Bình Định đã bàn giao gần 94km mặt bằng làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Đường bộ 02/06/2023 15:48

Theo UBND tỉnh Bình Định, 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh cần tháo gỡ một số tồn tại để tăng tốc GPMB.

GPMB 118km cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định hiện thế nào? - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Quy mô dự án trong giai đoạn phân kỳ đầu tư là 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Bộ GTVT tách công tác bồi thường, GPMB và tái định cư thành tiểu dự án do UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện theo quy mô GPMB hoàn chỉnh cho 6 làn xe, nền đường 32,25m.

GPMB đạt trên 80%

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 qua địa phận tỉnh Bình Định có chiều dài 118km, bao gồm 3 dự án thành phần là: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (27,7km), Hoài Nhơn - Quy Nhơn (70,1km) và Quy Nhơn - Chí Thạnh (21km).

Theo UBND tỉnh Bình Định, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 1.496,58ha (trong đó, đất lúa 2 vụ trở lên 419,76ha; các loại đất khác 454,78ha; đất rừng phòng hộ 37,8ha; rừng sản xuất: 584,24ha). Đối với tuyến chính cao tốc xác định có 11.460 hộ bị ảnh hưởng, với 16.274 thửa đất, diện tích khoảng 945,35ha; 1.013 ngôi nhà bị giải tỏa phải bố trí tái định cư; 2 điểm Di tích lịch sử được công nhận cấp Quốc gia và 6.765 ngôi mộ phải di dời.

Đồng thời, địa phương phải thực hiện đầu tư xây dựng 39 khu tái định cư (71,028 ha/1.822 lô đất) và 7 khu cải táng mồ mả (2,238ha). Chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư qua địa bàn tỉnh Bình Định (bao gồm chi phí dự phòng) đã được Bộ GTVT phê duyệt là 4.953 tỷ đồng.

Thống kê mới đây của UBND tỉnh Bình Định cho biết, mặt bằng hiện đã bàn giao cho chủ đầu tư với diện tích 759,68/945,35ha, đạt 81%; chiều dài 93,85/117,38km, đạt 80%.

Cụ thể, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là 183,71/242,79ha (đạt 76%), chiều dài 20,5/27,7km (đạt 74%). Đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn là 446,16/539,37ha (đạt 82%), chiều dài 58,45/70,1km (đạt 83%). Đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh là 131,81/163,19ha (đạt 81%), chiều dài 14,9/19,58km (đạt 76%).

Về công tác tái định cư, hiện địa phương đã ban hành quyết định giao đất và thực hiện giao đất tái định cư cho 30 hộ trên địa bàn TP. Quy Nhơn. Đồng thời đang triển khai thi công được 20/39 khu, 19 khu còn lại đang thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công.

Việc xây dựng khu cải táng mồ mả đã thực hiện di dời được 5.559/6.765 ngôi mộ trên tuyến chính bị ảnh hưởng, đạt 82% và đang triển khai thi công được 7/7 khu cải táng.

Về di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hiện có 2/8 địa phương đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công di dời, 2 địa phương đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công di dời và 4 địa phương còn lại đang thực hiện thẩm định, phê duyệt hồ sơ. 

Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường điện trên 110kV và hệ thống hạ tầng kỹ thuật do các cơ quan Trung ương quản lý, hiện đã phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán di dời hệ thống điện và đang thực hiện lựa chọn nhà thầu. "Đến nay đã giải ngân được 1.892/4.730 tỷ đồng, đạt 40%", UBND tỉnh Bình Định thông tin.

Còn khó khăn, vướng mắc trong GPMB

Qua quá trình triển khai tổ chức thực hiện, địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB. Trước hết là việc thực hiện công tác GPMB được thực hiện đồng thời với công tác lập dự án đầu tư, có một số đoạn tuyến phải điều chỉnh; thực hiện trên cơ sở các cơ chế đặc thù được Nghị quyết 18 của Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, có một nội dung cần phải điều chỉnh, bổ sung bằng Nghị quyết 119.

Theo UBND tỉnh Bình Định, dự án trải dài qua địa bàn 30 xã, phường, thị trấn, khối lượng thực hiện công tác GPMB rất lớn. Trong khi đó, phải thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện cao thế, cáp viễn thông,... do các cơ quan Trung ương quản lý trong khi địa phương được giao thực hiện công tác di dời, nhưng thủ tục, trình tự xử lý lại ở các bộ, ngành và trình độ năng lực của cán bộ địa phương còn hạn chế.

Bên cạnh đó, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, GPMB cần có ý kiến thỏa thuận của chủ đầu tư nên mất nhiều thời gian. Một số khó khăn, vướng mắc cần sự hướng dẫn, giải quyết của các bộ, ngành nên địa phương mất nhiều thời gian ở khâu kết nối, liên hệ và chờ hướng dẫn.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Định, kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư qua kiểm tra, rà soát thực tế cao hơn chi phí được Bộ GTVT phê duyệt. Mỏ vật liệu đất đắp cho các khu tái định cư không được áp dụng cơ chế đặc thù mà phải phải thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ đăng ký khai thác vật liệu đất đắp theo quy định tại Nghị định 158 và theo Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (phải lập hồ sơ thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác,...), nên chậm trong việc triển khai thi công xây dựng các khu tái định cư.

Đối với các hộ bị giải tỏa một phần thửa đất ở, nhà ở và có phần diện tích còn lại của thửa đất ở nằm ngoài phạm vi mốc GPMB. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chưa có ý kiến hướng dẫn để địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc được cấp phép xây dựng cho người dân tiến hành xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống, nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB và đạt sự đồng thuận của người dân.

