhân 100 năm thành lập Liên đoàn quốc tế Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ (IFRC), với mục tiêu tìm ra những giải pháp thích ứng sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức đang ngày một gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.
Các nhà khoa học nhất trí cho rằng các nguy cơ của tình trạng biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người là rất đáng báo động. Tình trạng này không loại trừ bất cứ quốc gia nào, buộc chính phủ các nước phải tìm cách thích nghi và bảo vệ những công dân dễ bị tổn thương nhất của mình, nhất là tại các quốc gia người dân đang phải vật lộn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định biến đổi khí hậu, kéo theo thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan như làm tăng tần suất và cường độ bão hay nước biển dâng…, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người thông qua môi trường xung quanh, trong đó tác động đến nhiều yếu tố ảnh hưởng sức khỏe, bao gồm không khí và nước sạch, thực phẩm và nơi ở.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu làm thay đổi sinh lý, tập quán, khả năng thích ứng và phản ứng của cơ thể với các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thần kinh, dị ứng...
Đồng thời, biến đổi khí hậu tác động gián tiếp đến sức khoẻ con người thông qua những nguồn gây bệnh, như làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền bệnh dịch, tạo điều kiện thuận lợi phát sinh một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, Zika, viêm não Nhật Bản...
Giới khoa học cho rằng một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trở lại như hiện nay là do hiện tượng El Nino trong vòng 3 năm 2014-2016 mạnh nhất so với nhiều năm qua, gây khô hạn và tăng nhiệt độ trung bình, dẫn tới tuổi thọ của muỗi kéo dài hơn và gia tăng mật độ muỗi.
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, trong vòng 50 năm tới sẽ có khoảng 3,5 tỷ dân toàn cầu phải đối mặt với nguy cơ sốt xuất huyết mà nguyên nhân là do hiện tượng Trái Đất ấm lên và biến đổi khí hậu.
Có thể thấy khí hậu thay đổi nhanh chóng có tác động nghiêm trọng đối với mọi khía cạnh của cuộc sống con người, và những tác động này mang tính đồng thời, có hệ thống. Chẳng hạn như bão lũ không chỉ gây những tổn thương trực tiếp mà còn có thúc đẩy dịch bệnh bùng phát và gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần kéo dài, khi con người mất đi nhà cửa, tài sản...
WHO ước tính biến đổi khí hậu toàn cầu là thủ phạm gây ra hàng chục nghìn trường hợp tử vong mỗi năm do các dịch bệnh liên quan hay các hiện tượng thời tiết cực đoan. Gần 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm chết vì các bệnh do ô nhiễm không khí, thiên tai đã khiến 3 triệu người thiệt mạng và 200 triệu người bị ảnh hưởng.
Trong vòng 50 năm tới, số các vụ thiên tai sẽ tăng gấp 4 lần và ảnh hưởng cuộc sống của 2 tỷ người trên hành tinh. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, người già, trẻ em và phụ nữ. Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mỗi năm có khoảng 77.000 ca tử vong liên quan tình trạng biến đổi khí hậu.
Sự gia tăng về nhiệt độ tỷ lệ thuận với các tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. Tình trạng nóng lên làm thay đổi cấu trúc mùa nhiệt hằng năm dẫn tới thay đổi đặc tính trong nhịp sinh học của con người, điển hình đợt nóng năm 2003 ở Tây Âu là yếu tố góp phần cướp đi sinh mạng của 40.000 - 50.000 người, chủ yếu là người già ở khu vực này.
Giám đốc Trung tâm Khí hậu Maarten van Aalst cho rằng một trong những hệ quả lớn nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu là sóng nhiệt ở khu vực thành thị, mà ông gọi là "kẻ sát nhân thực sự", bởi có hàng nghìn người, thậm chí hàng chục nghìn người chết mỗi năm vì sóng nhiệt mà không hề hay biết nguyên nhân, đặc biệt là ở những thành phố lớn đang có tốc độ phát triển quá nhanh.
Số người bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt năm 2017 tăng thêm 157 so với năm 2000. Thời tiết nóng hơn khiến 153 tỷ giờ lao động bị mất đi trong năm 2017, tăng 60% so với năm 2000, khi công nhân trong ngành xây dựng, nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác nghỉ việc, gây áp lực lên thu nhập gia đình. Riêng ở Ấn Độ, sức nóng làm cho số giờ làm việc giảm gần 7% trong năm 2017.
Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 28/3 vừa qua đã nhấn mạnh tình trạng mực nước biển dâng cao kỷ lục và nhiệt độ cao bất thường trong 4 năm qua trên bề mặt của đất liền và đại dương. Những dữ liệu của WMO rất đáng lo ngại: “4 năm qua có mức nhiệt nóng nhất từng được ghi nhận và nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2018 cao hơn khoảng 1°C so với giai đoạn tiền công nghiệp".
Một thách thức khác của biến đổi khí hậu là mối đe dọa cho các hệ thống y tế. Thiên tai phá hủy các cơ sở y tế, nhiều loại dịch bệnh gây quá tải, giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Cơn bão nhiệt đới Idai vừa qua đã phá hủy 45 cơ sở y tế ở Mozambique, và đó quả thật là một thảm kịch khi mà rất nhiều người dân đang cần đến dịch vụ y tế khẩn cấp. Thực tế này tiếp tục khoét sâu tình trạng bất bình đẳng y tế hiện có.
Với tốc độ tăng nhiệt độ toàn cầu như hiện nay, WHO cảnh báo rằng kể cả khi tăng trưởng kinh tế và cải thiện y tế vẫn được duy trì thì từ năm 2030 đến 2050, biến đổi khí hậu sẽ cướp đi sinh mạng của khoảng 250.000 người mỗi năm, trong đó 38.000 người tử vong vì sốc nhiệt, 48.000 do tiêu chảy, 60.000 do sốt rét và 95.000 do suy dinh dưỡng. Các chi phí thiệt hại trực tiếp cho sức khỏe được ước tính vào khoảng 2-4 tỷ USD/năm vào năm 2030, những khu vực có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, chủ yếu là ở các nước đang phát triển, sẽ chịu thách thức lớn nhất.
Hội nghị quốc tế về Sức khỏe và Biến đổi khí hậu của IFRC dường như có ý nghĩa hơn khi diễn ra ngay trước thềm Ngày quốc tế Mẹ Trái Đất (22/4) và thời điểm Hiệp định Paris 2015 chỉ còn một năm nữa sẽ chính thức có hiệu lực. Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ quần đảo Marshall - ông Alex Pinano đã kêu gọi: "Chúng tôi không muốn chỉ tiêu 2 độ C. Chúng tôi muốn mục tiêu là 1,5 độ C, nếu không chúng tôi sẽ buộc phải trở thành những người du mục ở Thái Bình Dương. Nhà của chúng tôi, thiên đường của chúng tôi, sẽ biến mất".
Xây dựng một thế giới mạnh khỏe thông qua việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề cấp bách mà cả cộng đồng quốc tế phải cùng hành động. Dù một "kỷ nguyên mới của những hành động vì khí hậu toàn cầu" đã bắt đầu tại COP 24 hồi tháng 12 năm ngoái sau khi giới chức gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã vượt qua nhiều rào cản để đạt được đồng thuận về một bộ quy tắc chuẩn nhằm thực thi Hiệp định Paris 2015, song như tuyên bố của Tổng Thư ký IFRC Elhadj As Sy trong phát biểu bế mạc hội nghị ở Cannes, hành động chống biến đổi khí hậu sẽ phải "cùng một nguồn cảm hứng, cùng một quyết tâm và cùng một sự lãnh đạo".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.