Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. |
Chênh lệch về số liệu thống kê người thiệt mạng do tai nạn giao thông
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Đoàn Hưng Yên) băn khoăn về sự chênh lệch lớn trong thống kê số người thiệt mạng do tai nạn giao thông. Theo đại biểu, số liệu thống kê của Bộ Công an chỉ bằng 1/2 số liệu do Bộ Y tế công bố và bằng 1/3 số liệu của Tổ chức Y tế thế giới. Đại biểu chất vấn, số liệu nào chính xác và đặt câu hỏi, liệu Bộ Công an có cần thay đổi cách thống kê hay không?
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời, số liệu thống kê của Bộ Công an chủ yếu là số người chết tại hiện trường. Trong khi đó, Bộ Y tế thống kê số người tử vong do tai nạn giao thông tại bệnh viện nên có sự chênh lệch, bởi có những người bị thương sau một thời gian điều trị mới tử vong tại bệnh viện.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc Bộ Công an chỉ thống kê số người chết tại hiện trường mà không thống kê số người tử vong tại bệnh viện là không phù hợp và đề nghị Bộ cần có sự điều chỉnh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, thời gian tới, Bộ Công an cần tiếp thu và phối hợp với Bộ Y tế để số liệu thống kê phù hợp với thực tế.
Đề xuất xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra, xử phạt, nhưng việc chấp hành xử phạt vi phạm an toàn giao thông (ATGT) chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng nhờn pháp luật. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm thừa nhận, thời gian vừa qua, tình trạng mất ATGT đã khiến cử tri bức xúc. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã có nhiều nỗ lực để khắc phục tình trạng này.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số bất cập như việc điều chỉnh trật tự ATGT trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ nhưng trong một số văn bản dưới luật thì việc bảo đảm ATGT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, Bộ Công an đề xuất trong thời gian tới sẽ xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT.
Theo Bộ trưởng, việc đấu tranh tội phạm trên đường giao thông là rất cần thiết bởi các hành vi từ đâm chém, giết người, cướp, vận chuyển hàng hóa lậu... đều diễn ra trên mặt đường nên nếu chỉ điều chỉnh bằng Luật Giao thông đường bộ thì không hiệu quả. Dự luật này cũng sẽ bao gồm việc tăng các chế tài xử phạt để việc xử phạt vi phạm ATGT đạt hiệu quả cao hơn.
Về việc tăng cường chất lượng thi hành công vụ của lực lượng cảnh sát, Bộ Công an cho biết đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức, sắp xếp hoạt động của CSGT cho phù hợp, nâng cao năng lực, đạo đức cho CSGT, giảm tiêu cực và phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông để bảo đảm ATGT.
Vướng mắc trong xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia
Cùng nhóm câu hỏi về ATGT, đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An) nêu số liệu thống kê về tai nạn giao thông trong năm 2018. Theo đó, trên toàn quốc có khoảng 8.000 người chết và 15.000 người bị thương do tai nạn giao thông. Đại biểu đánh giá đây là tình hình nghiêm trọng, gây bất an cho xã hội và đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công an trong việc xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhất là các vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia và ma túy.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, điều tra, khám phá các hành vi tội phạm là một mục tiêu của ngành công an nhưng mục tiêu cao hơn là phải xây dựng một xã hội an ninh, an toàn cho người dân. Ngoài việc điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông, lực lượng công an còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiến nghị các chế tài kiểm soát việc sử dụng chất kích thích.
Tuy nhiên, biện pháp đo nồng độ cồn có thể từ ngày hôm nay trở đi không được thực hiện do luật không cấm và thực tế cho thấy, việc xử phạt đang gặp khó khăn do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phản ứng. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ kiến nghị những điều chỉnh, đưa vào Luật Bảo đảm trật tự ATGT để có tính pháp lý cao hơn.
Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu, việc không đưa kiểm soát chất kích thích vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia không có nghĩa là bỏ trống mà vẫn cần phải xử lý theo Luật Giao thông đường bộ nếu người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngày 3-6, Quốc hội đã xin ý kiến của đại biểu về chế tài xử phạt đối với những người sử dụng rượu, bia. “Đúng như đại biểu Thúy nói, không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông mà pháp luật hiện hành đã có quy định về vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.