Mặt khác, chủ đầu tư chậm bàn giao ranh, mốc giới bãi thải, mỏ vật liệu, trạm dừng nghỉ và phần diện tích rừng tuyến chính cao tốc phát sinh phải chuyển mục đích. Do đó, các địa phương chưa đủ cơ sở để thực hiện rà soát, lập hồ sơ điều tra, đánh giá hiện trạng rừng để chuyển ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân có đất sản xuất không cùng với địa chỉ nơi thường trú dẫn đến thời gian xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp kéo dài (đặc biệt đối với các đối tượng ngoài tỉnh).

Mặt khác, giá đất giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn; đơn giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối,... còn thấp, chưa phù hợp với thực tế; do đó, một số hộ dân còn ý kiến chưa thống nhất, đề nghị điều chỉnh đơn giá nên ảnh hưởng công tác phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ.

"Diện tích đo đạc hiện trạng có sự chênh lệch lớn so với hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; chủ sử dụng nhà cửa, đất đai thực tế có sự sai khác so với hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nên công tác xác nhận nguồn gốc đất đai mất nhiều thời gian", UBND tỉnh Bình Định cho hay.

GPMB 118km cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định hiện thế nào? - Ảnh 4.

Công địa thi công cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh

Cần tháo gỡ "điểm nghẽn" để tăng tốc GPMB

Để đẩy nhanh công tác GPMB, đáp ứng yêu cầu tiến độ theo Nghị quyết 18/2022 của Chính phủ (bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng diện tích đất lúa, đất rừng phục vụ dự án cao tốc được tính riêng, không tính vào chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Cùng với đó, Bộ GTVT sớm báo cáo Thủ tướng xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, bổ sung diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên để thực hiện dự án. Đồng thời sớm báo cáo Thủ tướng cho phép bổ sung các mỏ vật liệu thi công xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc vào hồ sơ khảo sát vật liệu và được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội, các Nghị quyết 18/2022 và Nghị quyết 119/2022 của Chính phủ để xây dựng các khu tái định cư đẩy nhanh tiến độ GPMB.

"Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu tái định cư phải thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ đăng ký khai thác vật liệu đất đắp theo quy định tại Nghị định 158/2016 của Chính phủ (phải lập hồ sơ thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác,...), nên chậm trong việc triển khai thi công xây dựng các khu tái định cư", UBND tỉnh Bình Định cho biết và đề xuất Bộ GTVT cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hướng dẫn việc bồi thường và chấp thuận cho thu hồi đất vĩnh viễn đối với các bãi đổ thải.

Theo Quyết định 42/1997 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận 3 khu vực miền núi, vùng cao. Theo đó, xã Hoài Sơn thuộc huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn); xã Phước Thành thuộc huyện Tuy Phước được xác định là xã miền núi. Tuy nhiên, theo Quyết định 861/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thì các xã nêu trên không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

"Đến nay, Ủy ban Dân tộc chưa có ý kiến hướng dẫn cụ thể để địa phương làm cơ sở tính toán chi phí bồi thường, GPMB. UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương áp dụng theo Quyết định 861/2021 của Thủ tướng Chính phủ", UBND tỉnh Bình Định đề nghị.

Hiện nay, các đoạn tuyến kết nối vào nút giao liên thông phần lớn là các tuyến đường có quy mô nhỏ hẹp, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến từ các nút giao liên thông đến kết nối với tuyến QL1 nhằm phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc.

UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ GTVT sớm có văn bản chấp thuận không áp dụng tiêu chuẩn TCVN 10380:2014 đối với việc quy mô đường nội bộ khu tái định cư, mà áp dụng theo Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng nhằm phù hợp với thực tế và quy định hiện hành.

Đối với các hộ bị giải tỏa một phần thửa đất ở, nhà ở và có phần diện tích còn lại của thửa đất ở nằm ngoài phạm vi mốc GPMB (thuộc phạm vi hành lang an toàn đường cao tốc theo quy định từ cọc mốc GPMB trở ra môi bên từ 17-20m), cần sớm có ý kiến chấp thuận thu hồi để địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư. Trường hợp không chấp thuận thu hồi thì có ý kiến thống nhất để địa phương cấp phép xây dựng cho người dân tiến hành xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống, nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB và đạt sự đồng thuận của người dân.

UBND tỉnh Bình Định đề nghị chủ đầu tư các dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh tăng cường phối hợp hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư để địa phương triển khai thực hiện công tác bồi thường, GPMB.
Chủ đầu tư cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, giải quyết các nội dung chưa phù hợp của hồ sơ thiết kế để địa phương có cơ sở thực hiện công tác GPMB tại các vị trí có điều chỉnh. Thực hiện việc thỏa thuận với các cơ quan quản lý đường bộ địa phương khi thi công các công trình có ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường địa phương.
Trong quá trình thi công tuyến cao tốc, chủ đầu tư các dự án cao tốc chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT, giảm thiểu tác động đến hệ thống đường địa phương (đường tỉnh, đường huyện, đường GTNT...) và phải có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa kịp thời nếu bị ảnh hưởng, hư hỏng nhằm phục vụ việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn.
Đồng thời phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ phần mặt bằng đã bàn giao, kể cả phần thuộc phạm vi xây dựng của giai đoạn hoàn chỉnh.