Biến đổi khí hậu sẽ đẩy 122 triệu người vào cảnh cùng cực năm 2030

Diễn đàn khoa học 25/10/2016 05:35

Từ nay tới 2030, thế giới sẽ có 122 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực dưới tác động của biến đổi khí hậu.

1586021

Biến đổi khí hậu đang đe dọa an ninh lương thực một cách trầm trọng. Ảnh Internet

Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO), từ nay tới 2030, thế giới sẽ có 122 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực dưới tác động của biến đổi khí hậu. Các khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là Đông Nam Á và Châu Phi.

Theo The Guardian, nguy cơ thế giới sẽ phải đối mặt từ nay tới năm 2030 không còn là vấn đề biến đổi khí hậu, chính đói nghèo dưới tác động của biến đổi khí hậu mới là thảm họa nhãn tiền mà các quốc gia cần giải quyết trước.

Trong báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra hôm 17/10, biến đổi khí hậu sẽ đẩy từ 35 - 122 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói từ nay tới năm 2030, đặc biệt tác động rõ nhất sẽ đánh vào thu nhập của nông dân và nhóm cộng đồng nông nghiệp ở vùng cận sa mạc Sahara, Châu Phi và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất và ngày càng tăng với an ninh lương thực toàn cầu. Đó cũng là lý do tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) kêu gọi các quốc gia cần có một sự thay đổi sâu sắc trong hệ thống thực phẩm và nông nghiệp, đặc biệt cần có những cơ chế hỗ trợ cụ thể với hơn nửa tỷ trang trại quy mô nhỏ trên thế giới.

Báo cáo cũng chỉ ra, nếu các nhà chức trách không sớm giải quyết vấn đề bảo tồn nguồn tài nguyên đất, nước, thủy sản và hoạt động nông nghiệp, nghèo đói chắc chắn sẽ không loại trừ bất cứ một quốc gia nào.

Trên hết, FAO còn kêu gọi một sự thay đổi mạnh mẽ trong nền nông nghiệp, đặt mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính, nguyên nhân gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong đó nông nghiệp chiếm tới 21%.

Báo cáo dài 194 trang cũng chỉ ra hướng đi cho nông nghiệp trong tương lai, đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu. Bài toán mà các nhà khoa học môi trường hiện nay khá đau đầu, đó là cách giải quyết thách thức kép chưa từng có, bao gồm xóa đói giảm nghèo và ổn định khí hậu toàn cầu.

Graziano da Silva, Tổng giám đốc FAO chia sẻ: "Nông nghiệp luôn luôn là mặt kết nối giữa hoạt động của con người và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngày nay, nông nghiệp nắm giữ chìa khóa giải quyết hai thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đó là xóa đói giảm nghèo, duy trì hành lang khí hậu ổn định, qua đó góp phần giúp nền văn minh nhân loại có thể tiếp tục phát triển".

Các giải pháp được nhiều nhà khoa học khuyến khích hiện nay bao gồm: đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, áp dụng biện pháp thủy canh, kỹ thuật trồng cây chịu hạn, đổi mới giống cây có khả năng chịu thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên FAO cũng cảnh báo, trước diễn biến khó lường của khí hậu hiện nay, ngay cả các giống cây mới cũng khó có thể kịp thích ứng với sự thay đổi.

Hậu quả nếu nông nghiệp suy giảm chắc chắn bao gồm việc giảm sản lượng cây trồng, đẩy giá lương thực tăng cao, gây nên tình trạng bất ổn.

Trên toàn cầu, khoảng 1/3 thực phẩm sản xuất đều bị mất đi hoặc bị lãng phí. Việc giảm con số này sẽ phần nào hạn chế tác động của nông nghiệp với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải khí nhà kính.

Trước đó trong tháng 9/2015, các quốc gia thành viên LHQ đã đồng ý cam kết xóa bỏ đói nghèo cùng cực và chấm dứt tình trạng đói nghèo vào năm 2030. Đồng thời, các nước cũng đặt cam kết này trở thành một trong những mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

Cuối cùng, báo cáo kêu gọi các nước ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hồi cuối 2015 cần có cơ chế nhanh chóng thực hiện cam kết, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong việc chống và giảm tác động của biến đối khí hậu tới các nước đang phát triển.

Ý kiến của bạn

Bình luận