Biển trong chiến lược phát triển kinh tế - an ninh - quốc phòng

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
21/10/2016 04:43

Là một trong những ngành đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế biển - một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành GTVT đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển đảo.

DSCF7061
Kinh tế biển - một ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế biển

Nước ta có 3.260km đường bờ biển, trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vùng biển nước ta bao gồm: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Như vậy, về mặt địa lý, vùng biển và hải đảo nước ta rất đa dạng, bao gồm nhiều khu vực khác nhau, trong đó có thể chia thành các vùng chủ yếu: Vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số đảo, quần đảo khác. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh.

Phát triển kinh tế biển có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển chung của nền kinh tế nước ta. Ý thức rõ điều đó, những năm đổi mới, Ðảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển.

Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chiến lược biển Việt Nam đề cập đến một vấn đề vừa rộng lớn về quy mô, vừa phức tạp về các mối quan hệ phát triển (kinh tế, quản lý, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường…), vừa đòi hỏi tính bao quát toàn diện và một tầm nhìn dài hạn, cũng như các giải pháp mang tính đột phá, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

Ý thức từ điều đó, ngay từ Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 6/5/1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển khẳng định đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020. Thực hiện nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ thị triển khai như Chỉ thị 399 ngày 5/8/1993 về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt và Chỉ thị 171/TTg năm 1995 triển khai Nghị quyết 03-NQ/TW.

Tiếp đến là Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) khẳng định mục tiêu: Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 01 triệu km2 thềm lục địa. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (năm 2011) khẳng định chủ trương: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị trí và tiềm năng biển nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển; phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; phát triển kinh tế đảo phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng đảo. Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển đảo; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí, cảng biển và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch biển, đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; xây dựng kết cấu hạng tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống vùng biển, đảo; đẩy nhanh điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển, đảo; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển; xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa vờ và hoạt động dài ngày trên biển; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân định cư lâu dài trên các đảo; tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, đảo.

Ngành GTVT với phát triển kinh tế biển

Trong Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt đã chỉ rõ: “GTVT là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, vừa có bước đi phù hợp vừa có bước đột phá theo hướng hiện đại tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc; phát triển vận tải theo hướng hiện đại, chất lượng ngày càng được nâng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.

Để phục vụ phát triển kinh tế biển đến năm 2020, các phương thức vận tải được phát triển hài hòa, hợp lý, trong đó vận tải đường biển chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu; nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu lên 25 - 30%; phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Vận tải đường thủy nội địa chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (than, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng...) hàng siêu trường, siêu trọng trong nội địa. Tổng khối lượng vận chuyển hành khách là 6.240 triệu HK, trong đó đường bộ đảm nhận 86,0 - 90,0%; đường sắt 1,0 - 2,0%; đường thủy nội địa 4,5 - 7,5% và hàng không 1,0 - 1,7%. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 2.090 triệu tấn, trong đó đường bộ đảm nhận 65,0 - 70,0%; đường sắt 1,0 - 3,0%; đường thủy nội địa 17,0 - 20,0%; đường biển 9,0 - 14,0% và hàng không 0,1 - 0,2%.

Làm được điều này cần tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT (8.000TEU); tiếp tục phát triển các cảng biển, các bến container và các bến cảng chuyên dùng đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; xây dựng cảng khách tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh; tiếp tục xây dựng, nâng cấp và mở rộng các cảng: Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn nhằm đáp ứng nhu cầu theo từng thời kỳ; xây dựng các cảng chuyên dụng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, xuất khẩu alumin; lựa chọn và xây dựng bến cảng hành khách quốc tế tại khu vực Huế, Đà Nẵng, Nha Trang; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Đối với phát triển công nghiệp GTVT, ngành Công nghiệp tàu thủy tập trung vào các sản phẩm có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh đáp ứng nhu cầu trong nước và có sản phẩm xuất khẩu; đóng mới tàu biển tập trung vào nhóm tàu có trọng tải 100.000DWT trở xuống; sửa chữa tàu biển tập trung vào nhóm tàu có trọng tải 150.000DWT trở xuống.

Đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện mạng lưới GTVT trong cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo “Nhanh chóng - An toàn - Tiện lợi”. Hệ thống cảng biển đáp ứng tốt nhu cầu thông qua về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa. Các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm gắn liền với hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa, hệ thống giao thông kết nối đảm bảo tạo thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics hiện đại, hiệu quả, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật, đảm bảo chạy tàu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa; cơ giới hóa bốc xếp và hoạt động có hiệu quả tại các cảng, bến thủy nội địa; phát triển mạnh các tuyến đường thủy nội địa ra các đảo.

Ý kiến của bạn

Bình luận