Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông vừa có văn bản yêu cầu giám đốc công an các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các cơ quan liên quan (như Hội Cựu chiến binh các cấp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội,…) tổ chức kiểm tra, rà soát lại các trường hợp thương binh có tham gia sử dụng xe 3 bánh; đánh giá thực trạng, tình hình sử dụng loại xe này trên địa bàn và đề xuất các biện pháp quản lý, tuyên truyền, xử lý triệt để các trường hợp sử dụng xe 3 bánh trái phép.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra đối với loại xe làm phương tiện đi lại của thương binh, trên cơ sở đó xử nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, việc xử lý xe tự chế đã được quy định rõ ràng trong Luật Giao thông đường bộ, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt… Tuy nhiên để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm cần có sự vào cuộc của các đơn vị chức năng và sự đồng lòng của nhân dân trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với việc xử lý vi phạm của người điều khiển xe tự chế, đối tượng giả danh thương binh sử dụng xe 3 bánh tự chế tham gia giao thông trên địa bàn huyện. Tiến hành rà soát, thống kê, phân loại đối tượng sử dụng các loại xe tự chế; đánh giá đúng thực trạng tình hình, tổ chức ký cam kết về việc không sử dụng xe tự chế trái quy định.
Đối với trường hợp là thương binh được phép sử dụng xe 3 bánh tự chế thì tiến hành ký cam kết về việc sử dụng đúng mục đích, không chở người và hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng cần chủ động nắm tình hình liên quan đến các đối tượng, xây dựng phương án phòng ngừa hành vi tụ tập, gây rối, mất trật tự an ninh địa bàn, kịp thời xử lý các vụ việc phức tạp có thể xảy ra. Đi liền với đó, cần tính toán các phương tiện thay thế để giải quyết nhu cầu mưu sinh cho người dân; tiến hành đăng ký phương tiện để quản lý và đảm bảo an toàn kỹ thuật, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, ngày 2/2/2015, Công ty cổ phần thương binh Hà Nội HTB Việt Nam đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc hủy bỏ và cấm các xe 3 bánh có đăng ký biển số (của người dân) không phải là thương binh; rà soát lại xe 3 bánh của thương, bệnh binh tại các địa bàn xã, phường, quận, huyện. Đồng thời cần có biện pháp quyết liệt để chấm dứt tình trạng giả danh thương binh điều khiển xe 3 bánh tự chế gây mất trật tự an toàn giao thông.
Hà Nội và TPHCM đều “bất lực”?
Theo Cục Cảnh sát giao thông, từ năm 2011, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp để xử lý các vi phạm của người sử dụng, điều khiển xe tự chế trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt tập trung vào các xe 3 bánh tự chế giả danh thương binh, các đối tượng lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước đối với thương binh để vi phạm giao thông. Tuy nhiên, khi cảnh sát giao thông tiến hành xử lý vi phạm, những đối tượng này thường tụ tập đông người, chèo kéo một số ít thương binh thật đến nhận là xe của họ, gây khó khăn cho công tác xử lý.
Trong khi đó, TPHCM đã tiến hành cấm và hạn chế xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động trên địa bàn từ năm 2010. Đến ngày 1/3/2012, UBND TPHCM đã quyết định mở rộng phạm vi cấm xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động trên địa bàn thành phố; một số khu trung tâm bị cấm hoàn toàn xe 3, 4 bánh tự chế (kể cả xe có đăng ký) tham gia giao thông. Tuy nhiên việc xử lý được các loại xe 3, 4 bánh tự chế này gặp rất nhiều khó khăn.
Người điều khiển xe tự chế thường tìm cách luồn lách vào các hẻm nhỏ để “né” chốt trực của CSGT. Mặc dù chính quyền các cấp tại TPHCM cũng đã thực hiện việc vận động, hỗ trợ người dân mưu sinh bằng nghề chạy xe 3, 4 bánh tự chế chuyển đổi nghề nghiệp nhưng vẫn còn rất nhiều gia đình sống bằng nghề này, trong khi nhu cầu thuê xe 3, 4 bánh chở hàng của người dân rất cao.
(Theo Dân Trí)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.