Bình Định đề xuất đặt tên đường theo tiếng Hàn Quốc

Xã hội 16/01/2016 13:14

Sau gần 20 năm thiết lập quan hệ hữu nghị, kết nghĩa, Bình Định đề xuất Bộ Ngoại giao cho phép lấy tên quận Yongsan (Hàn Quốc).

Ngày 15/1, theo UBND Bình Định, địa phương vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao cho phép lấy địa danh quận Yongsan (Hàn Quốc) đặt tên đường phố ở TP Quy Nhơn. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, Quy Nhơn và quận Yongsan (Hàn Quốc) thiết lập mối quan hệ hữu nghị, kết nghĩa gần 20 năm qua.

Theo ông Thanh, nhiều năm qua, phía bạn đã giúp đỡ, hỗ trợ Quy Nhơn trên nhiều lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, y tế... Cụ thể quận Yongsan đã xây tặng 8 nhà tình thương cho người dân; hỗ trợ thiết bị y tế và chuyển giao kỹ thuật mổ mắt theo phương pháp Phaco cho Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn; cấp học bổng du học cho nhiều học sinh, cán bộ công chức trong lĩnh vực quản lý hành chính, phát triển đô thị …

Chính quyền quận Yongsan cũng đã đặt tên đường mang tên Quy Nhơn tại khu đô thị trung tâm TP Seoul.

"Việc đề xuất đặt tên đường Yongsan (TP Seoul) ở TP Quy Nhơn nhằm thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa 2 thành phố nói riêng và mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, đặc biệt là sau khi Việt Nam và Hàn Quốc ký kết Hiệp định Thương mại tự do", ông Thanh nhấn mạnh. 

Bình Định đề xuất đặt tên đường theo t
Thành phố Quy Nhơn bên bờ biển "vầng trăng khuyết" nhìn từ trên cao. Ảnh: Đào Tiến Đạt. 

Theo quy chế của Chính phủ thì việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.

Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt. Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.

Ý kiến của bạn

Bình luận